Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, cơ hội nào cho Việt Nam?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (28.05.2012) - Sau bốn năm kể từ đại suy giảm năm 2008, kinh tế thế giới lại lún dần, tuy từ từ nhưng chắc chắn, vào một đợt suy giảm nữa bất chấp những nỗ lực không ngừng từ chính phủ các nước và các ngân hàng trung ương.

Năm 2009, Việt Nam đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu bằng một chính sách hỗ trợ lãi suất có một không hai trên thế giới, và cái giá phải trả là lạm phát và bất ổn kinh tế quay trở lại từ cuối năm 2010. Liệu lần này Việt Nam có thể thoát khỏi xu hướng chung mà không phải trả giá đắt như lần trước?

Kinh tế toàn cầu trước rủi ro lùi về suy thoái

Cuộc khủng hoảng nợ công ngày một sâu sắc là nguyên nhân chính đưa toàn bộ khu vực châu Âu rơi vào khó khăn. Châu Âu đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc lựa chọn chính sách tài khoá cũng như tiền tệ.

Nếu tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ tài trợ cho các mục tiêu ngân sách phi hiệu quả, lạm phát sẽ càng tăng cao. Kinh tế có thể đi vào thời kỳ lạm phát đình đốn. Chỉ số lạm phát của châu Âu hiện tại đã ở mức 2,6% tính đến tháng 4.2012 (trong khi mục tiêu của ECB chỉ là 2%), tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 10,9%.

Nếu lựa chọn “thắt lưng buộc bụng” và thu hẹp cung tiền thì kinh tế có thể sẽ chính thức lùi về suy thoái. Kinh tế châu Âu tăng trưởng âm 0,3% trong quý 4/2011 và 0% trong quý 1/2012. Tăng trưởng âm sẽ khiến nghĩa vụ trả nợ tại những nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý càng thêm nặng nề do lợi tức trái phiếu tăng cao.

Tình hình tại châu Á và Mỹ cũng không khả quan hơn nhiều so với khu vực châu Âu. Trung Quốc đang đối mặt với kinh tế “hạ cánh cứng” do tăng trưởng đã lùi xa về mức dưới hai con số, chỉ còn 8,1% trong quý 1/2012 (YoY). Trung Quốc sẽ khó trở thành điểm tựa của kinh tế toàn cầu như năm 2008, bởi khi đó Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức hai con số 11,2%.

Đối với kinh tế Mỹ, cường quốc số một thế giới, mặc dù vẫn giữ được tăng trưởng GDP ở mức 2,2% trong quý 1/2012, song tỷ lệ thất nghiệp vẫn chậm cải thiện, tiếp tục duy trì ở mức 8,1% tính đến tháng 4.2012. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với mức 5 – 6% thời kỳ trước năm 2008. Hơn nữa, Mỹ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ mở rộng với mức lãi suất thấp kỷ lục 0 – 0,25%, và chương trình mua trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn để hỗ trợ kinh tế khiến nợ công của Mỹ dự tính tăng tới 16,4 ngàn tỉ USD trong năm 2012, vượt 100% GDP của Mỹ. Nói một cách khác, nếu suy thoái kinh tế xảy ra, Mỹ sẽ không còn dư địa cho cả chính sách tài khoá và tiền tệ để cứu trợ nền kinh tế như năm 2009.

Giá cả hàng hoá sụt giảm nhanh chóng, dòng tiền tìm về nơi an toàn

Lo lắng về cầu sụt giảm tại khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc đã khiến chỉ số hàng hoá liên tục lao dốc. Chỉ số hàng hoá nói chung (CRB Index) đã giảm 18,04% từ mức 580,32 ngày 11.4.2011 về mức 475,63 ngày 24.5.2012. Đây là mức tương đương với đầu năm 2008 khi suy thoái kinh tế bắt đầu. Ngày 28.2.2008, chỉ số CRB Index đạt đỉnh tại 487,67 sau đó giảm nhanh trong suốt năm 2008 về mức 298,57 vào ngày 5.12.2008.

Giá vàng thế giới cũng lao dốc giống như những gì diễn ra trong suy thoái kinh tế 2008. Tính đến ngày 25.5.2012 giá vàng đóng cửa tại mức 1.572,84, giảm 18,13% từ mức 1.920,30 tại thời điểm 6.9.2011. Trong năm 2008, giá vàng cũng giảm hơn 30% từ mức 1.030 tại thời điểm 17.3.2008 về mức 680,80 tại thời điểm 24.10.2008. Đồng USD tiếp tục trở thành nơi để cất trữ giá trị và trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên được ưa chuộng. Chỉ số USD Index tăng từ mức 72,80 tại thời điểm 5.5.2011 lên mức 82,46 vào ngày 25.5.2012.

Giá dầu, vàng và chỉ số hàng hóa CRB

 
Nguồn: Reuters

Cợ hội nào cho Việt Nam?

Chính sách thắt chặt tiền tệ năm 2011 đã giúp Việt Nam chặn đứng được lạm phát nhưng lại khiến cho tổng cầu suy yếu. Nền kinh tế rơi vào trì trệ với đặc trưng như tồn kho tăng cao, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm và số doanh nghiệp phải đóng cửa gia tăng. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, trên 50.000 doanh nghiệp phá sản từ đầu năm 2011 đến cuối quý 1/2012. Thua lỗ lớn tại Vinalines, Vinashin, EVN, tổng công ty ximăng Việt Nam Vicem, tập đoàn Sông Đà, TKV… càng khiến cho nền kinh tế Việt Nam dễ lún sâu vào tình trạng đình đốn hơn bao giờ hết.

Tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu giảm sút. Thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2012 đến 20.4.2012 chỉ bằng 68,5% so với cùng kỳ năm trước, vốn thực hiện giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm nhu cầu tại nhiều nước trên thế giới và giá, đã khiến cho xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam bị giảm mạnh trong bốn tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước, như dầu thô giảm 3,1%; càphê giảm 7,9%; cao su giảm 8,3%; than đá giảm 12,2%; gạo giảm 27,8%…

Như vậy, Việt Nam sẽ khó có thể trông đợi vào nước ngoài để cải thiện tổng cầu. Để cải thiện tổng cầu trong nước mà không gây ra lạm phát như chương trình kích cầu năm 2009, con đường còn lại duy nhất của Việt Nam hiện nay là cải thiện năng suất để giảm chi phí, qua đó tăng được mức tiết kiệm của nền kinh tế. Rõ ràng, cải cách khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư công là mấu chốt để nâng cao năng suất của nền kinh tế.

Sự giảm giá hàng hoá toàn cầu cũng giúp cho Việt Nam giảm được các chi phí kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá cả (CPI) giảm là cơ hội để mặt bằng lãi suất giảm. Giá hàng hoá giảm cũng sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình xây dựng thị trường cho các mặt hàng như xăng dầu và điện. Giải quyết được hai thị trường này sẽ giúp cho nền kinh tế tránh được các cú sốc giá cả như những năm vừa qua.

Nếu như kinh tế vĩ mô ổn định và năng suất của nền kinh tế được cải thiện thì Việt Nam sẽ sớm thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới. Hiện nay, sự dịch chuyển hướng đầu tư từ Nhật sang Việt Nam đang trở nên khá rõ ràng, khi nhiều nhà đầu tư của Nhật đã liên tục xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam cũng như mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước. Khu vực tư nhân sẽ có cơ hội lớn hơn để phát huy năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt là khi nguồn vốn tín dụng trong nước được phân bổ một cách hiệu quả hơn. Đó mới chính là con đường để giúp Việt Nam thoát ra khỏi xu hướng suy thoái toàn cầu một cách chắc chắn trong những năm tới.

2 nhận xét:

  1. Mong rằng Việt Nam sẽ vượt khó để đi lên!
    http://gaixinhtuyetdinh.blogspot.com/

    Trả lờiXóa
  2. Gái vẫn xinh như thế này thì kinh tế Việt Nam chưa có cửa suy thoái đâu ;-).

    Trả lờiXóa