| Đinh Tuấn Minh |
(Bài viết kỷ niệm 30.4. Đăng trên SGTT)
Đã 37 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Quãng thời gian này chỉ vào khoảng 1% của lịch sử dân tộc Việt Nam nhưng lại là khoảng thời gian hòa bình có nhiều biến chuyển nhất. Trong vòng 10 năm đầu, cả đất nước đã thử nghiệm mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, loay hoay tìm cách hoàn thiện nó, nhưng cuối cùng đã phải thừa nhận đó là một mô hình sai lầm vào năm 1986.
Hơn 20 năm qua, chúng ta dường như đã chấp nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn loay hoay đi tìm những nguyên lý quản trị quốc gia để tương thích với cơ chế này. Lịch sử là quá khứ. Nhưng lịch sử chính là nơi để mỗi cá nhân, mỗi dân tộc soi xét nhằm rút ra những bài học, những nguyên lý định hướng cho sự phát triển của mình trong tương lai. Đối với tôi, ba nguyên lý dưới đây là những nguyên lý cơ bản nhất để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia thịn vượng và hiệu quả.
Nguyên lý 1: xây dựng và bảo vệ cơ chế thị trường
Ngày nay khi nói đến cơ chế thị trường hiếm ai còn phủ nhận vai trò của nó trong việc tạo ra của cải vật chất. Tuy nhiên, người ta lại thường nhắc đến những khuyết tật của nó, xem thị trường là nguyên nhân gây ra những thói hư tật xấu trong xã hội, và do đó, là đối tượng mà nhà nước cần phải khống chế, kiểm soát để giảm thiểu những thói hư tật xấu đó.
Nhưng thực tế Việt Nam cho thấy một bức tranh hoàn toàn ngược lại. Bất cứ chỗ nào thị trường xác lập được chỗ đứng của mình, ở đấy đức hạnh và hành xử văn minh được vun trồng và phát triển.
Chúng ta đều biết nền tảng quan trọng nhất của cơ chế thị trường là việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân. Ở những nơi mà quyền sở hữu tài sản được xác lập rõ ràng và minh bạch nhất, chẳng hạn các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, thì những người đứng đầu doanh nghiệp luôn tỏ ra là những cá nhân sống có trách nhiệm với nhân viên, với cộng đồng, và với gia đình của mình. Những hành động thiếu văn minh, như việc tổ chức đám cưới linh đình của gia đình bà chủ công ty Bianfishco trong thời gian vừa qua, đã phải trả một giá rất đắt, khiến cho doanh nghiệp của mình suýt rơi vào tình trạng phá sản.
Có nhiều người cho rằng đạo đức ở nông thôn Việt Nam bị xuống cấp vì cơ chế thị trường. Thực sự thì không phải như vậy. Tài sản lớn nhất của người nông dân là ruộng đất. Nhưng khi vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam còn chưa rõ ràng thì thị trường vẫn còn xa mới được thiết lập ở các vùng quê. Ở những khu vực nông thôn mà đất đai bổng dưng trở nên có giá trị, các hành vi lừa lọc và chiếm đoạt sẽ bị kích thích. Và những đồng tiền có được một cách dễ dàng khiến những người nông dân chân chất trước đây bị cuốn vào lối sống “trưởng giả học làm sang”.
Điều tương tự cũng xảy ra ở cơ quan công quyền, khi mà thị trường chưa thực sự lớn mạnh, chưa tạo đủ sức ép khiến quan chức nhà nước buộc phải phục vụ xã hội thay vì quản lý xã hội, thì còn xa các quan chức nhà nước mới thực hiện công khai tài sản. Khác với những người chủ doanh nghiệp có tài sản công khai, buộc họ phải sống có đạo đức hơn, sự mập mờ về nguồn gốc tài sản quan chức khiến cho một bộ phận không nhỏ trong số họ ngày càng “suy thoái đạo đức”.
Nguyên lý 2: xác lập bình đẳng hình thức
Con người ta vốn sinh ra đã có sự khác biệt về chất (substantive). Thể tạng của mọi người về cơ bản khác nhau; chủng tộc, nơi sinh sống khác nhau v.v. cũng khiến cho mỗi người có những điểm riêng biệt mà người khác không có. Việc công nhận quyền sở hữu trong nền kinh tế thị trường càng khiến cho mỗi cá nhân khi lớn lên được hưởng những gia tài thừa kế lớn bé khác nhau. Tuy khác nhau về chất nhưng về hình thức (formal) thì tất cả các cá nhân đều bình đẳng theo nghĩa họ đều là con người. Hàm ý rất rõ ràng của nguyên lý bình đẳng hình thức này là tất cả các cá nhân dù khác nhau về chất nhưng đều cần phải được đối xử ngang bằng nhau, tức có cơ hội thành công ngang nhau trong mọi cuộc đua tranh trong xã hội.
Nguyên lý tưởng chừng như hiển nhiên đó lại không được chúng ta nhìn nhận đúng mức trong những năm vừa qua. Đã có một thời chúng ta quản lý nhà nước theo kiểu cố gắng làm cho mọi người giống nhau về chất, từ ăn mặc cho đến thưởng thức văn hoá, nghệ thuật. Tuy hiện nay nhà nước đã cho phép các cá nhân/chủ thể được tự do hơn nhiều trong việc thể hiện sự khác biệt của mình nhưng dường như đó chỉ là do sức ép của thị trường hơn là chủ động của chính quyền trong việc áp dụng nguyên lý bình đẳng hình thức. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều hình thức cấm đoán mang tính hành chính, từ cách ăn mặc của ca sĩ, như không được mặc áo xẻ ngực quá nhiều, cho đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, như áp trần lãi suất huy động. Những cấm đoán có tính cào bằng này, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng chỉ gây cản trở những người tham gia phát huy được những tố chất khác biệt ẩn chứa trong mỗi người để tạo ra nhiều giá trị hơn chính bản thân họ và cho xã hội.
Nguyên lý bình đẳng hình thức đòi hỏi chính quyền phải tập trung xây dựng và bảo vệ luật pháp không nhằm đáp ứng nhu cầu hay ước muốn của những người cụ thể nào. Đó phải là những qui tắc lâu dài để giúp mọi người trong xã hội có thể dự đoán hành vi của những người khác mà họ sẽ phải cộng tác hay cạnh tranh. Nguyên lý bình đẳng hình thức cũng đòi hỏi chính quyền phải giới hạn hành động của mình trong những khuôn khổ pháp lý để người dân có thể dự đoán được các hành vi của những người nhân danh chính quyền. Như thế, nguyên lý bình đẳng hình thức chính là nền tảng để xây dựng một nhà nước pháp trị cho Việt Nam.
Nguyên lý 3: Thúc đẩy đa dạng hoá
Phát triển là quá trình đa dạng hoá. Điều này không chỉ đúng ở muôn loài mà còn đúng ở tron g xã hội loài người. Một quốc gia phát triển là một quốc gia không những chỉ tràn ngập các chủng loại hàng hoá khác nhau mà còn phong phú về các hệ tư tưởng và các loại hình văn hoá, nghệ thuật.
Việt Nam có lẽ là một trong số ít các quốc gia được thừa hưởng sẵn một nền tảng đa dạng phong phú, từ đa dạng về các dân tộc và tôn giáo cho đến đa dạng về khí hậu và địa hình. Tuy nhiên, các chính sách của chúng ta trong những năm qua ít nhắc đến yếu tố đa dạng hoá. Ở khắp các vùng miền, chúng ta đều thấy những chủng loại hàng hoá tương tự nhau, những công trình kiến trúc hiện đại từa tựa nhau, những cách thức tổ chức văn hoá, những lễ hội hao hao giống nhau, những mô hình tổ chức xã hội giống hệt nhau v.v. Trong thời đại toàn cầu hoá, việc thiếu vắng các nét khác biệt sẽ có thể khiến chúng ta bị thua thiệt hoặc thất bại trong mọi lĩnh vực, thậm chí bị tiêu diệt hoặc “tan chảy”, nhập vào các đối thủ khác.
Nguyên lý đa dạng hoá đòi hỏi chính quyền không những phải cho phép mà còn phải có những cơ chế khuyến khích các cá nhân và tổ chức tự chủ quyết định theo đuổi những con đường riêng của mình. Muốn vậy, từ khâu giáo dục, kinh doanh cho đến sinh hoạt cộng đồng và thậm chí chính quyền địa phương cũng cần được quyền đưa những nét khác biệt, từ nội dung cho đến cách thức tổ chức, vào trong địa phương hoặc vùng miền của mình. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể nuôi dưỡng được những thế hệ trẻ không những chỉ kế thừa mà còn sáng tạo thêm được nhiều nét độc đáo mới của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá ngày càng diễn ra sâu rộng.
nếu biết xây dựng cơ chế và thị trường, người việt nam đã k phải sử dụng hàng thực phẩm thối từ trung quốc và để thương gia trung quốc kêu gọi mua chè bẩn tại VN rồi. Câu hỏi là: Chúng ta - những người có kiến thức kinh doanh đang ở đâu? trong thị trường này. Và Mức độ ảnh hướng tới chính sách của chúng ta tới đâu?
Trả lờiXóaCháu thích ý tưởng về sư "đa dạng hóa" và "sự khác biệt" trong bài viết của chú. Tính tới thời điểm này cháu nghĩ chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm (và chưa tìm ra) những điểm khác biệt để mà phát huy và khẳng định vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường toàn cầu. Đã có rất nhiều đề án về phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nếu đọc qua người ta sẽ chỉ thấy đó là những ý tưởng sao chép dựa trên những nền kinh tế phát triển hơn, kiểu như người ta làm gì và đã thành công thì mình bắt chước thử xem thế nào, chứ không hề dựa vào những nguồn lực có sẵn mang tính chất riêng biệt kiểu "chỉ có ở Việt Nam".
Trả lờiXóaThật đáng tiếc và đáng buồn...