Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Cần tập trung vào giải pháp căn cơ

| Đinh Tuấn Minh |

GTT.VN (14.11.2012) - Theo ý kiến cá nhân của tôi, nguy cơ bất ổn của vàng đối với tỷ giá vẫn chưa được gỡ. Các biện pháp nghiệp vụ đối với nợ xấu hiện nay nếu không có giải pháp căn cơ chỉ là đẩy một phần nợ xấu của hệ thống từ hiện tại sang tương lai mà thôi.

Giá vàng đang như quả bom bị vùi xuống đất

Tỷ giá trong thời gian vừa qua ổn định, chịu ít tác động bởi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế chủ yếu là do nguồn cung USD của Việt Nam lớn hơn nhu cầu. Nhu cầu ngoại tệ giảm chủ yếu là vì tổng cầu của nền kinh tế bị suy giảm. Với mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tới 3 triệu đồng như hiện nay thì chắc chắn sẽ có các hiện tượng tiêu cực mới bên cạnh nhập lậu vàng xuất hiện, chẳng hạn làm giả vàng SJC. Hay nói cách khác, vấn đề về vàng ở Việt Nam hiện nay vẫn như quả bom bị vùi xuống đất mà thôi. Chưa biết khi nào thì nổ.

Khả năng hạ lãi suất đang đến dần

|Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (17.12.2012) - Tín dụng trong năm nay không phải là do lãi suất cho vay cao, mà do mặt bằng lãi suất huy động và tỷ lệ nợ xấu quá cao. Giải quyết ổn thoả hai vấn đề, trên là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được dòng vốn với lãi suất phù hợp, để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong khi vấn đề nợ xấu chưa có chuyển biến, thì vấn đề mặt bằng lãi suất huy động đã có dấu hiệu tích cực.

Trong tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục hạ lãi suất huy động các kỳ hạn dài (12 tháng trở lên) từ 12 – 13% xuống còn khoảng 10,5 – 12%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài cao nhất của ACB hiện chỉ còn 11,8%/năm, Techcombank 11,5%, EIB 11,5%/năm, MBB 11%/năm, và Sacombank 12%/năm. Mặc dù mới chỉ giảm lãi suất các kỳ hạn dài, nhưng đây có thể là tín hiệu tốt cho thấy xu hướng lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm.

Rủi ro từ trái phiếu chính quyền địa phương

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN - Khó khăn kinh tế Việt Nam năm 2012 đã khiến cho tình hình thu chi ngân sách nhà nước không đạt được chỉ tiêu như kế hoạch. Không chỉ tại những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế chậm mà tại cả ba đầu tàu kinh tế khu vực của ba miền Bắc, Trung, Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng đã không hoàn thành thu ngân sách nhà nước.


Áp trần lãi suất cho vay: lợi bất cập hại

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (03.12.2012) - Vừa qua, theo các tuyên bố của ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ trần lãi suất cho vay có thể được áp dụng trong thời gian sắp tới nhằm mục đích giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất thấp hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu khả năng này xảy ra thì đây sẽ là lần đầu tiên trần lãi suất cho vay chính thức áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp hành chính này vẫn là một dấu hỏi.

Mức lãi suất cho vay dưới 10%

Kể từ cuối năm 2011 tới nay, NHNN thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát dưới một con số. Để thực thi được chính sách này, các mức lãi suất chính sách của NHNN và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) cần phải được duy trì ở mức đủ cao để NHNN có thể hút được tiền trong lưu thông về. Hệ quả là lãi suất cho vay cũng phải duy trì ở mức cao tương ứng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng. 

Hạ màn đầu tư chéo ngân hàng?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (26.11.2012) - Trong tuần qua, chủ tịch hội đồng quản trị của ACB đã cho biết: nhóm công ty có liên quan tới ACB đã thoái phần lớn các khoản đầu tư vào ngân hàng Kiên Long, Eximbank, thu về tổng cộng 4.500 tỉ đồng. Giá trị này chiếm tới gần 35% tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng ACB, chưa bao gồm các khoản đầu tư của ACB vào một số các ngân hàng thương mại (NHTM) khác như Vietbank, Đại Á… Không chỉ có ACB mà nhiều NHTM khác cũng đang nắm giữ những khoản đầu tư tương tự như ACB. Dù chưa biết lỗ lãi từ việc thoái vốn ra sao nhưng việc chuyển nhượng cổ phiếu tại thời điểm này không phải dễ dàng gì.


Không mất tiền ngân sách thì mất tài sản công

| Nguyên Minh Cường |

GTT.VN (20.11.2012) - Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu quốc hội tỏ ra rất quan tâm tới nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là về hiệu quả sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu và các biện pháp khắc phục. Trong trả lời chất vấn bằng văn bản cho đại biểu, bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều còn số khá giật mình về tình hình nợ của các DNNN. Tuy nhiên, người dân vẫn hầu như không biết gì về giải pháp để giải quyết bài toán nợ tại khu vực DNNN.

DNNN vay nợ nhiều nhưng không hiệu quả

 Theo bộ trưởng Vương Đình Huệ thì tính tới thời điểm 31.12.2011, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Số nợ này bằng khoảng 65,2% GDP của toàn nền kinh tế trong năm 2011.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Đáng chú ý là có tới 30 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần. Trong đó có tám đơn vị có tỷ lệ trên mười lần, mười doanh nghiệp từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 – 5 lần. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất là 0,34 lần còn tỷ lệ tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn bình quân tính theo số liệu báo cáo hợp nhất là 0,62 lần. Tỷ lệ tổng tài sản/tổng nợ phải trả, theo báo cáo hợp nhất bình quân năm 2011 là 1,62 lần.

Thị trường tiền tệ: ổn định vẫn lo

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 12.11.2012 - Không như thời điểm này các năm trước, thị trường tiền tệ trong nước năm nay khá ổn định. Các ngân hàng thương mại (NHTM) hầu như không có dấu hiệu chạy đua lãi suất VND. Đồng thời, tín hiệu hạ lãi suất từ một số NHTM cũng đang ngày càng rõ rệt hơn. Lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên của nhiều NHTM đã giảm từ 0,5 – 1%. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như vẫn duy trì mức lãi suất trần 9% nhưng các chương trình khuyến mãi tặng quà và tiền đã giảm hẳn.

Huy động tăng mạnh khiến các NHTM thừa vốn

Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 19.10.2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,77%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động của các tổ chức tín dụng tăng 14,02%. Đặc biệt, huy động VND tăng 17,52%. Điều này đã giúp cho tỷ lệ cho vay/huy động của toàn hệ thống NHTM sau một thời gian rất dài luôn cao hơn mức 100% đã giảm xuống dưới mức này. Theo tính toán của người viết, tỷ lệ cho vay/huy động đến thời điểm 19.10.2012 chỉ còn ở mức 97,03%. Như vậy, toàn bộ nhu cầu vốn để cho vay của các NHTM đã có thể được tài trợ từ phần vốn huy động.

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Giải quyết bài toán nợ xấu: cải cách toàn diện để thu hút dòng vốn ngoại

| Đinh Tuấn Minh |

(Bài đăng trên TBKTSG 01.11.2011)



Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng Việt Nam đến thời điểm cuối tháng 10.2012 ở mức 8,8% - 10%. Dựa trên các số liệu công bố gần đây của NHNN về số dư nợ tín dụng toàn hệ thống (2.880.061 tỷ đồng vào cuối tháng 7.2012) cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống (1,24% vào cuối tháng 7.2012 và 2,77% vào ngày 19.10.2012), ta có thể ước tính được số nợ xấu của toàn hệ thống sẽ vào khoảng từ 257.000 tỷ đồng đến 292.350 tỷ đồng.

Với con số nợ toàn hệ thống vào cuối quí I.2012 vào khoảng 202.000 tỷ đồng như công bố của NHNN trước đây thì xét về giá trị tuyệt đối, trong vòng hai quí vừa qua nợ xấu của toàn hệ thống đã tăng thêm khoảng 55.000 - 90.000 tỷ đồng; tức đã tăng thêm 27,2% - 44,5% xét về giá trị tương đối. Đây là mức tăng ròng vì nó không tính đến số nợ xấu mà các tổ chức tín dụng đã tự xử lý từ đầu năm, như NHNN công bố, khoảng 36.000 tỷ đồng nhờ cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ.

Như vậy, từ đầu năm tới nay bức tranh nợ xấu của Việt Nam tiếp tục xấu đi bất chấp nỗ lực tự giải quyết của các tổ chức tín dụng. Đây có lẽ là lý do mà NHNN đã quyết định đẩy nhanh tiến độ hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia để giải quyết nợ xấu, theo đó NHNN dự định sẽ đệ trình đề án này lên Chính phủ vào ngày 15.11 tới.

Vì sao nợ xấu của các tổ chức tín dụng lại khó giải quyết bằng giải pháp tự thân đến vậy? Liệu Công ty mua bán nợ xấu quốc gia có thể đảm nhận vai trò xử lý nợ xấu được không? Để trả lời hai câu hỏi này chúng ta cần phải biết được những đặc điểm có tính đặc thù của nợ xấu trong hệ thống tín dụng Việt Nam.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Càng siết quản lý vàng, nền kinh tế càng chịu thiệt

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 30.10.2012 - Trong tuần qua, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN), đã đưa ra một số thông tin về các chính sách mà NHNN có thể thực hiện nhằm quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong số các chính sách này đáng chú ý nhất các chính sách kéo dài thời hạn đóng trạng thái vàng, quan điểm của nhà nước về quản lý thị trường vàng, về huy động vàng trong dân, và khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc mua bán vàng.

Vàng là hàng hoá hay tiền tệ?

Dường như NHNN đang cố gắng xây dựng chính sách về vàng theo hướng coi vàng chỉ đơn thuần là hàng hoá thay vì là là một loại tiền tệ đặc biệt.

Câu hỏi với tín phiếu

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 22.10.2012 - Kể từ ngày 10.10.2012, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ bán tín phiếu trở lại cho các ngân hàng sau bốn tháng tạm ngưng. Khối lượng bán ra mới chỉ đạt khoảng 6.000 tỉ đồng sau bốn phiên đấu thầu, khá thấp so với các phiên hồi đầu năm. Kỳ hạn của tín phiếu đợt này cũng khá ngắn: 28, 56 và 91 ngày trong khi kỳ hạn dài nhất của đợt bán hồi đầu năm lên tới 182 ngày.


Lãi suất trúng thầu dao động trong khoảng 4,5 – 6,5%/năm, tương đương với mặt bằng lãi suất trong các phiên đấu thầu hồi cuối quý 2 nhưng khá thấp so với những phiên trong tháng 3 năm nay, khi đó lãi suất trúng thầu lên tới 12%/năm. Mức lãi suất trên cũng tương đương với lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng hiện nay.

Việc bán tín phiếu của NHNN không ngoài mục đích hút tiền khỏi hệ thống nhưng động thái này được cho là khá bất ngờ trong thời điểm hiện nay khi mà tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn rất chậm chạp, lãi suất huy động từ dân cư đang có xu hướng tăng dần.

Thâm hụt ngân sách tăng nhanh sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu kinh tế

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 15.10.2012 - Theo bộ Tài chính, tính đến tháng 9.2012, thâm hụt ngân sách nhà nước đã đạt mức 122.320 tỉ đồng, bằng 87,2% dự toán năm, một phần là do chi tiêu trong quý 3 tăng mạnh, trong khi thu ngân sách nhà nước lại tăng rất chậm so với cùng kỳ. Điều này khiến cho nguồn tiền khả dụng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế từ tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trở nên khó khăn hơn. Nếu không cải thiện được tình trạng này, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp.


Doanh nghiệp nhà nước: cần tách biệt chức năng đại diện quyền sở hữu

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 08.10.2012 - Trong tuần qua, Chính phủ đã quyết định chấm dứt việc thử nghiệm mô hình tập đoàn đối với hai tập đoàn lớn trong ngành xây dựng là tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD). Như vậy, sau hai năm rưỡi tồn tại dưới mô hình tập đoàn trực thuộc quản lý của Thủ tướng Chính phủ, hai đơn vị này đã được trả lại cho bộ quản lý ngành như trước đây, cụ thể là bộ Xây dựng.

Lúng túng về cơ chế đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước

Việc hai tập đoàn VNIC và HUD được chuyển về cho bộ quản lý ngành, phản ánh thực trạng lúng túng của Chính phủ trong việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo các quy định hiện hành, các quyền chủ sở hữu đối với DNNN do Chính phủ thống nhất quản lý. Tuỳ từng DNNN, Chính phủ có thể trực tiếp thực hiện quyền này hoặc giao về cho các bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, các tập đoàn và tổng công ty. Theo thống kê của ông Trần Tiến Cường thuộc viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến cuối năm 2011, Việt Nam có tới 101 đầu mối quản lý trực tiếp 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Với số lượng đầu mối quản lý lớn như vậy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN trở nên rất khó giám sát. Các quyết định về nhân sự, về phương hướng phát triển kinh doanh, về thụ hưởng quyền lợi từ kết quả hoạt động của DNNN trở nên khó ăn nhập với nhau. Hệ quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu này là khu vực DNNN luôn tìm kiếm đặc quyền đặc lợi từ Nhà nước, nhưng lại thể hiện các kết quả kinh doanh khá èo uột so với các khu vực kinh tế khác.

GDP vẫn tăng trưởng khá nhờ kiều hối và đầu tư công

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 01.10.2012 - Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn cao hơn nhiều so với GDP. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi trong chín tháng đầu năm nay. Tăng trưởng tín dụng trong chín tháng đầu năm 2012 chỉ ở mức 2,35% nhưng GDP chín tháng đầu năm lại tăng 4,73%. Trong đó, GDP quý 3 là 5,35%, cao hơn nhiều so với quý 1 (4%) và quý 2 (4,66%). Điều gì khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục cải thiện dù cho tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp?

Khu vực dịch vụ tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt

So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù GDP tăng trưởng thấp hơn nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt 5,97%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp (4,36%) và lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (2,48%). Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 là 0,53%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản lại thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,27% và tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn cùng kỳ 1,49%. So với công nghiệp, nông nghiệp thì lĩnh vực dịch vụ thường sử dụng ít vốn hơn và nhu cầu chất xám nhiều hơn. Vì vậy, tín dụng tăng trưởng thấp không tác động nhiều đến lĩnh vực dịch vụ này.

Lĩnh vực dịch vụ ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ trong GDP tiếp tục duy trì đà tăng qua các năm và đã vượt lĩnh vực công nghiệp từ năm 2011. Do vậy, nhờ vào tốc độ tăng trưởng tốt và tỷ trọng lớn nhất trong GDP của lĩnh vực này mà tốc độ tăng trưởng GDP trong chín tháng đầu năm 2012 vẫn khả quan.

Sốt thị trường vàng: những dấu hỏi về chính sách

| Nguyên Minh Cường |


GTT.VN 24.09.2012 - Trong suốt một tháng qua, thị trường vàng đã hoạt động mạnh trở lại sau gần một năm trầm lắng. Sau khi đạt mốc 45 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 2.2012, giá vàng bắt đầu đi xuống và chạy quanh mức 41 – 43 triệu đồng/lượng cho tới cuối tháng 7. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 8, giá vàng bắt đầu tăng mạnh và chạm mốc 47 triệu đồng/lượng từ giữa tháng 9 và đi ngang từ đó tới nay. Giá vàng trong nước đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng trong quãng thời gian chưa đầy một tháng trong khi giá vàng thế giới quy đổi chỉ tăng khoảng xấp xỉ 4 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng sôi động trở lại

Thị trường vàng trong nước trong thời gian qua đột nhiên trở nên sôi động theo xu hướng chung của thị trường vàng thế giới, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB, và BoJ đều tuyên bố đẩy mạnh bơm tiền nhằm thúc đẩy các nền kinh tế thoát khỏi trì trệ.

Tuy nhiên, khác với lần tăng giá vàng trên thế giới hồi đầu năm 2012, người mua trong nước đột ngột quan tâm tới vàng hơn. Nhiều ngân hàng tăng mua vàng vào để đảm bảo thanh khoản; còn cầu từ phía người dân phần lớn do những biến động tâm lý trước những bất ổn trên các thị trường tài chính.

Điều này làm cho giá vàng trong nước tăng mạnh hơn so với giá vàng thế giới. Khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới ngày càng bị doãng ra, có thời điểm lên tới hơn 3 triệu đồng lượng.

Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào?

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 21.09.2012 - Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của ngân hàng, tất cả người xem có thể dễ dàng nhận thấy được nợ xấu của ngân hàng là bao nhiêu trong phần thuyết minh của mục “Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng”. Nợ cho vay được phân loại làm năm nhóm theo quyết định 493/2005/QĐ – NHNN và đã được sửa đổi theo quyết định 18/2007/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng cao hơn rất nhiều so với con số này. Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói nợ xấu theo số liệu NHNN là đáng tin cậy nhất, với mức 8,6% tổng dư nợ tại thời điểm 31.3.2012. Trong khi đó, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, dù cập nhật đến 31.5.2012, chỉ ở mức 4,47%. Sự chênh lệch này đến từ đâu và có dừng lại ở đó hay cao hơn nhiều như báo cáo của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, của Fitch?

“Thủ thuật” hạch toán và đánh giá nợ

Trong những năm trước, để có thể đẩy mạnh được hoạt động tăng trưởng tín dụng và lách các quy định của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh hoạt động cho vay nhưng lại không hạch toán vào mục Cho vay với khách hàng. Thay vào đó, nhiều khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán lại “phình to ra” do các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đã lách các hoạt động cho vay vào các khoản mục này như mục Các tài sản có khác (trong đó có khoản phải thu, tài sản có khác), Chứng khoán đầu tư (trong đó có chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành), Uỷ thác đầu tư… Nhiều tài sản trong nhóm này có tính chất tương tự như tín dụng nhưng không được các NHTM trích dự phòng hay phân loại nhóm nợ do không có quy định cụ thể. Điều này đã làm giảm bớt các khoản nợ quá hạn và nợ xấu của các NHTM do các NHTM chỉ thực hiện phân loại nợ với các khoản cho vay trên mục Cho vay khách hàng.

Ngoài ra, để không phải điều chỉnh nhóm nợ với các khoản cho vay, nhiều NHTM có thể đã chuyển từ việc cho vay sang mua trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã phát hành thành công 850 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 17.8.2012. Số trái phiếu phát hành lần này để cơ cấu lại các khoản nợ ở các ngân hàng. Trong thương vụ này, BIDV và công ty chứng khoán BIDV thu xếp phát hành, còn đối tượng mua là các NHTM nơi HAG có các khoản nợ.

QE3 của Fed và nỗi lo nhập khẩu lạm phát

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 17.09.2012 - Có nhiều dấu hiệu cho thấy CPI của tháng 9 sẽ ở mức cao hơn so với tháng 8. Và với đà tăng của giá dầu thô như hiện tại, khả năng giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng trong tương lai gần là điều có thể dự đoán trước.
Chỉ trong vòng hơn một tuần, cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều lần lượt công bố bơm thêm tiền với quy mô lớn vào nền kinh tế, để hỗ trợ nền kinh tế của từng khu vực vượt qua được giai đoạn trì trệ hiện nay. Ngày 6.9.2012, ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới giúp hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Ngày 13.9.2012, FED đã chính thức công bố chương trình nới lỏng định lượng QE3 với quy mô 40 tỉ USD/tháng, nhưng không giới hạn thời gian. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt bơm tiền tạo nguy cơ giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh. Liệu Việt Nam có đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ thế giới?

Giá vàng tăng mạnh là do ngân hàng tăng sức mua?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 10.09.2012 - Trong tuần qua, giá vàng SJC đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm 2012 đến nay với mức giá bán ra vượt 46 triệu đồng/lượng. Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 45,90 và 46,25 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi là 2,46 triệu đồng/lượng. Dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho SJC gia công 1.723kg (gần 50.000 lượng vàng) nhưng thị trường vàng trong nước vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt.

Giá vàng thế giới gia tăng kích thích người dân giữ vàng

Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh từ đầu tháng 8.2012 đến nay. Trong tuần qua, giá vàng đã tăng gần 3% từ 1.690 USD/oz lên 1.740 USD/oz vào cuối tuần. Giá vàng thế giới tăng mạnh do các nhà đầu tư kỳ vọng vào ECB và Mỹ sẽ sớm bơm thêm tiền. Trong cuộc họp ngày 6.9.2012, chủ tịch ECB tuyên bố ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới nhằm hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên eurozone. Không chỉ có vậy, tình hình kinh tế Mỹ cũng đang tiếp tục có dấu hiệu trì trệ hơn khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm thực hiện gói QE3 để kích thích kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn. Số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 8.2012 chỉ có 96.000 việc làm, thấp hơn dự báo và thấp hơn so với số lượng 141.000 việc làm tháng 7.2012.

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Tăng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối để phòng ngừa rủi ro thanh khoản

| Nguyên Minh Cường |

(Một version của bài viết trên SGTT 27.08.2012)


Vàng và ngoại tệ tiếp tục được coi là tài sản an toàn của người Việt

Sự kiện bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải để điều tra về những những sai phạm về các hoạt động kinh tế trong tuần trước đã khiến các nhà đầu tư trong nước đồng loạt tháo chạy khỏi tài sản có mức độ rủi ro cao như chứng khoán. 

Chỉ số VN – index đã giảm 7,8% và chỉ số HNX index giảm 10,4% chỉ trong vòng 3 phiên bị bán tháo liên tiếp. Các cổ phiếu nhóm ngân hàng, đặc biệt là ACB, nằm trong diện bị bán mạnh. Nhiều công ty chứng khoán đã cắt giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu ngân hàng. 

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Nợ công lớn dần: sức ép đối với chính sách tài khoá

| Nguyên Minh Cường |

13.08.2012-SGTT.VN - Theo đánh giá của chuyên gia trong nước và quốc tế, mức nợ công hiện nay của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, dưới ngưỡng trần nợ công 65% GDP mà Quốc hội vừa phê duyệt đến năm 2015. Tuy nhiên, do đặc thù của Việt Nam, với sự tồn tại của khối các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), việc mức nợ công đang tiến sát ngưỡng trần trên là một đe doạ đáng kể đến sự ổn định của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn đối với các chính sách tài khoá mà Chính phủ dự định thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đến lượt khối ngân hàng thấm đòn?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 30.07.2012  - Trước đây, trong khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bi đát, do lãi suất đi vay cao thì các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn lãi cao. Nhưng quý 2/2012, lợi nhuận của một loạt ngân hàng bắt đầu giảm mạnh do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Vietinbank, Vietcombank và Sacombank đều có những mức trích dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, tương ứng là 1.453 tỉ đồng, 1.088 tỉ đồng, và 330 tỉ đồng. Các NHTM sẽ còn phải đối mặt với nợ xấu tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thu hẹp. Đặc biệt, khoản lợi nhuận có được từ mua tín phiếu ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không còn được duy trì như trong nửa đầu năm 2012.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Bơm vốn đầu tư công mạnh trở lại: dấu hỏi về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế?

| Đinh Tuấn Minh |
(Bài đăng trên TBKTSG ngày 25.07.2012)


Khi đầu tư tư nhân chưa thể đảm nhận được nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thì không nghi ngờ gì, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Đầu tư công hiệu quả là đầu tư công hướng được vào các công trình thiết thực để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đảm bảo chất lượng tốt và với chi phí thấp nhất có thể. Nếu đạt được các tiêu chí này thì việc mở rộng đầu tư công sẽ không gây ra những tác động tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. 

Vấn đề của đầu tư công của Việt Nam trong những năm vừa qua là đầu tư dàn trải và thiếu các biện pháp kiểm soát chi phí. Những câu chuyện như tỉnh nào cũng có cảng biển, cũng có vài khu công nghiệp, v.v. với công suất sử dụng thấp đã được nói đến rất nhiều. Những câu chuyện như chi phí đầu tư xây dựng đường xá ở Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới, hoặc đường cao tốc và các công trình công cộng vừa xây xong một thời gian đã hỏng cùng không phải hiếm. 

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm: chưa nên kích cầu


| Nguyên Minh Cường |

SGTT 23.07.2012  - Theo các thông báo mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng tại các tỉnh thành phố trong cả nước trong tháng 7.2012 đều ghi nhận mức tăng âm. Tại Hà Nội,  TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An chỉ số CPI tháng 7.2012 lần lượt giảm 0,29%, 0,57%, 0,21%, 0,25% và 0,06% so với tháng 6.2012. Như vậy, nhiều khả năng CPI cả nước sẽ ghi nhận mức tiêu dùng sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp. Diễn biến này tạo ra nhiều lo ngại về xu hướng giảm phát đối với nền kinh tế. Tuy nhiên nếu nhìn vào cơ cấu của giỏ hàng hóa tính CPI thì chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm trong tháng 6 và tháng 7.2012 có nguyên nhân phần lớn từ sự sụt giảm giá cả hàng hoá trên thế giới. 

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Nợ xấu: không dễ giải quyết

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 17.07.2012 - Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền chánh thanh tra, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng Việt Nam đến 31.3.2012 là hơn 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đến 30.6.2012 chỉ khoảng 0,76% so với cuối năm trước. Tín dụng tăng trưởng chậm là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm chỉ đạt 4,38%. Trong bối cảnh dư địa cho chính sách tiền tệ và tài khoá hạn hẹp, thì nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm của Chính phủ thực sự là một nan đề.

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Phải có công ty mua bán nợ xấu làm “chim mồi”

| Ngô Hải phỏng vấn Đinh Tuấn Minh |

VNeconomy 05.07.2012: “Theo tôi, vai trò của công ty mua bán nợ xấu theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước chỉ là ‘con chim mồi’ để kích thích hoạt động mua bán nợ xấu diễn ra trong nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Tuấn Minh đã chia sẻ như vậy khi nói về việc xử lý nợ xấu ngân hàng.

Ông nói:

- Nếu như nền kinh tế điều hành không được tốt, hoạt động của các thị trường bất động sản vẫn chưa được minh bạch, mối quan hệ giữa bất động sản với các ngân hàng vẫn chằng chịt như hiện nay, vấn đề của doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn đọng trạng thái kinh doanh kém hiệu quả, vay vốn không trả nợ được do không có được khả năng cạnh tranh tốt... thì một thời gian sau, nợ xấu sẽ tiếp tục quay trở lại.

Tại sao, các ngân hàng không tự xử lý nợ xấu của chính mình khi họ cũng có công ty mua bán nợ xấu (?). Vấn đề đặt ra ở đây là không phải là vấn đề giải quyết nợ xấu của bản thân ngân hàng, mà việc các ngân hàng tự xử lý nợ xấu của chính mình chỉ mang tính chất cục bộ. Chỉ có một số ngân hàng có quy mô nợ xấu nhỏ và thấp mới giải quyết được nợ xấu của chính mình nhưng đối với các ngân hàng có mức nợ xấu cao, thì công ty mua bán nợ xấu của chính ngân hàng cũng sẽ không xử lý được mà phải cần công ty mua bán nợ khác hay ngân hàng khác tham gia mua bán.

Tuy nhiên, sự tham gia của các ngân hàng khác vào mua nợ xấu của những ngân hàng có nợ xấu cao cũng không phải dễ, vì các công ty mua bán nợ xấu này không có cơ chế để giải quyết nợ xấu cho ngân hàng khác. Đó là lý do cho thấy, thị trường mua bán nợ bị đóng hẹp, không được mở rộng giữa các ngân hàng với nhau nên “cục” nợ xấu của các ngân hàng bị tồn đọng và không giải quyết được như hiện nay.

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Có tín hiệu tích cực nhưng chưa thể lạc quan

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 25.06.2012- Lần đầu tiên kể từ tháng 3.2009, chỉ số CPI tháng 6.2012 của cả nước âm, với mức giảm 0,26%. Cùng với đó, nhập siêu vẫn duy trì ở mức thấp nhờ tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2012 chỉ ở khoảng 4,3%, chúng ta chưa thể lạc quan.

Sự sụt giảm nhanh của chỉ số giá tiêu dùng có thể giúp cho đời sống người dân ổn định hơn. Đóng góp lớn vào đà giảm của chỉ số CPI trong tháng 6.2012 là sự sụt giảm của ba nhóm chỉ số giá: giao thông (-1,64%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-1,21%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,23%). Giá xăng trong nước giảm 700 – 800 đồng mỗi lần nhờ giá xăng dầu thế giới giảm mạnh cùng với việc các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng giảm giá bán do tồn kho cao đã giúp chỉ số giá hai nhóm hàng hoá giao thông và nhà ở vật liệu xây dựng giảm. Nhờ vậy, chỉ số CPI tính theo năm chỉ còn ở mức 6,9%/năm.

Lãi suất giảm nhanh nhưng tín dụng vẫn tắc

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 02.07.2012 - Trong sáu tháng đầu năm, ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm dần các mức lãi suất điều hành và bơm thêm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế. Nhờ vậy, lãi suất huy động đã giảm dần về mức 9%/năm đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất cho vay cũng đã giảm về mức phổ biến 13 – 15%. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định trong biên độ. Tuy nhiên, dù chính sách tiền tệ đã nới lỏng “gấp rút”, lãi suất huy động giảm về 9% ngay trong tháng 6.2012, thay vì đợi đến cuối năm thì dòng tiền trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang bị tắc và chưa thể khơi thông.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Lãi suất tăng nhưng chưa đến mức phải chạy đua

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 18.06.2012  - Trong tuần qua, sau khi quyết định áp trần lãi suất huy động 9% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng và cho phép thả nổi lãi suất với các kỳ hạn dài hơn có hiệu lực, thì nhiều ngân hàng đã nâng mạnh các mức lãi suất huy động dài hạn lên 10 – 11%, thậm chí có ngân hàng đưa ra mức lãi suất từ 12 – 14%. Cùng với đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng trở lại và gần bằng với mức lãi suất huy động. Liệu đây có phải là cuộc đua lãi suất mới?


Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Mua bán nợ xấu, kinh nghiệm từ mô hình KAMCO của Hàn Quốc

| Đinh Tuấn Minh |


(SGTT.VN 15.6.2012) - Ý tưởng lập công ty mua bán nợ xấu với quy mô 100.000 tỉ đồng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được bàn luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng.Việc hình thành công ty mua bán nợ xấu cấp quốc gia đã được tiến hành tại nhiều quốc gia trong giai đoạn khủng khoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v.

Để có một hình dung nhất định về việc một công ty mua bán nợ xấu tầm quốc gia vận hành trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế hoạt động như thế nào, tốt nhất là tham khảo một trường hợp thành công điển hình. KAMCO của Hàn Quốc là một trường hợp như vậy.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Tín dụng của doanh nghiệp nhà nước đe doạ nợ công như thế nào?

| Đinh Tuấn Minh |


(Một version bài này được đăng trên TBKTSG, Số 24-2012 ngày 7.6.2012)

Khủng hoảng nợ công ở Châu Âu trong hai năm vừa qua khiến cho giới chuyên gia và giới làm chính sách trong nước quan tâm đến sự bền vững của nợ công của Việt Nam. Những số liệu gần đây do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố cho thấy, tính đến cuối năm 2011, nợ công của Việt Nam đã lên tới 58,7% GDP, so với mức 43,9% của năm 2008. Trong đó, tổng nợ nước ngoài và nợ công nước ngoài lần lượt là 42,2% và 31,1% GDP. Liệu Việt Nam có thể khống chế được mức nợ công dưới 60% GDP, một mức tạm được coi là an toàn như khuyến cáo của các chuyên gia trong bối cảnh tăng trưởng GDP thấp và ngân sách nhà nước sẽ phải chi khá nhiều tiền để giải quyết nợ xấu hệ thống ngân hàng cũng như hỗ trợ tăng trưởng?

Rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận một cách minh bạch là “nợ công” trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Mỗi tháng bơm ra 50 ngàn tỷ rất dễ gây lạm phát

 

Trên CafeF

Một loạt chính sách tiền tệ mới được ban hành. Thị trường đang kỳ vọng những biến chuyển từ những quyết sách mới. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Thế Anh về những ảnh hưởng của chính sách tiền tệ tới thị trường trong thời gian tới.

NHNN đã có quyết định hạ lãi suất 2 điểm phần trăm nhưng cho phép thỏa thuận lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Là chuyên gia ông đánh giá thế nào về mức giảm cũng như quyết định cho thỏa thuận lãi suất của NHNN?

Trong ngắn hạn, lãi suất được quyết định bởi 2 yếu tố là lạm phát và thanh khoản. Yếu tố lạm phát lại gồm 2 thành phần là lạm phát hiện tại và lạm phát kỳ vọng. Hiện tại, lạm phát so với cùng kì năm trước (YoY) đến cuối tháng 5 chỉ còn 8,34%; còn lạm phát kỳ vọng trong những tháng tới thậm chí còn thấp hơn chỉ khoảng 6-7%.

Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện mạnh nhờ việc NHNN đã bơm ra thị trường xấp xỉ 180 ngàn tỷ thông qua mua ngoại tệ và mới chỉ hút về một phần thông qua tín phiếu và thị trường mở. Như vậy cả lạm phát và thanh khoản đều ủng hộ cho quyết định hạ trần lãi suất.

Với lạm phát thực tế lẫn lạm phát kì vọng đang giảm mạnh hiện nay việc lựa chọn một mức trần lãi suất nào đó để áp với các khoản tiền gửi hạn dài là rủi ro cho cả ngân hàng lẫn người gửi tiền. Ngân hàng sẽ chịu thiệt nếu như lạm phát cuối năm tiếp tục giảm, ngược lại người gửi tiền sẽ chịu rủi ro nếu như lạm phát cuối năm tăng mạnh trở lại. Các ngân hàng và người dân lúc đó sẽ chỉ thực hiện các khoản tiền gửi/huy động kì hạn ngắn.

Do vậy, nếu còn trần lãi suất dài hạn thì nó sẽ không giúp làm tăng các khoản tiền gửi/huy động dài hạn – một yếu tố quan trọng giúp tạo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Bằng cách gỡ bỏ trần lãi suất dài hạn, NHNN đang giảm bớt rủi ro chính sách cho chính mình. Ngoài ra, đây cũng là một bước đi cần thiết để gỡ bỏ dần biện pháp hành chính vào thị trường.  

Phó Thống đốc cũng cho biết lãi suất sẽ ổn định ở 9%/năm từ bây giờ đến hết năm. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Theo tôi thông điệp của NHNN nhằm kích thích tâm lý vay vốn của các doanh nghiệp. Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận thì còn có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa sẵn sàng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại do họ thấy lãi suất đang có xu hướng hạ nên còn có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm tiếp. Nay NHNN phát đi tín hiệu lãi suất sẽ không giảm tiếp từ giờ đến cuối năm, các doanh nghiệp có ý định vay vốn sẽ sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn vay này hơn để sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên việc cam kết này cũng có rủi ro là nếu lạm phát tiếp tục giảm xuống thấp mà NHNN lại vẫn tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức hiện tại sẽ không hợp lý, nhưng nếu giảm lãi suất theo lạm phát thì lại trái với cam kết đã đưa ra. Điều đó có thể làm giảm độ tin cậy và hiệu quả của những công bố chính sách trong tương lai.  

Dù sao thì lãi suất huy động cũng đã giảm, theo ông điều này sẽ có tác động thế nào tới tỷ giá trong thời gian tới?

Có nhiều lý thuyết xác định tỉ giá hối đoái trong nền kinh tế. Một trong những lý thuyết đó là điều kiện ngang bằng lãi suất. Theo lý thuyết này thì lãi suất nội tệ sẽ xấp xỉ bằng với lãi suất ngoại tệ cộng với kì vọng mất giá của đồng nội tệ. Do vậy, khi lãi suất VNĐ hạ sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với ngoại tệ. Tuy nhiên phải thấy mức chênh lệch lãi suất vẫn khoảng 6-7% cùng với tuyên bố tỷ giá không tăng quá 3% đến cuối năm của NHNN thì giữ VND vẫn hấp dẫn hơn. Cùng với đó là kinh tế đang suy giảm, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất lẫn hàng hóa xa xỉ giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể thì tỷ giá khó có biến động nhiều trong ngắn hạn.

Tôi cho rằng với dự trữ ngoại hối hiện tại, cộng với những ưu tiên chính sách kiểm soát lạm phát, thì trong khoảng 1 năm tới tỷ giá khó có thể biến động mạnh, còn sự ổn định trong dài hạn phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô. Nếu thâm hụt ngân sách, lạm phát tiếp tục tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định thì chắc chắn tỷ giá sẽ còn tăng.

Có thực tế là tính đến hết tháng 5 thì tổng phương tiện thanh toán tăng 4,47% nhưng tín dụng chưa có tăng trưởng. Điều này có phải là bất thường? 

Cung tiền tăng gần 5% trong khi tín dụng không tăng trưởng cho thấy tiền được bơm ra nhưng không đến được với doanh nghiệp. Điều này khá nguy hiểm. Vậy tiền đi đâu? Cung tiền tăng chủ yếu là NHNN mua vào ngoại tệ. Một phần tiền bơm ra NHNN đã hút về qua phát hành tín phiếu và đấu thầu thị trường mở.

Còn một lượng lớn tiền được các NHTM sử dụng để mua TPCP hoặc TP được CP bảo lãnh. Ước tính từ đầu năm lượng TPCP và TP được CP bảo lãnh phát hành đã đạt 80 ngàn tỷ và sẽ tiếp tục được phát hành tiếp trong nửa cuối năm.

Lượng tiền đó nếu ở lại trong NHTM sẽ tạo ra áp lực phải cho vay ra, buộc các ngân hàng hạ lãi suất để cạnh tranh. Đây là hiện trạng chi tiêu công lấn át đầu tư tư nhân xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển có thâm hụt ngân sách dai dẳng. Hiện tượng này làm chậm lại quá trình giảm lãi suất cho vay của nền kinh tế. 

Muốn đưa tiền cho doanh nghiệp thì phải tăng trưởng tín dụng. Nếu để tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 12% thì những tháng còn lại trung bình hệ thống ngân hàng phải bơm ra nền kinh tế khoảng 50 ngàn tỷ đồng. Ông có bình luận gì về con số này?

50 ngàn tỷ/ tháng là quá nhiều và các doanh nghiệp sẽ không thể hấp thụ được. Chính sách điều hành có độ trễ nên nếu bơm vốn ồ ạt thì một thời gian sau lạm phát sẽ trở lại. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ gói kích cầu trước đây và tôi nghĩ rằng NHNN sẽ không thực hiện bơm tiền như vậy.

NHNN chỉ nên kiểm soát tăng trưởng cung tiền hằng năm còn tăng trưởng tín dụng thì nên để NHTM tự quyết. Thông thường thì tăng trưởng cung tiền hằng năm nên xấp xỉ bằng với tăng trưởng GDP (%) + lạm phát (%). Nếu tăng trưởng dự kiến là 5%, lạm phát kỳ vọng là 7% thì tăng trưởng cung tiền M2 không nên vượt quá xa 12%.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại cũng giống như chỉ tiêu về doanh thu của các doanh nghiệp. Mỗi ngân hàng tùy theo điều kiện cụ thể, có đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn hay không, cung cầu tín dụng trên thị trường thế nào, sẽ tự quyết định mức tăng trưởng cho phù hợp.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Việt Nam có rơi vào bẫy thanh khoản?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (11.06.2012) - Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6.2012, thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã đưa một lượng tiền “khủng khiếp” ra thị trường bao gồm 180.000 tỉ đồng để mua vào 9 tỉ USD, 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp – nông thôn trong tháng 2 và khoảng 30.000 tỉ đồng để cứu các ngân hàng mất khả năng thanh khoản vào cuối năm 2011. Tuy vậy, khối lượng tiền này vẫn chỉ quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng mà không thể đưa ra được nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm của toàn hệ thống vẫn âm.

Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng bẫy thanh khoản (liquidity trap) tương tự các nước phương Tây hiện nay và đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công cũng như hạ lãi suất chính sách mạnh hơn nữa để cứu nền kinh tế. Liệu có phải vậy?

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Vượt lên sợ hãi

| Aung San Suu Kyi |
(An Văn dịch, đăng lần đầu trên x-cafevn.org năm 2005)

Tham, giận, ngu, sợ



Quyền lực không làm con người hư hỏng như thường được nghĩ, con người chỉ thực sự hư hỏng vì sợ hãi.

Kẻ bề trên đang nắm quyền trong tay có thể hư hỏng vì sợ mất quyền lực.


Kẻ bé mọn bên dưới có thể hư hỏng vì sợ đòn thù của kẻ có quyền thế bên trên.


Phần lớn người dân Miến Điện đều biết đến bốn lầm lạc sau đây:


Tham, Chanda-gati, sự hư hỏng do lòng tham gây ra, khiến con người bỏ đường nẻo chính và chạy theo lợi lộc vật chất hoặc bị cuốn vào mê lộ chỉ vì yêu mê ai quá mức.


Sân, Dosa-gati, sự hư hỏng do nóng giận, đi vào con đường sai lầm để làm hại người mình có ác cảm.


Si, Moga-gati, tức ngu si, lạc đường vì ngu dốt.


Nhưng có lẽ tệ hại nhất trong bốn sai lầm chính là Úy, Bhaya-gati, tức sợ hãi, vì sợ hãi không chỉ bóp nghẹt và lần hồi hủy diệt ý thức về đúng và sai, mà sợ hãi còn là gốc gác của ba sai lầm kia nữa.


Tính hám lợi không là gốc duy nhất của lòng tham, mà nỗi lo sợ rằng mình có thể bị thiếu thốn, sợ rằng người mình say mê không tin yêu mình nữa, cũng là gốc của tham lam..


Cũng vậy, nỗi sợ thất bại, sợ bị làm nhục, sợ bị tổn thương, một cách nào đó, cũng là gốc của nóng giận và ác ý.


Bên cạnh đó, sợ hãi cũng là gốc của ngu si khi con người chỉ vì sợ hãi mà đánh mất quyền tự do theo đuổi sự thật.


Vì sợ hãi có thể bào mòn con người như thế nên chẳng lạ gì ở một xã hội mà sợ hãi tràn lan từ trong ra ngoài thì sự suy đồi, nhũng nhiễu, hư hoại nhân cách cũng sẽ đầy dẫy từ trên xuống dưới.


Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Thành lập công ty mua bán nợ xấu: điều ắt đến đã đến

| Nguyên Minh Cường |


(SGTT-04.06.2012) Tăng trưởng chậm đi kèm với lạm phát cao đã khiến chính phủ đưa ra các giải pháp tổng thể để hỗ trợ nền kinh tế. Một loạt các giải pháp mới liên quan đến cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được công bố. Tuy vậy, các giải pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn. Cuối cùng thì Ngân hàng nhà nước đã đề xuất giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu của các NHTM với giá trị khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây là điều đã được giới chuyên gia tiên liệu là khó có thể tránh khỏi để khơi thông dòng tín dụng ở Việt Nam.

Nới lỏng tài khóa và tiền tệ: chỉ có tác dụng hỗ trợ tổng cầu ngắn hạn

Đối với các nhóm giải pháp về tài khoá, giãn thuế giúp doanh nghiệp có nguồn vốn ngắn hạn cho sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, đầu tư công sẽ giúp bù đắp một phần sự sụt giảm của tổng cầu. Trong 7 tháng còn lại của năm, Chính phủ sẽ tăng cường giải ngân tiếp 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính thêm 38.000 tỷ đồng Trái phiếu chính phủ và tạm ứng vốn trong năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm, thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Giải ngân đầu tư công bình quân mỗi tháng cuối năm có thể khoảng 25.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức khoảng 14.500 tỷ đồng/tháng đầu năm. Tuy nhiên, đầu tư công dự kiến năm 2012 chỉ tăng khoảng 12,66% so với năm 2011 trong khi đầu tư công năm 2011 lại tăng 25,71% so với năm trước. Thêm vào đó, tạm ứng vốn trước thì sang năm 2013, nguồn vốn đầu tư công cũng sẽ sụt giảm một lượng tương ứng. Do vậy, mức độ tác động của các giải pháp tài khoá đối với nền kinh tế chỉ ở mức độ vừa phải.

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, cơ hội nào cho Việt Nam?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (28.05.2012) - Sau bốn năm kể từ đại suy giảm năm 2008, kinh tế thế giới lại lún dần, tuy từ từ nhưng chắc chắn, vào một đợt suy giảm nữa bất chấp những nỗ lực không ngừng từ chính phủ các nước và các ngân hàng trung ương.

Năm 2009, Việt Nam đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu bằng một chính sách hỗ trợ lãi suất có một không hai trên thế giới, và cái giá phải trả là lạm phát và bất ổn kinh tế quay trở lại từ cuối năm 2010. Liệu lần này Việt Nam có thể thoát khỏi xu hướng chung mà không phải trả giá đắt như lần trước?

Kinh tế toàn cầu trước rủi ro lùi về suy thoái

Cuộc khủng hoảng nợ công ngày một sâu sắc là nguyên nhân chính đưa toàn bộ khu vực châu Âu rơi vào khó khăn. Châu Âu đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc lựa chọn chính sách tài khoá cũng như tiền tệ.

Nếu tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ tài trợ cho các mục tiêu ngân sách phi hiệu quả, lạm phát sẽ càng tăng cao. Kinh tế có thể đi vào thời kỳ lạm phát đình đốn. Chỉ số lạm phát của châu Âu hiện tại đã ở mức 2,6% tính đến tháng 4.2012 (trong khi mục tiêu của ECB chỉ là 2%), tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 10,9%.

Nếu lựa chọn “thắt lưng buộc bụng” và thu hẹp cung tiền thì kinh tế có thể sẽ chính thức lùi về suy thoái. Kinh tế châu Âu tăng trưởng âm 0,3% trong quý 4/2011 và 0% trong quý 1/2012. Tăng trưởng âm sẽ khiến nghĩa vụ trả nợ tại những nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý càng thêm nặng nề do lợi tức trái phiếu tăng cao.

Tình hình tại châu Á và Mỹ cũng không khả quan hơn nhiều so với khu vực châu Âu. Trung Quốc đang đối mặt với kinh tế “hạ cánh cứng” do tăng trưởng đã lùi xa về mức dưới hai con số, chỉ còn 8,1% trong quý 1/2012 (YoY). Trung Quốc sẽ khó trở thành điểm tựa của kinh tế toàn cầu như năm 2008, bởi khi đó Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức hai con số 11,2%.

Đối với kinh tế Mỹ, cường quốc số một thế giới, mặc dù vẫn giữ được tăng trưởng GDP ở mức 2,2% trong quý 1/2012, song tỷ lệ thất nghiệp vẫn chậm cải thiện, tiếp tục duy trì ở mức 8,1% tính đến tháng 4.2012. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với mức 5 – 6% thời kỳ trước năm 2008. Hơn nữa, Mỹ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ mở rộng với mức lãi suất thấp kỷ lục 0 – 0,25%, và chương trình mua trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn để hỗ trợ kinh tế khiến nợ công của Mỹ dự tính tăng tới 16,4 ngàn tỉ USD trong năm 2012, vượt 100% GDP của Mỹ. Nói một cách khác, nếu suy thoái kinh tế xảy ra, Mỹ sẽ không còn dư địa cho cả chính sách tài khoá và tiền tệ để cứu trợ nền kinh tế như năm 2009.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Giới thiệu sách: Các mô hình dân chủ của David Held

| Đinh Tuấn Minh |
(Đã có bản dịch nhưng chưa được xuất bản. Hy vọng cuốn sách sẽ đến tay độc giả sớm)


Năm 2003-2004 khi nghiên cứu về kinh tế thể chế, tôi có nhu cầu tìm hiểu các mô hình tổ chức nhà nước trên thế giới. Trong thư viện của trường đại học Maastricht nơi tôi học có rất nhiều các cuốn sách nhập môn về chủ đề này. Cuốn sách của David Held, Các mô hình dân chủ (Models of Democracy), thực sự đã thu hút được sự chú ý của tôi. Đây là cuốn sách không quá dày nhưng đã bao quát tương đối đầy đủ các kiến thức về lịch sử về các mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu dân chủ, chứa đựng các tư tưởng chính trị của những triết gia nổi tiếng từ cổ chí kim, và cập nhật được xu hướng phát triển của các mô hình quản trị nhà nước hiện nay trên thế giới. Và điều quan trọng nhất là cuốn sách được viết dưới dạng phân tích khoa học. Held đã tổng hợp các thực tiễn và các tư tưởng để xây dựng các mô hình dân chủ điển hình theo các tiêu chí phân loại cụ thể.  Dựa vào đó, ngươi đọc có thể đánh giá các luận điểm của tác giả và hình thành chủ kiến của mình. Vì những lý do này tôi đã giới thiệu cuốn sách cho NXB .... tổ chức dịch, với mong muốn mang tới các độc giả Việt Nam những kiến thức khoa học tổng quát về các mô hình quản trị quốc gia hiện đại.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Lãi lớn của các ngân hàng thương mại có là thực?


| Nguyên Minh Cường |

SGTT (21.5.2012) - Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang âm nhưng nhiều NHTM công bố tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2012 cao so với cùng kỳ. Liệu những con số lợi nhuận này có thực?

Nghi ngờ này được đưa ra khi nhìn vào báo cáo tài chính của các NHTM, đặc biệt là từ hiện tượng Habubank (HBB) vẫn báo cáo lãi tới 29 tỉ đồng trong quý 1/2012, với nợ xấu 10%, khác hẳn với các số liệu trong tài liệu đề án sáp nhập HBB vào SHB được công bố, theo đó nợ xấu lên tới 16% và nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì HBB lỗ tới 4.066 tỉ đồng.



Nguồn: Báo cáo tài chính của các NHTM

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Hai giải pháp “cứu” thị trường xăng dầu

| Đinh Tuấn Minh |

Ngồi xem phóng sự trên VTV1 về làm thế nào để kiểm soát chất lượng xăng dầu trên thị trường xăng dầu, thấy các nhà báo, các nhà quản lý ai cũng kêu khó vì không có đủ người đi lấy mẫu ở các cây xăng để kiểm tra. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn là thị trường xăng dầu của Việt Nam không có cạnh tranh. Cạnh tranh không chỉ làm cho giá sẽ phải bám sát giá thế giới mà cạnh tranh còn khiến cho chất lượng được đảm bảo.


Các nhãn hiệu Petrolimex, Xăng dầu Quân đội, PV Oil v.v. không có nhu cầu phải bảo vệ hình ảnh của mình trước các đối thủ cạnh tranh. Người tiêu dùng thì đổ xăng ở cây xăng của công ty xăng dầu nào cũng giống nhau, không có gì đảm bảo chất lượng. Đây là nguyên nhân khiến cho các công ty xăng dầu không tự xây dựng các qui trình giám sát chất lượng của các đại lý xăng dầu, cũng như các biện pháp trừng phát đại lý vi phạm. Nếu có cạnh tranh thì đây sẽ trở thành điều bắt buộc vì nếu như phát hiện ra một cây xăng thuộc hãng mình kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tẩy chay các cây xăng thuộc hãng đó.


Nếu chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước kiểm tra và trừng phạt thì sao xuể? Chỉ có cạnh tranh mới có thể tạo điều kiện cho người tiêu dùng trừng phạt những hãng xăng dầu không kiểm soát nổi chất lượng của mình.


Nhân đây tôi đăng lại bài viết trước đây trên SGTT về xây dựng thị trường xăng dầu của Việt Nam.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Gói hỗ trợ kinh tế mới vẫn chưa đủ

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN (7.5.2012)- Những thông tin ban đầu về gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng đã được công bố. Mặc dù khá tốt nhưng sự hỗ trợ này mới chỉ áp dụng cho một nhóm các lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp chỉ mang tính ngắn hạn. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp chưa mặn mà với việc mở rộng sản xuất trở lại.

Trần cho vay 15% với các lĩnh vực ưu tiên: không tác dụng nhiều


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 14 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa bằng lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng thêm 3%/năm. Như vậy, với mức lãi suất trần huy động hiện nay NHNN đang áp dụng là 12%/năm thì lãi suất trần cho bốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghiệp hỗ trợ sẽ tối đa là 15%. Điều kiện để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực này là các dự án phải đạt được hiệu quả và có khả năng hoàn trả.

Thông tư 14 không tạo ra quá nhiều sự khác biệt bởi phần lớn nội dung đều được các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang thực hiện. Do tình trạng dư thừa vốn trên thị trường liên ngân hàng, nên không chỉ với các lĩnh vực ưu tiên mà cả các lĩnh vực khác, các NHTM luôn tìm kiếm những khách hàng tốt, rủi ro thấp để cho vay với mức lãi suất ưu đãi. Trong thời gian qua, hàng loạt NHTM đã công bố các gói hỗ trợ khác nhau khá gần với mức trần cho vay 15%.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

The Paul vs. Paul debate

| Đinh Tuấn Minh |

Đây là cuộc tranh luận lần đầu tiên giữa Ron Paul và Paul Krugman về các vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, vai trò của Fed. Ron Paul, ứng viên tổng thống Mỹ duy nhất còn lại đối chọi với Mitt Romney để giành chiếc vé của Đảng Cộng hoà đấu với Obama vào mùa thu này, là người theo tư tưởng khai phóng cá nhân (liberarianism), chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các nhà kinh tế Áo tiền bối như von Mises và F.A. Hayek, cổ vũ cho một nhà nước thu nhỏ, đứng ngoài các hoạt động kinh tế, kể cả tiền tệ.  Trong khi đó, Paul Krugman là một kinh tế gia được giải thưởng nobel về kinh tế học trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, nhưng theo tư tưởng của chủ nghĩa phóng khoáng (liberal), dựa theo chủ thuyết Keynesian để cổ vũ sự can thiệp tích cực của nhà nước để "ổn định" các hoạt động kinh tế, đặc biệt là vai trò chính sách tài khoá nới lỏng trong giai đoạn suy thoái.

Bạn mong chờ gì vào cuộc tranh luận ngắn ngủi chỉ  hơn 10 phút này của hai ông Paul với hai nền tảng triết lý đối chọi nhau?  Chắc chắn sẽ chẳng đi đến một sự đồng thuận nào. Cũng sẽ không có những suy luận đầy đủ từ những tiền đề cho đến những nhận định đưa ra. Đa phần các nhận định đơn giản chỉ là nhận định thay vì là lập luận. Vì mỗi người đưa ra nhận định cuả mình dựa trên khung phân tích hoàn toàn khác nhau (mà không được trình bày rõ ràng) nên điều duy nhất bạn có thể tìm thấy điều hữu ích của cuộc tranh luận là những ý tưởng thú vị hoặc những dữ kiện (facts) mà hai khách mời này đưa ra để hỗ trợ cho lý lẽ của mình. Đó là những ý tưởng và dữ kiện gì?



(đọc toàn bộ transcript cuộc tranh luận tại đây)

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Ba nguyên lý quản trị quốc gia thịnh vượng

| Đinh Tuấn Minh |
(Bài viết kỷ niệm 30.4. Đăng trên SGTT)


Đã 37 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Quãng thời gian này chỉ vào khoảng 1% của lịch sử dân tộc Việt Nam nhưng lại là khoảng thời gian hòa bình có nhiều biến chuyển nhất. Trong vòng 10 năm đầu, cả đất nước đã thử nghiệm mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, loay hoay tìm cách hoàn thiện nó, nhưng cuối cùng đã phải thừa nhận đó là một mô hình sai lầm vào năm 1986.

Hơn 20 năm qua, chúng ta dường như đã chấp nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn loay hoay đi tìm những nguyên lý quản trị quốc gia để tương thích với cơ chế này. Lịch sử là quá khứ. Nhưng lịch sử chính là nơi để mỗi cá nhân, mỗi dân tộc soi xét nhằm rút ra những bài học, những nguyên lý định hướng cho sự phát triển của mình trong tương lai.  Đối với tôi, ba nguyên lý dưới đây là những nguyên lý cơ bản nhất để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia thịn vượng và hiệu quả.

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam từ góc độ lý thuyết

| Đinh Tuấn Minh |
(Một version khác trên TBKTSG, 26.04.2012)


Trong tuần qua, Chính phủ đã trình Đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Đề án nhấn mạnh đến mục đích của tái cấu trúc nền kinh tế là giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Đề án tổng thể này cũng cố gắng gắn kết ba đề án tái cấu trúc riêng lẻ khác là tái cấu trúc hệ thống tín dụng, tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Mặc dù đồng tình về việc phải tập trung cải cách ba lĩnh vực trên nhưng tôi cho rằng Đề án vẫn thiếu một cơ sở lý thuyết vững chắc trong việc kết nối các hợp phần. Vì lẽ đó, Đề án đã nhiều lúc sa đà vào việc định hướng phát triển những ngành nghề cụ thể. Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng cung cấp một cơ sở lý thuyết để gắn kết các cấu phần này và từ đó có thể giúp các nhà hoạch định chính sách định hình được đâu là những khâu mà chúng ta cần phải tập trung vào cải cách để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Trào lưu sống tùy vào giá trị xã hội

| Lê Ngọc Sơn phỏng vấn |

Nhân dịp Nguyễn Đức Thành nêu ý kiến về văn hóa đại gia, tôi đăng lại ý kiến của tôi trong một bài phỏng vấn với báo Người đô thị về chủ đề tương tự vào khoảng tháng 4.2011.

Khi đi ra phố không khó bắt gặp những chiếc xe đắt tiền nhất thế giới, hay những chiếc túi hàng hiệu giá cả chục ngàn “đô”, thậm chí ăn một bát phở giá cũng có thê đắt nhất thế giới: 35 USD... Hóa ra, quan niệm nhị nguyên (tốt - xấu) không phải lúc nào cũng đủ sức giải mã được hiện thực cuộc sống. Trào lưu này được hiểu thế nào dưới góc nhìn kinh tế học hành vi?
Ai khởi tạo các trào lưu?

.Phóng viên: Dưới góc động kinh tế học, anh bình luận thế  nào về hiện tượng một bộ phận dân chúng thích xài sang?

- ThS Đinh Tuấn Minh: Trước tiên, xét đến vấn đề tiêu dùng, bỏ qua vấn đề về thu nhập. Mỗi người có một thu nhập khác nhau, có một nhu cầu và hành vi tiêu dùng khác nhau. Nếu xét trên khía cạnh đó, việc người ta ăn bát phở 35 USD, hay mua một sợi dây chuyền 10.000 USD hoặc bỏ ra mấy triệu đồng để mua một cái bùa, đôi giày leo núi... là chuyện bình thường. Bởi đơn giản là người ta thích. Có nhiều người, nhìn bên ngoài trông rất bình thường, nhưng bên trong lại xài đồ lót hàng hiệu giá vài trăm USD... Tất cả những cái đó, nếu xét về hành vi kinh tế, thì nó thể hiện cái nhu cầu đa dạng của con người. Mỗi con người có một nhu cầu khác nhau, sở thích khác nhau và người ta sẵn sàng hi sinh cho cái này, bỏ cái kia.

Xét về kinh tế, trong xã hội có các nhu cầu mà nhiều khi người ngoài nhìn vào không hiểu tại sao người ta lại có nhu cầu như vậy. Nhiều người vì tò mò mà học theo, chứ không  phải là nhu cầu thường xuyên. Một nhu cầu theo tôi là vớ vẩn nhất trên đời mà nhiều người không nói tới là nhu cầu... cờ bạc. Ở Mỹ, rất nhiều người tiết kiệm tiền hàng năm trời, vất vả nặng nhọc nhưng cuối cùng họ dành tất cả cho một kỳ nghỉ đến Las Vegas đánh bạc. Cả một thời kỳ ky cóp, dồn nén để dành cho một tuần tiêu tiền. Và rồi họ lại tiếp tục lao đầu vào làm lụng. Như việc đánh đề ở ta chẳng hạn, mỗi ngày người ta đều dành ra một số tiền để đánh đề, mặc dù biết rằng về nguyên lý, đánh đề một thời gian dài thì khả năng thua chắc chắn nhiều hơn thắng, nhưng họ vẫn cứ đánh. Tách ra tất cả những khía cạnh đó, hiểu dưới khía cạnh kinh tế thì đó là nhu cầu cá nhân.

Đại gia: Tích tụ văn hóa chậm

| Đoan Trang phỏng vấn Nguyễn Đức Thành |

(phỏng vấn trên Pháp luật TPHCM)

“Nói cho cùng, chuyện một số người giàu bị cuốn vào thú vui mua siêu xe chính là sự bộc lộ một thứ vô thức tập thể, chứ không phải của bản thân người đó: Vô thức của người Việt chúng ta hiện nay là thích siêu xe thật, chứ chúng ta không đánh giá cao việc một tỷ phú mua tranh Van Gogh hay tài trợ cho một dàn nhạc cổ điển” – nhà kinh tế Nguyễn Đức Thành bình luận về hiện tượng “đại gia xài sang”.
Tại Việt Nam, suốt mấy năm qua, hàng xa xỉ vẫn được nhập về với số lượng rất lớn, trị giá hàng tỉ USD, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế: mỹ phẩm, rượu bia, điện thoại di động, xe hơi… Thú xài sang lan cả sang khu vực dịch vụ với những phở bò Kobe, súp vây cá mập, v.v. Giữa những ngày bão giá, ở Hà Nội vẫn có những cơ sở bán đĩa mài sừng tê giác. Với hai đám cưới hoành tráng gần đây, sự hưởng thụ tiếp tục được “nâng lên một tầm cao mới”, gây choáng váng cho số đông dư luận.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Để sự hy sinh không trở thành vô ích

| Đinh Tuấn Minh |

 Chiều nay NHNN bất ngờ hạ các mức lãi suất chính sách cũng như trần lãi suất thêm 1%. Như vậy, trước sức ép từ phía các doanh nghiệp, có thể nói chính sách tiền tệ đã được chính thức nới lỏng. Đây là điều có thể nhìn thấy trước vì sự "hy sinh" có vẻ như đã quá nhiều. Chỉ tiếc là các chương trình tái cấu trúc nền kinh tế vẫn chỉ là các cuộc trao đổi tại các cuộc hội thảo... Và tiếc cho những hy sinh mà những người kinh doanh, những người lao động chân chính phải gánh chịu trong năm qua. Nhưng có cái may là giới chuyên gia kinh tế vẫn sẽ tiếp tục bận rộn cho đến hết 2014 :-). 


Đăng lại bài viết ngắn trên SGTT tháng 7 năm ngoái.


SGTT.VN - Trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam cao vào bậc nhất trên thế giới như hiện nay, thì kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ mà Chính phủ thực hiện theo nghị quyết 11 từ tháng 3 đã mang lại một số những tín hiệu tích cực như tỷ giá và lãi suất có xu hướng ổn định. Lạm phát bắt đầu trong vòng kiểm soát với tốc độ tăng của tháng sau thấp hơn tháng trước.

Tuy nhiên, các hiệu ứng phụ cho nền kinh tế từ chính sách này dần dần được bộc lộ. Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà cả các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn, dẫn đến đình trệ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu thua lỗ và có khả năng phải sa thải nhân công.

Với việc chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thực thi cho đến cuối năm thì tình hình đình trệ sản xuất và tình trạng đóng băng các thị trường bất động sản cũng như chứng khoán là điều khó có thể nhìn thấy trước. Đây là cái giá đắt phải trả cho chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2009 và 2010.

Vấn đề đặt ra với các nhà làm chính sách lúc này là làm thể nào để sự “hy sinh” trên không trở thành vô ích và không gây ra những tác động quá xấu cho các năm tới?

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Đường về nô lệ (bản online)

| F.A. Hayek |
(Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu)

Tác phẩm "Đường về nô lệ" của F.A. Hayek đến với độc giả trong nước từ năm 2008. Đây là một trong những tác phẩm kinh tế chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nếu không biết thì thôi, nếu biết mà không đọc thì phí mất nửa đời người :-). Vì một sô lý do 'tế nhị", tác phẩm này không được tái bản nữa. Độc giả chưa mua được bản in có thể đọc bản tiếng Việt online tại đây. Tôi đăng lại bài giới thiệu tác phẩm.


Việt Nam đã từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được hơn hai thập kỷ. So sánh những kết quả đạt được giữa hai thời kỳ trước và sau đổi mới ta có thể khẳng định quyết định chuyển sang cơ chế thị trường của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đời sống vật chất và tinh thần của từng người dân không ngừng được cải thiện. Những vật dụng được xem là xa xỉ thời kế hoạch hóa như xe máy, ti vi, dầu gội đầu v.v. thì nay đã trở thành những vật dụng tối thiểu trong mỗi gia đình; trước kia người dân Việt Nam chỉ có thể biết được tin tức thế giới qua hệ thống loa truyền thanh, thì ngày nay họ có thể tìm hiểu mọi thứ qua internet, truyền hình cáp, và thậm chí có thể đi hàng nghìn cây số đến tận nơi để quan sát. Tuy thế, những di chứng mà cơ chế này gây ra cho xã hội vẫn còn đó và đang gây nhức nhối cho xã hội. Đây không phải là nhận định được nói ra bởi những người dân thường hay các học giả; trên thực tế nó thường xuyên được những vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước nhắc đến(1). Nhưng cụ thể cơ chế kế hoạch hóa trước kia đã gây ra những căn bệnh xã hội gì cho hiện nay? Làm thế nào để khắc phục được chúng? Đấy quả thực là những câu hỏi hóc búa cho bất kỳ ai có trách nhiệm với xã hội. Cuốn sách Đường về nô lệ của F. A. Hayek, một trong những kinh tế gia và tư tưởng gia xuất sắc nhất của thế kỷ XX, có thể được xem như là cuốn “cẩm nang” hàng đầu để giải quyết những vấn nạn này cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Chống lạm phát khó như chữa cai nghiện

| Đinh Tuấn Minh |

(Đây là bài tôi viết tháng 8 năm ngoái, có một version đăng trên TBKTSG. Đăng lại trong bối cảnh chính phủ có thể sẽ nới lỏng sớm tiền tệ, kích thích kinh tế thông qua việc mua nhà ở công vụ).


CPI tháng 7.2011 tăng 1,17% so với tháng trước. Theo thống kê, đây là mức tăng CPI cao nhất trong tháng 7 của 15 năm gần đây. Với mức tăng này, lạm phát tính theo năm của Việt Nam đã tăng tới 22,16%, cao hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Venezuela. Mức tăng CPI trên 1% của tháng 7 khiến cho hoạch duy trì lạm phát năm 2011 dưới 17% của Chính Phủ rất khó có thể trở thành hiện thực bởi “zoom” còn lại cho 5 tháng cuối năm chỉ còn 2,4%. 

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Khơi thông dòng vốn để đối phó nguy cơ đình đốn

| Nguyên Minh Cường |

Tăng trưởng GDP trong quý I.2012 đã sụt giảm mạnh xuống mức 4%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng GDP của quý I.2009. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 mặc dù đang trong xu hướng giảm nhưng tính theo năm vẫn đang ở mức cao, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước, hơn rất nhiều mức 11,25% của tháng 3.2009. Như vậy, sau 3 năm thực hiện chính sách kích cầu, nền kinh tế gần như đã rơi trở về điểm xuất phát cũ khi khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 diễn ra.

Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng đình đốn

Tăng trưởng kinh tế chậm trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao đang tác động lớn đến hầu hết tất cả đối tượng trong nền kinh tế. Người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao do thu nhập không theo kịp sức tăng của giá cả hàng hóa. Nhà sản xuất còn khốn khổ hơn nhiều khi chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng lại không thể tăng giá bán đầu ra tương ứng do khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân Quý I.2012 tăng 15,95% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 21,25%, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng 18,92% và chỉ số giá cước vận tải tăng 18,71% so với cùng kỳ năm trước.

Hậu quả là, trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 49.000 doanh nghiệp bị phá sản. Trong gần 3 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

| Immanuel Kant |
(Thái Kim Lan dịch và chú thích)
 
Immanuel Kant (sinh ngày 22.04.1724 tại Königsberg- Preussen - mất ngày 12. 02. 1804 tại Königsberg-Preussen) thường được xem là triết gia Ðức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến (moderne Kultur) và của nhiều lãnh vực khoa học nhân văn khác. Học thuyết ""Triết học siêu việt" (Transzendental-philosophie) của ông đã đưa triết học Ðức bước vào một kỷ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J.Hirschberger. Trong tương quan với triết học thế giới của thời khai sáng, triết học của ông đã cống hiến những lý thuyết cơ bản cho tư tưởng khai sáng của thời cận đại. Nhân dịp 200 năm ngày mất của triết gia lỗi lạc này xin giới thiệu tiểu luận "Beantwortung der Frage: Was ist die Aufklärung?" (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?). Bản tiếng Ðức trong "KANT, WERKE IN XII BAENDEN, XI, THEORIE - WERKAUSGABE, SUHRKAMP 1968, tr 53- 61.Trong bài dịch, những chữ in lớn viết hoa là của chính tác giả, những chữ in đậm do người dịch thêm vào hầu giúp người đọc dễ theo dõi nội dung.
Người dịch

(5. 12. 1783 trang 516 [1] ) KHAI SÁNG LÀ SỰ THOÁT LY CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI TÌNH TRẠNG VỊ THÀNH NIÊN DO CHÍNH CON NGƯỜI GÂY RA. VỊ THÀNH NIÊN [2] là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do TỰ MÌNH GÂY RA, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude [3] ! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH! đó là câu phương châm của Khai Sáng.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Lý giải việc lạm phát tháng 3 tăng chậm

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN - Theo công bố của tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2.2012 bất chấp việc giá xăng RON 92 đã được điều chỉnh tăng mạnh thêm 2.100 đồng/lít vào 7.3.2012.

Như vậy CPI tính theo năm tiếp tục xu hướng giảm, từ mức 16,42% vào tháng trước xuống còn 14,13% vào tháng này. Với mức tăng thấp như vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên trong vài năm gần đây nạn “té nước theo mưa” đã không xuất hiện sau những đợt tăng giá các hàng hoá cơ bản như xăng dầu hay điện như trước đây. Thắt chặt cung tiền năm 2011 là nguyên nhân chính khiến cho hiện tượng “xấu” này không xảy ra.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Tái cấu trúc nền kinh tế sẽ gặp khó nếu hạ nhanh lãi suất

| Đinh Tuấn Minh |
(Một phiên bản khác trên TBKTSG)


Việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) hạ các mức lãi suất điều hành 1% trong khi mức lạm phát tính theo năm vẫn ở mức cao, tới 16,44%, có thể xem là hơi sớm. Mặc dù tôi tin rằng việc NHNN hạ lãi suất lần này không ảnh hưởng đến xu thế giảm lạm phát của nền kinh tế cho đến hết quí III năm nay, do tốc độ tăng trưởng cung tiền của nền kinh tế trong năm 2011 ở mức tương đối thấp, nhưng tôi lại e ngại rằng chính sách này sẽ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ gây ra hiện tượng lạm phát duy trì ở mức cao, trên dưới 10%, dai dẳng trong vài năm tới. 

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Làm gì để giúp người nghèo?

| Đinh Tuấn Minh |

(Ghi chú nhân đọc  tiểu luận của Otto Graf Lambsdorff "Tự do: Biện pháp xoá đói giảm nghèo hữu hiệu nhất" do  bác Phạm Nguyên Trường dịch)

Biện pháp xoá đói giảm nghèo mà những người ủng hộ giải pháp thị trường thường thường mang tính trừu tượng, thành thử ra không hấp dẫn được người nghèo ủng hộ. Chẳng hạn những người ủng hộ thị trường thường nói:
- Tự do thương mại là biện pháp xoá đói giảm nghèo tốt nhất
- Giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội nên thị trường hoá, để tư nhân làm.
- Giáo dục nên phi tập trung hoá, là vấn đề của địa phương chứ không phải trung ương.
- ....

Những lý lẽ trên tuy đúng nhưng có vẻ quá xa vời.

Trong bài tiểu luận của Otto có nhắc đến hai giải pháp tôi cho là có vẻ tương đối gần gũi với người nghèo:  nâng mức sở hữu cho người nghèo và nâng mức độ bảo vệ quyền tư hữu cho người nghèo.

Giải pháp 1: tín dụng vi mô (microfinance) để giúp người nghèo tiết kiệm, qua đó cải thiện mức độ sở hữu của người nghèo. Khi người nghèo nâng cao được tiết kiệm và biết cách sử dụng tiền một cách hợp lý họ sẽ có thể tự thoát nghèo.

Giải pháp 2: nâng mức bảo vệ quyền tư hữu cho người nghèo. Trong tất cả các quốc gia, đặc biệt những nước đang phát triển ở mức thấp như Việt Nam, thì người nghèo mới là đối tượng bị xâm phạm quyền sở hữu nhiều nhất. Người giàu thường gắn với chính quyền để chèn ép, cưỡng đoạt tài sản của người nghèo. Do vậy, tư vấn, giáo dục cho người nghèo ý thức về quyền tư hữu cũng như thực thi các biện pháp công nhận quyền sở hữu các loại tài sản của người nghèo sẽ giúp họ thoát nghèo. Cụ thể ở Việt Nam, vấn đề sở hữu ruộng đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà v.v. cho người dân là biện pháp xoá đói giảm nghèo cho dân được tốt nhất.


Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Tín phiếu trong bài toán kiềm chế lạm phát và hạ lãi suất

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN - Trong phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tối ngày 6.3.2012, thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ sớm hạ các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động xuống mức 13%/năm từ mức 14%/năm hiện nay. Cùng ngày, thống đốc cũng cho biết ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ phát hành tín phiếu với các kỳ hạn dưới một năm để vừa bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng vừa tránh nguy cơ dư thừa cung tiền. Hai sự kiện này có liên quan gì đến nhau?

Trong bối cảnh giá cả của nhiều hàng hoá thiết yếu đang tăng mạnh, cụ thể giá gas liên tục tăng từ đầu năm, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng 10%, thì điều thị trường lo lắng là việc hạ các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động có gây ra áp lực lạm phát trong thời gian tới hay không. Giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ làm tăng giá thành đầu vào cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự dịch chuyển toàn bộ hay một phần mức tăng giá thành sản xuất sang mức tăng giá bán, tức tăng chỉ số giá tiêu dùng, lại phụ thuộc mạnh vào mức độ nới lỏng của tổng cầu. Để tiếp tục kiềm chế lạm phát, NHNN cần thực thi những biện pháp tiền tệ thắt chặt để tiếp tục kiểm soát tổng cầu.

Trong khi các công cụ điều hành chính sách tiền tệ hiện tại đang tỏ ra không còn phát huy tác dụng trong việc hạ mặt bằng lãi suất, thì tín phiếu sẽ được coi là một công cụ mạnh để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hạ lãi suất huy động.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Có nên hạ trần lãi suất?

(On SGTT)

Cùng với việc giá gas tăng mạnh trong thời gian gần đây thì việc tăng giá xăng 10% lần này sẽ có tác động rất xấu đối với giá cả trong nền kinh tế. Đặc biệt sự điều chỉnh này được diễn ra trong bối cảnh giá một loạt các mặt hàng thiết yếu khác cũng chuẩn bị có sự điều chỉnh tăng như dịch vụ y tế, điện, than… Trước tiên, sự gia tăng của giá xăng dầu sẽ trực tiếp làm tăng giá cả các nhóm hàng có sử dụng xăng dầu là yếu tố đầu vào trực tiếp như giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, chất đốt… Sau đó, sẽ là tác động gián tiếp nhiều vòng lên các nhóm hàng hoá khác trong nền kinh tế. Việc điều chỉnh này là không thể tránh khỏi do sự chênh lệch không thể bù đắp giữa giá trong nước và giá quốc tế. Chỉ có điều các nhà làm chính sách đã lựa chọn cách điều chỉnh một lần, tạo ra cú sốc tăng hơn 10%, thay vì điều chỉnh dần dần trong một thời gian dài. Do vậy, tác động của sự điều chỉnh lần này sẽ là không nhỏ và ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số trong năm nay của Chính phủ.

Quyết định ép giảm lãi suất ngay trong thời điểm này có thể là một sự mạo hiểm chính sách. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp như hiện nay, đồng thời NHNN có khống chế tăng trưởng tín dụng/cung tiền ở mức hợp lý thì lạm phát do cầu kéo là hầu như không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong khi giá một loạt các mặt hàng thiết yếu đang được điều chỉnh tăng thì quyết định giảm lãi suất có thể làm tăng lạm phát “tâm lý” và do vậy, có thể làm tăng tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu lên các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Ngoài ra, quyết định ép hạ lãi suất có thể là không hiệu quả trên thị trường và không giúp hạ được lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp đang phải trả. Tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ đang trên đà giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tăng mạnh và kỳ vọng lạm phát quay trở lại sẽ khiến cho hiệu quả của việc hạ trần lãi suất kém đi rất nhiều.

Gấp rút cơ cấu lại các khoản nợ xấu và các ngân hàng yếu kém mới là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hệ thống tài chính hiện nay. Đó chính là cơ sở để hạ được lãi suất lâu dài và bền vững. Nếu các điều kiện thị trường đã sẵn sàng cho việc hạ lãi suất, chúng ta nên gỡ bỏ trần lãi suất và để cho thị trường tự làm điều đó chứ không nên dùng các biện pháp ép buộc.

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Hạ lãi suất chính sách vẫn khó hạ lãi suất cho vay


| Đinh Tuấn Minh |

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ giảm một điểm phần trăm tất cả các loại lãi suất trong vài ngày tới. Như vậy, trần lãi suất huy động sẽ hạ từ mức 14% xuống còn 13%. Câu hỏi mà thị trường quan tâm là liệu hành động này của NHNN có khiến cho mặt bằng lãi cho vay của các NHTM có giảm hay không?

Có ba lý do khiến cho việc hạ mặt bằng lãi cho vay gặp khó khăn. Thứ nhất, ảnh hưởng của các lãi suất chính sách và trần lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại không còn mạnh như thời điểm giữa năm ngoái. Năm ngoái các mức lãi suất chính sách duy trì ở mức 14-15% góp phần kìm giữ lãi suất huy động vì ở mức này, lãi suất chính sách thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất vay trên thị trường liên ngân hàng ở thời điểm đó. NHNN đã tích cực hỗ trợ hệ thống qua thị trường mở và hoạt động tái cấp vốn.