Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

| Immanuel Kant |
(Thái Kim Lan dịch và chú thích)
 
Immanuel Kant (sinh ngày 22.04.1724 tại Königsberg- Preussen - mất ngày 12. 02. 1804 tại Königsberg-Preussen) thường được xem là triết gia Ðức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến (moderne Kultur) và của nhiều lãnh vực khoa học nhân văn khác. Học thuyết ""Triết học siêu việt" (Transzendental-philosophie) của ông đã đưa triết học Ðức bước vào một kỷ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J.Hirschberger. Trong tương quan với triết học thế giới của thời khai sáng, triết học của ông đã cống hiến những lý thuyết cơ bản cho tư tưởng khai sáng của thời cận đại. Nhân dịp 200 năm ngày mất của triết gia lỗi lạc này xin giới thiệu tiểu luận "Beantwortung der Frage: Was ist die Aufklärung?" (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?). Bản tiếng Ðức trong "KANT, WERKE IN XII BAENDEN, XI, THEORIE - WERKAUSGABE, SUHRKAMP 1968, tr 53- 61.Trong bài dịch, những chữ in lớn viết hoa là của chính tác giả, những chữ in đậm do người dịch thêm vào hầu giúp người đọc dễ theo dõi nội dung.
Người dịch

(5. 12. 1783 trang 516 [1] ) KHAI SÁNG LÀ SỰ THOÁT LY CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI TÌNH TRẠNG VỊ THÀNH NIÊN DO CHÍNH CON NGƯỜI GÂY RA. VỊ THÀNH NIÊN [2] là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do TỰ MÌNH GÂY RA, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude [3] ! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH! đó là câu phương châm của Khai Sáng.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Lý giải việc lạm phát tháng 3 tăng chậm

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN - Theo công bố của tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2.2012 bất chấp việc giá xăng RON 92 đã được điều chỉnh tăng mạnh thêm 2.100 đồng/lít vào 7.3.2012.

Như vậy CPI tính theo năm tiếp tục xu hướng giảm, từ mức 16,42% vào tháng trước xuống còn 14,13% vào tháng này. Với mức tăng thấp như vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên trong vài năm gần đây nạn “té nước theo mưa” đã không xuất hiện sau những đợt tăng giá các hàng hoá cơ bản như xăng dầu hay điện như trước đây. Thắt chặt cung tiền năm 2011 là nguyên nhân chính khiến cho hiện tượng “xấu” này không xảy ra.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Tái cấu trúc nền kinh tế sẽ gặp khó nếu hạ nhanh lãi suất

| Đinh Tuấn Minh |
(Một phiên bản khác trên TBKTSG)


Việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) hạ các mức lãi suất điều hành 1% trong khi mức lạm phát tính theo năm vẫn ở mức cao, tới 16,44%, có thể xem là hơi sớm. Mặc dù tôi tin rằng việc NHNN hạ lãi suất lần này không ảnh hưởng đến xu thế giảm lạm phát của nền kinh tế cho đến hết quí III năm nay, do tốc độ tăng trưởng cung tiền của nền kinh tế trong năm 2011 ở mức tương đối thấp, nhưng tôi lại e ngại rằng chính sách này sẽ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ gây ra hiện tượng lạm phát duy trì ở mức cao, trên dưới 10%, dai dẳng trong vài năm tới. 

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Làm gì để giúp người nghèo?

| Đinh Tuấn Minh |

(Ghi chú nhân đọc  tiểu luận của Otto Graf Lambsdorff "Tự do: Biện pháp xoá đói giảm nghèo hữu hiệu nhất" do  bác Phạm Nguyên Trường dịch)

Biện pháp xoá đói giảm nghèo mà những người ủng hộ giải pháp thị trường thường thường mang tính trừu tượng, thành thử ra không hấp dẫn được người nghèo ủng hộ. Chẳng hạn những người ủng hộ thị trường thường nói:
- Tự do thương mại là biện pháp xoá đói giảm nghèo tốt nhất
- Giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội nên thị trường hoá, để tư nhân làm.
- Giáo dục nên phi tập trung hoá, là vấn đề của địa phương chứ không phải trung ương.
- ....

Những lý lẽ trên tuy đúng nhưng có vẻ quá xa vời.

Trong bài tiểu luận của Otto có nhắc đến hai giải pháp tôi cho là có vẻ tương đối gần gũi với người nghèo:  nâng mức sở hữu cho người nghèo và nâng mức độ bảo vệ quyền tư hữu cho người nghèo.

Giải pháp 1: tín dụng vi mô (microfinance) để giúp người nghèo tiết kiệm, qua đó cải thiện mức độ sở hữu của người nghèo. Khi người nghèo nâng cao được tiết kiệm và biết cách sử dụng tiền một cách hợp lý họ sẽ có thể tự thoát nghèo.

Giải pháp 2: nâng mức bảo vệ quyền tư hữu cho người nghèo. Trong tất cả các quốc gia, đặc biệt những nước đang phát triển ở mức thấp như Việt Nam, thì người nghèo mới là đối tượng bị xâm phạm quyền sở hữu nhiều nhất. Người giàu thường gắn với chính quyền để chèn ép, cưỡng đoạt tài sản của người nghèo. Do vậy, tư vấn, giáo dục cho người nghèo ý thức về quyền tư hữu cũng như thực thi các biện pháp công nhận quyền sở hữu các loại tài sản của người nghèo sẽ giúp họ thoát nghèo. Cụ thể ở Việt Nam, vấn đề sở hữu ruộng đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà v.v. cho người dân là biện pháp xoá đói giảm nghèo cho dân được tốt nhất.


Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Tín phiếu trong bài toán kiềm chế lạm phát và hạ lãi suất

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN - Trong phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tối ngày 6.3.2012, thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ sớm hạ các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động xuống mức 13%/năm từ mức 14%/năm hiện nay. Cùng ngày, thống đốc cũng cho biết ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ phát hành tín phiếu với các kỳ hạn dưới một năm để vừa bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng vừa tránh nguy cơ dư thừa cung tiền. Hai sự kiện này có liên quan gì đến nhau?

Trong bối cảnh giá cả của nhiều hàng hoá thiết yếu đang tăng mạnh, cụ thể giá gas liên tục tăng từ đầu năm, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng 10%, thì điều thị trường lo lắng là việc hạ các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động có gây ra áp lực lạm phát trong thời gian tới hay không. Giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ làm tăng giá thành đầu vào cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự dịch chuyển toàn bộ hay một phần mức tăng giá thành sản xuất sang mức tăng giá bán, tức tăng chỉ số giá tiêu dùng, lại phụ thuộc mạnh vào mức độ nới lỏng của tổng cầu. Để tiếp tục kiềm chế lạm phát, NHNN cần thực thi những biện pháp tiền tệ thắt chặt để tiếp tục kiểm soát tổng cầu.

Trong khi các công cụ điều hành chính sách tiền tệ hiện tại đang tỏ ra không còn phát huy tác dụng trong việc hạ mặt bằng lãi suất, thì tín phiếu sẽ được coi là một công cụ mạnh để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hạ lãi suất huy động.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Có nên hạ trần lãi suất?

(On SGTT)

Cùng với việc giá gas tăng mạnh trong thời gian gần đây thì việc tăng giá xăng 10% lần này sẽ có tác động rất xấu đối với giá cả trong nền kinh tế. Đặc biệt sự điều chỉnh này được diễn ra trong bối cảnh giá một loạt các mặt hàng thiết yếu khác cũng chuẩn bị có sự điều chỉnh tăng như dịch vụ y tế, điện, than… Trước tiên, sự gia tăng của giá xăng dầu sẽ trực tiếp làm tăng giá cả các nhóm hàng có sử dụng xăng dầu là yếu tố đầu vào trực tiếp như giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, chất đốt… Sau đó, sẽ là tác động gián tiếp nhiều vòng lên các nhóm hàng hoá khác trong nền kinh tế. Việc điều chỉnh này là không thể tránh khỏi do sự chênh lệch không thể bù đắp giữa giá trong nước và giá quốc tế. Chỉ có điều các nhà làm chính sách đã lựa chọn cách điều chỉnh một lần, tạo ra cú sốc tăng hơn 10%, thay vì điều chỉnh dần dần trong một thời gian dài. Do vậy, tác động của sự điều chỉnh lần này sẽ là không nhỏ và ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số trong năm nay của Chính phủ.

Quyết định ép giảm lãi suất ngay trong thời điểm này có thể là một sự mạo hiểm chính sách. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp như hiện nay, đồng thời NHNN có khống chế tăng trưởng tín dụng/cung tiền ở mức hợp lý thì lạm phát do cầu kéo là hầu như không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong khi giá một loạt các mặt hàng thiết yếu đang được điều chỉnh tăng thì quyết định giảm lãi suất có thể làm tăng lạm phát “tâm lý” và do vậy, có thể làm tăng tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu lên các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Ngoài ra, quyết định ép hạ lãi suất có thể là không hiệu quả trên thị trường và không giúp hạ được lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp đang phải trả. Tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ đang trên đà giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tăng mạnh và kỳ vọng lạm phát quay trở lại sẽ khiến cho hiệu quả của việc hạ trần lãi suất kém đi rất nhiều.

Gấp rút cơ cấu lại các khoản nợ xấu và các ngân hàng yếu kém mới là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hệ thống tài chính hiện nay. Đó chính là cơ sở để hạ được lãi suất lâu dài và bền vững. Nếu các điều kiện thị trường đã sẵn sàng cho việc hạ lãi suất, chúng ta nên gỡ bỏ trần lãi suất và để cho thị trường tự làm điều đó chứ không nên dùng các biện pháp ép buộc.

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Hạ lãi suất chính sách vẫn khó hạ lãi suất cho vay


| Đinh Tuấn Minh |

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ giảm một điểm phần trăm tất cả các loại lãi suất trong vài ngày tới. Như vậy, trần lãi suất huy động sẽ hạ từ mức 14% xuống còn 13%. Câu hỏi mà thị trường quan tâm là liệu hành động này của NHNN có khiến cho mặt bằng lãi cho vay của các NHTM có giảm hay không?

Có ba lý do khiến cho việc hạ mặt bằng lãi cho vay gặp khó khăn. Thứ nhất, ảnh hưởng của các lãi suất chính sách và trần lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại không còn mạnh như thời điểm giữa năm ngoái. Năm ngoái các mức lãi suất chính sách duy trì ở mức 14-15% góp phần kìm giữ lãi suất huy động vì ở mức này, lãi suất chính sách thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất vay trên thị trường liên ngân hàng ở thời điểm đó. NHNN đã tích cực hỗ trợ hệ thống qua thị trường mở và hoạt động tái cấp vốn.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Chủ nghĩa cá nhân: chân và giả (phần 3)


| F.A. Hayek |
(Đinh Tuấn Minh dịch)

9

Nếu quả thực xu hướng mạnh mẽ hướng tới việc kiểm soát tập trung tất cả các quá trình xã hội là kết quả tất yếu của một hướng tiếp cận khăng khăng cho rằng mọi thứ phải được hoạch định từng li từng tí một và yêu cầu phải chỉ ra một trật tự rõ ràng thì thực tế cũng sẽ là: Xu hướng này có chiều hướng tạo ra các điều kiện mà không có gì khác ngoài một chính phủ tập trung tất cả quyền lực với vai trò giữ gìn trật tự và tạo sự ổn định. Việc tập trung tất cả các quyết định vào tay của cơ quan cầm quyền tự nó tạo ra một tình trạng mà tại đó, cái cấu trúc mà xã hội vẫn sở hữu bị chính phủ đè lên trên và các cá nhân biến thành các đơn vị có khả năng đánh đổi lẫn nhau, không qua các mối quan hệ qua lại bền vững hoặc xác định nào khác, thay vì đó là những mối quan hệ được quyết định bởi một thứ tổ chức toàn diện. Loại xã hội này được các nhà xã hội học hiện đại đặt cho cái biệt ngữ “xã hội đại chúng” (mass society) - một cái tên ít nhiều gây ra hiểu lầm, bởi vì các thuộc tính đặc trưng của loại xã hội này trở nên bị ảnh hưởng đơn thuần bởi yếu tố số lượng không phải là do chúng thiếu vắng loại hình thức cấu trúc tự phát nào đó, mà chủ yếu là do xã hội bị đè nén bởi tổ chức được thiết kế có chủ đích, một sự bất khả trong việc tự đa dạng hoá, và một sự phụ thuộc tất yếu vào một quyền lực mà tạo khuôn dạng một cách có chủ đích cho nó. Xã hội trở nên bị gắn với các con số chỉ chừng nào mà trong các quốc gia rộng lớn quá trình tập trung hoá nhanh chóng đạt tới điểm mà việc tổ chức có chủ đích từ bên trên bóp chết các loại hình tổ chức tự phát, các loại hình vốn dựa trên các mối quan hệ có tính gần gũi và thân mật thay vì những mối quan hệ tồn tại trong một tổ chức rộng lớn.

Chủ nghĩa cá nhân: chân và giả (phần 2)

| F.A. Hayek |
(Đinh Tuấn Minh dịch)



4

Có một điểm trong số những giả thiết về tâm lý này đòi hỏi chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn. Vì niềm tin cho rằng chủ nghĩa cá nhân xác nhận và khuyến khích tính ích kỷ của con người là một trong những lý do chính khiến cho có quá nhiều người không thích nó và vì sự nhầm lẫn hiện diện trong khía cạnh này còn có nguyên nhân từ một khó khăn thực sự về mặt trí tuệ nên chúng ta phải cẩn thận xem xét ý nghĩa của các giả thiết mà nó đưa ra. Tất nhiên, không còn nghi ngờ gì, trên khía cạnh ngôn ngữ của các tác gia vĩ đại thế kỷ XVIII thì chủ nghĩa cá nhân là “tình yêu cái tôi” của con người, hoặc thậm chí là “các lợi ích vị kỷ” được thể hiện như là “động lực phổ quát” và do vậy, bằng những thuật ngữ này, họ đề cập chủ yếu tới quan điểm đạo đức mà họ nghĩ là phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, những thuật ngữ này không hàm nghĩa chủ nghĩa vị kỷ theo nghĩa hẹp, vốn chỉ liên quan tới các nhu cầu trước mắt cho cái tôi thuần túy của một ai đó. Từ “cái tôi” mà những con người đơn độc giả định quan tâm tới, dĩ nhiên là quan trọng, còn bao gồm gia đình và bạn bè của họ và luận điểm này cũng không có gì thay đổi nếu như nó bao gồm bất kể cái gì mà con người thực sự quan tâm, chăm sóc.

Có một tiền đề còn quan trọng hơn hẳn tiền đề đạo đức này – loại tiền đề mà có lẽ có thể thay đổi theo thời gian. Đó là một tiền đề thực tiễn không thể tranh cãi được về mặt trí tuệ, loại không ai có thể thay thế, và tự bản thân nó đủ là một nền tảng cho các kết luận mà các triết gia về chủ nghĩa cá nhân đưa ra: tiền đề sự giới hạn có tính bản thể (constitutional limitation) về mặt trí tuệ và những mối quan tâm của con người. Thực tế là con người không thể biết nhiều hơn một phần rất nhỏ của toàn bộ xã hội và do vậy, tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến động cơ của anh ta là các tác động tức thì gây ra bởi các hành động của anh ta, trong phạm vi anh ta biết được. Tất cả những sự khác nhau có thể nhận biết được giữa các quan niệm về đạo đức của loài người chỉ có ý nghĩa rất nhỏ, xét về vai trò của chúng đối với tổ chức xã hội, so với thực tế là tất cả những gì mà trí tuệ của một con người có thể thực sự hiểu chỉ là những thứ rất gần gũi xung quanh anh ta; do đó, dù anh ta có hoàn toàn ích kỷ hay là người vị tha hoàn hảo nhất thì những nhu cầu mà anh ta thực sự có thể chăm nom được chỉ là một phần hầu như không đáng kể trong các nhu cầu của toàn bộ các thành viên của xã hội. Do vậy, câu hỏi thực sự không phải là liệu con người bị, hay bắt buộc bị, dẫn dắt bởi các động cơ ích kỷ, mà là: liệu chúng ta có thể cho phép anh ta tự dẫn dắt các hành động của mình bằng những hậu quả tức thì mà anh ta có thể biết và chăm sóc, hay là liệu anh ta bắt buộc phải làm những cái dường như thích hợp với một người nào đó mà được giả định là sở hữu một sự hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của những hành động này đối với xã hội như là một tổng thể?

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Giá xăng trong nước sẽ sớm phải điều chỉnh tăng?


|Nguyên Minh Cường |

Sức ép tăng giá xăng dầu trong nước khá mạnh trong thời gian gần đây.  Xem các bài:


Nhưng tôi cho rằng chính phủ phải đợi đến 15/3 để xem thông tin về CPI trong tháng 3 có tích cực hay không. Nếu CPI khoảng 0,5% thì cầm chắc là giá xăng sẽ tăng vào tầm 20.3.

Đây là bài phân tích của tôi trên SGTT đầu tuần.

--------------

Chủ nghĩa cá nhân: Chân và Giả (phần 1)


| Friedrich A. von Hayek |[1]
 (Đinh Tuấn Minh dịch)



Du dix-huitième siècle et de la révolution, comme d’une source commune, étaient sortis deux fleuves: le premier conduisait les hommes aux institutions libres, tandis que le second les menait au pouvoir absolu.

Kể từ thế kỷ XVIII và từ cuộc Cách mạng Pháp, có hai dòng chảy tư tưởng dường như có chung một nguồn: Dòng thứ nhất hướng con người tới các thể chế tự do, dòng thứ hai hướng họ về phía quyền lực tuyệt đối.

Alexis de Tocqueville
---

1

Ngày nay, bất cứ ai cổ súy cho bất kỳ nguyên lý rõ ràng nào về trật tự xã hội thì gần như cầm chắc sẽ phải gánh chịu điều tiếng là nhà lý luận giáo điều không thực tế. Một người sẽ được xem là có đầu óc sáng suốt đối với các vấn đề xã hội nếu anh ta, thay vì bám chặt vào các nguyên lý cố định, lại nhìn nhận từng vấn đề “dựa trên các phẩm tính của riêng nó”; nghĩa là người đó, nói chung, được định hướng bằng mưu lợi và sẵn sàng thỏa hiệp giữa các quan điểm. Tuy nhiên, các nguyên lý tự chúng có cách chiếm lĩnh xã hội ngay cả khi chúng không được công nhận một cách minh bạch mà chỉ được ngụ ý trong các hành động cụ thể, hoặc ngay cả khi chúng chỉ hiện diện như là các ý tưởng mơ hồ về cái gì đang diễn ra hoặc không đang diễn ra. Vì thế, dưới tấm biển “không chủ nghĩa cá nhân cũng không chủ nghĩa xã hội”, chúng ta đã thấy một hiện tượng rằng trên thực tế chúng ta đang nhanh chóng chuyển từ một xã hội của các cá nhân tự do sang một dạng xã hội mang màu sắc tập thể hoàn toàn.

Tôi dự định không chỉ tiến hành việc bảo vệ một nguyên lý tổng quát về tổ chức xã hội mà còn cố gắng chỉ ra rằng sự sợ hãi động chạm đến các nguyên lý chung và cái sở thích chuyển từ hết vấn đề cụ thể này sang vấn đề cụ thể khác là sản phẩm của thứ trào lưu, mà dưới dạng “nước chảy đá mòn”, sẽ đưa chúng ta từ một trật tự xã hội dựa trên việc công nhận tổng quát các nguyên lý chung nhất định trở về một xã hội mà trật tự được hình thành bằng các mệnh lệnh một chiều.