Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Giải quyết bài toán nợ xấu: cải cách toàn diện để thu hút dòng vốn ngoại

| Đinh Tuấn Minh |

(Bài đăng trên TBKTSG 01.11.2011)



Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng Việt Nam đến thời điểm cuối tháng 10.2012 ở mức 8,8% - 10%. Dựa trên các số liệu công bố gần đây của NHNN về số dư nợ tín dụng toàn hệ thống (2.880.061 tỷ đồng vào cuối tháng 7.2012) cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống (1,24% vào cuối tháng 7.2012 và 2,77% vào ngày 19.10.2012), ta có thể ước tính được số nợ xấu của toàn hệ thống sẽ vào khoảng từ 257.000 tỷ đồng đến 292.350 tỷ đồng.

Với con số nợ toàn hệ thống vào cuối quí I.2012 vào khoảng 202.000 tỷ đồng như công bố của NHNN trước đây thì xét về giá trị tuyệt đối, trong vòng hai quí vừa qua nợ xấu của toàn hệ thống đã tăng thêm khoảng 55.000 - 90.000 tỷ đồng; tức đã tăng thêm 27,2% - 44,5% xét về giá trị tương đối. Đây là mức tăng ròng vì nó không tính đến số nợ xấu mà các tổ chức tín dụng đã tự xử lý từ đầu năm, như NHNN công bố, khoảng 36.000 tỷ đồng nhờ cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ.

Như vậy, từ đầu năm tới nay bức tranh nợ xấu của Việt Nam tiếp tục xấu đi bất chấp nỗ lực tự giải quyết của các tổ chức tín dụng. Đây có lẽ là lý do mà NHNN đã quyết định đẩy nhanh tiến độ hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia để giải quyết nợ xấu, theo đó NHNN dự định sẽ đệ trình đề án này lên Chính phủ vào ngày 15.11 tới.

Vì sao nợ xấu của các tổ chức tín dụng lại khó giải quyết bằng giải pháp tự thân đến vậy? Liệu Công ty mua bán nợ xấu quốc gia có thể đảm nhận vai trò xử lý nợ xấu được không? Để trả lời hai câu hỏi này chúng ta cần phải biết được những đặc điểm có tính đặc thù của nợ xấu trong hệ thống tín dụng Việt Nam.