Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Kinh tế Việt Nam: Cần hơn các chính sách trọng cung

                                                               Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh

(Saigontimes đăng bài này nhưng quên ghi tên đồng tác giả Đinh Tuấn Minh)

Chính sách trọng cung và kinh nghiệm thực tiễn

Chính sách trọng cung là một tập hợp các biện pháp nhằm khuyến khích hành vi và nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế thông qua việc làm tăng cung các yếu tố đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường và ngành, cải thiện tổng cung tiềm năng của nền kinh tế, và do vậy có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao hơn của thu nhập quốc dân trong tương lai. Thực tiễn cho thấy, để thoát khỏi tình trạng đình đốn sản xuất và lạm phát cao trước đó, bắt đầu từ thập niên 1980s, các quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Xing-ga-po, v.v. đã chuyển mạnh sang chính sách trọng cung, tức tạo ra các khuyến khích để phát triển các yếu tố sản xuất. Một loạt các chính sách như giảm các loại thuế phí, dỡ bỏ các rào cản thương mại, dỡ bỏ các chính sách điều tiết ngành, và tư nhân hoá các DNNN lần lượt được thực hiện. Các chính sách trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội cũng được thu hẹp, đồng thời nhiều điều lệ ngăn cản sa thải nhân công cũng được dỡ bỏ. Điều này đã giúp tạo ra những khuyến khích khiến cho người lao động phải tích cực tìm kiếm việc làm thay vì ỉ lại vào chính phủ. Nhiều chính sách ưu đãi thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đại học và đào tạo nghề cũng được các chính phủ đưa ra để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Những chính sách trọng cung này đã tạo đà phát triển liên tục và ở mức cao cho các nền kinh tế theo đuổi chúng, cả phát triển và đang phát triển, trong suốt giai đoạn từ giữa thập niên 1980s cho đến khi đại suy giảm kinh tế thế giới 2008–2009 vừa qua. Đó là quãng thời gian tăng trưởng liên tục dài nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.

Cuộc đại suy giảm kinh tế thế giới 2008–2009 khiến nhiều quốc gia quay trở lại chính sách kích cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là những chính sách ngắn hạn. Những nền tảng chính sách trọng cung được thiết lập trong các thời kỳ trước như giảm thuế, tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản nhập ngành v.v. hầu như vẫn được các quốc gia duy trì.

Các khuyến nghị chính sách trọng cung cho Việt Nam

Tương tự như Trung Quốc sau khi thực hiện chính sách “mở cửa,” có thể nói một cách khái quát rằng, những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được thông qua công cuộc “đổi mới” kể từ cuối thập niên 1980s là chủ yếu nhờ những chính sách dựa trên nền tảng lý thuyết trọng cung chứ không phải quản lý tổng cầu. Có thể kể đến những chính sách mang tinh thần trọng cung được thực hiện trong giai đoạn 1988–1991 bao gồm: dỡ bỏ các hàng rào nội thương, cho phép thành lập công ty tư nhân, khoán 10 giao ruộng đất từ các hợp tác xã về cho các hộ nông dân, giải thể và sáp nhập các DNNN yếu kém, giải ngũ và cắt giảm biên chế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Tương tự, nhiều cải cách lớn trong giai đoạn 1999–2006 cũng mang tinh thần trọng cung như cho phép các doanh nghiệp được quyền trực tiếp xuất nhập khẩu, ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000 để dỡ bỏ các rào cản thành lập doanh nghiệp, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá DNNN, ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, hình thành sở giao dịch chứng khoán và cải cách lại một loạt các bộ luật về thương mại, đầu tư, đất đai, v.v. để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tiếc rằng từ năm 2007 tới nay, Việt Nam lại bị sa lầy vào chính sách quản lý tổng cầu để loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại sang kích thích tăng trưởng, mà không ý thức được rằng các chính sách này chỉ có tính ngắn hạn và nhất thời. Việc sử dụng chúng liên tục như là một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm vừa qua. Trong khi đó, dư địa cho các chính sách trọng cung để nâng cao sản lượng tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn nhưng lại không được quan tâm khai thác đúng mức. Cụ thể, các chính sách trọng cung chúng tôi khuyến nghị ở đây bao gồm:
Khuyến nghị 1: Giảm các loại thuế phí và cắt giảm chi tiêu công

Nội dung quan trọng nhất trong gói chính sách trọng cung là cắt giảm các mức thuế và đồng thời cắt giảm chi tiêu chính phủ. Mục đích của chính sách giảm tỷ lệ thuế và phí là để tạo ra sự khuyến khích giúp doanh nghiệp tăng chi tiêu đầu tư, giúp hình thành lượng vốn/tư bản và năng lực sản xuất nền kinh tế trong tương lai. Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển khi lượng vốn sản xuất/tư bản trong nền kinh tế còn thấp, để thu hút đầu tư các quốc gia trên thế giới thường áp dụng một mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (dưới 15%). Trong giai đoạn sau, khi nền kinh tế đã phát triển, mức thuế này thường được nâng cao (>30%) kèm theo những cải thiện về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội. Cụ thể, Thái Lan sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và Ai Len những năm gần đây là các quốc gia điển hình áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp và đã thu hút được một lượng vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài cũng như từ khu vực tư nhân trong nước, nhanh chóng hồi phục và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ thuế và phí cần đi song hành với cắt giảm chi tiêu chính phủ. Nếu không cắt giảm chi tiêu chính phủ ngân sách sẽ bị thâm hụt, nợ công sẽ tăng cao, không những làm tăng mặt bằng lãi suất mà còn đe dọa khả năng duy trì mức thuế và phí thấp trong dài hạn.
Khuyến nghị 2: Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hoá các DNNN

Trong gần hai thập kỉ qua nhiều DNNN đã được cổ phần hoá, tuy nhiên quá trình này được đánh giá là còn chậm và chưa triệt để. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hoá vẫn là nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối, được hưởng nhiều ưu đãi và giữ thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực. Để tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, Chính phủ nên xây dựng một lộ trình kiên quyết nhằm thu hẹp khu vực DNNN thông qua bán toàn bộ hoặc cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực công ích. Nhà nước chỉ nên sử dụng các DNNN với vai trò là công cụ khắc phục những thất bại của thị trường, tránh sử dụng chúng như những công cụ để điều tiết nền kinh tế.
Khuyến nghị 3: Giải điều tiết các thị trường, tăng cường cạnh tranh và tự do thương mại

Các chính sách giải điều tiết (deregulation) gỡ bỏ các kiểm soát, thúc đẩy cạnh tranh và tự do thương mại có thể làm tăng cung thị trường, giảm giá cả và mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Giải điều tiết giúp tăng số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ trong cùng một lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tiến hành các chính sách hỗ trợ cạnh tranh như các ban hành các quy định về chống độc quyền áp đặt giá, chống lạm dụng vị thế chi phối thị trường của các tập đoàn lớn, hoặc thúc đẩy quá trình cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ngoài ra, thuế quan cần được tiếp tục cắt giảm hơn nữa nhằm thúc đẩy tự do thương mại. Kể từ khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam đã và đang thực hiện theo lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan ở khoảng 3.800 dòng thuế khác nhau, chiếm khoảng 35,5% số dòng của biểu thuế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm ở mỗi dòng thuế được đánh giá vẫn còn khiêm tốn, phổ biến ở mức từ 1–3%, do những lo ngại về khả năng cạnh tranh kém và chưa sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, vẫn còn tới khoảng 6.870 dòng, chiếm 64,5% số dòng của biểu thuế được ràng buộc ở mức thuế trần hoặc không được cắt giảm so với thời điểm trước khi gia nhập WTO. Số lượng mức thuế suất cũng mới được giảm từ 48 xuống còn 33 mức, vẫn cao hơn nhiều so với từ 3–5 mức như đang áp dụng ở các nước trong khu vực.
Khuyến nghị 4: Khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo để cải thiện năng suất và phát triển vốn con người

Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Việt Nam không thể không dựa trên nền tảng lao động chất lượng cao với khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Đối với hệ thống giáo dục và đào tạo, thay vì mở rộng quy mô như hiện nay, Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hỗ trợ phát triển các trường đại học/chương trình đào tạo trọng điểm chất lượng cao, tách biệt với các trường/chương trình đào tạo vì mục tiêu tài chính hay vì mục tiêu phổ cập. Các trường đại học/chương trình đào tạo trọng điểm này cần cạnh tranh với nhau để nhận sự hỗ trợ tài chính của nhà nước nhằm thu hút được các giảng viên và sinh viên ưu tú, làm nòng cốt cho sự phát triển khoa học kĩ thuật và thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế trong tương lai. Đối với hệ thống khoa học và công nghệ, Việt Nam cần xây dựng lại chuẩn mực khoa học trong hệ thống nghiên cứu; cần sửa lại các biện pháp miễn giảm thuế cho đầu tư phát triển công nghệ theo hướng dễ nhận biết hơn; cần xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ theo hướng cạnh tranh và bình đẳng với tất cả các cơ sở nghiên cứu, của nhà nước cũng như tư nhân; và cần có những chính sách để liên kết hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trọng điểm với khu vực doanh nghiệp.

Khuyến nghị 5: Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài

Một trong những nguyên nhân chính khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng xấu đi là do tham nhũng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng vào một trong các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất (Xếp thứ hạng 123/174 vào năm 2012). Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng ở Việt Nam còn lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, và thậm chí là ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, kết quả điều tra Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh năm 2011 cũng cho thấy, tham nhũng đang là rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi có tới hơn 52% số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng họ phải chi trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số doanh nghiệp phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các khoản chi phí không chính thức. Rõ ràng, các hành vi tham nhũng là nguy hại và cần được giảm thiểu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trước khi Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong dài hạn.
-------------------- 
Bài viết này được trích lược từ cuốn Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn do các tác giả Phạm Thế Anh (chủ biên), Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Thị Minh thực hiện. Xem giới thiệu sách ở đây http://theanh98.blogspot.com/2013/03/gioi-thieu-sach.html

5 nhận xét:

  1. Đây là những lý thuyết tốt nhưng cơ chế nào để người có trách nhiệm thực hiện? Dựa vào lòng tốt của họ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo em thì trước tiên cứ phải có hướng/đề xuất cái đã, dù sao thì ngay cả khi có lòng tốt, chưa có hướng/đề xuất thì cũng chưa làm được gì. Thứ hai nữa là đó đâu phải việc (chính) của các nhà nghiên cứu.

      Xóa
  2. Kính gửi anh Thế Anh và anh Tuấn Minh,

    Em có vấn đề kính nhờ các anh giải đáp giúp, mong các anh dành chút thời gian.

    Hiện các NHTW các nước dựa vào điều gì để công bố lạm phát mục tiêu của nước mình. Còn ở VN hiện nay, liệu có thể sử dụng số liệu lạm phát thực tế hay số liệu được quốc hội duyệt hằng năm và chạy mô hình để có được lạm phát kỳ vọng không.

    Cảm ơn các anh nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Khanh Kerry có thể đọc bài báo dưới đây để hiểu xem ai và dựa vào cái gì để đưa ra inflation target ở một số nước trên thế giới.
    http://voxeu.com/article/how-are-inflation-targets-set

    Khi cơ quan thiết lập inflation target (NHTƯ hoặc quốc hội, hoặc chính phủ) là đáng tin cậy (credible) thì expected inflation sẽ xấp xỉ bằng với targeted inflation. Tuy nhiên, credibility của NHTƯ là cái không tồn tại ở Việt Nam. Do vậy, số target của Quốc hội/NHTƯ là khác so với expected inflation của dân chúng. Trong một số trường hợp, khi NHTƯ công bố các targets thì dân chúng còn hiểu ngược lại vì mức độ tin cậy quá kém.

    Các nhà kinh tế thường khai thác thông tin về expected inflation thông qua chênh lệch lãi suất của trái phiếu/tiền gửi thông thường với lãi suất của trái phiếu/tiền gửi được điều chỉnh theo lạm phát, hay còn gọi là TIPS (Treasury Inflation-Protected Securities). Bạn biết rằng lãi suất thực (r) = lãi suất danh nghĩa (i) - tỷ lệ lạm phát (p). Khi lạm phát tăng lên thì i của TIPS cũng sẽ tự động tăng lên tương ứng nhằm duy trì r không đổi. Do vậy, chênh lệch giữa lãi suất của non-TIPS và TIPS sẽ phần nào phản ánh kì vọng về lạm phát của những người nắm giữ chúng. Tuy nhiên, ở Việt Nam không có các dạng TIPS này.

    Tương tự như vậy, các nhà kinh tế cũng có thể khai thác thông tin về lạm phát kì vọng thông qua chênh lệch lãi suất giữa các khoản tiền gửi có kì hạn khác nhau. Nếu loại trừ các yếu tố rủi ro khác, chêch lệch giữa lãi suất tiền gửi dài hạn và ngắn hạn chính là expectations của người gửi tiền về future inflation trong khoản thời gian gửi tiền.

    Trả lờiXóa