Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Ba nguyên lý quản trị quốc gia thịnh vượng

| Đinh Tuấn Minh |
(Bài viết kỷ niệm 30.4. Đăng trên SGTT)


Đã 37 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Quãng thời gian này chỉ vào khoảng 1% của lịch sử dân tộc Việt Nam nhưng lại là khoảng thời gian hòa bình có nhiều biến chuyển nhất. Trong vòng 10 năm đầu, cả đất nước đã thử nghiệm mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, loay hoay tìm cách hoàn thiện nó, nhưng cuối cùng đã phải thừa nhận đó là một mô hình sai lầm vào năm 1986.

Hơn 20 năm qua, chúng ta dường như đã chấp nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn loay hoay đi tìm những nguyên lý quản trị quốc gia để tương thích với cơ chế này. Lịch sử là quá khứ. Nhưng lịch sử chính là nơi để mỗi cá nhân, mỗi dân tộc soi xét nhằm rút ra những bài học, những nguyên lý định hướng cho sự phát triển của mình trong tương lai.  Đối với tôi, ba nguyên lý dưới đây là những nguyên lý cơ bản nhất để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia thịn vượng và hiệu quả.

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam từ góc độ lý thuyết

| Đinh Tuấn Minh |
(Một version khác trên TBKTSG, 26.04.2012)


Trong tuần qua, Chính phủ đã trình Đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Đề án nhấn mạnh đến mục đích của tái cấu trúc nền kinh tế là giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Đề án tổng thể này cũng cố gắng gắn kết ba đề án tái cấu trúc riêng lẻ khác là tái cấu trúc hệ thống tín dụng, tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Mặc dù đồng tình về việc phải tập trung cải cách ba lĩnh vực trên nhưng tôi cho rằng Đề án vẫn thiếu một cơ sở lý thuyết vững chắc trong việc kết nối các hợp phần. Vì lẽ đó, Đề án đã nhiều lúc sa đà vào việc định hướng phát triển những ngành nghề cụ thể. Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng cung cấp một cơ sở lý thuyết để gắn kết các cấu phần này và từ đó có thể giúp các nhà hoạch định chính sách định hình được đâu là những khâu mà chúng ta cần phải tập trung vào cải cách để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Trào lưu sống tùy vào giá trị xã hội

| Lê Ngọc Sơn phỏng vấn |

Nhân dịp Nguyễn Đức Thành nêu ý kiến về văn hóa đại gia, tôi đăng lại ý kiến của tôi trong một bài phỏng vấn với báo Người đô thị về chủ đề tương tự vào khoảng tháng 4.2011.

Khi đi ra phố không khó bắt gặp những chiếc xe đắt tiền nhất thế giới, hay những chiếc túi hàng hiệu giá cả chục ngàn “đô”, thậm chí ăn một bát phở giá cũng có thê đắt nhất thế giới: 35 USD... Hóa ra, quan niệm nhị nguyên (tốt - xấu) không phải lúc nào cũng đủ sức giải mã được hiện thực cuộc sống. Trào lưu này được hiểu thế nào dưới góc nhìn kinh tế học hành vi?
Ai khởi tạo các trào lưu?

.Phóng viên: Dưới góc động kinh tế học, anh bình luận thế  nào về hiện tượng một bộ phận dân chúng thích xài sang?

- ThS Đinh Tuấn Minh: Trước tiên, xét đến vấn đề tiêu dùng, bỏ qua vấn đề về thu nhập. Mỗi người có một thu nhập khác nhau, có một nhu cầu và hành vi tiêu dùng khác nhau. Nếu xét trên khía cạnh đó, việc người ta ăn bát phở 35 USD, hay mua một sợi dây chuyền 10.000 USD hoặc bỏ ra mấy triệu đồng để mua một cái bùa, đôi giày leo núi... là chuyện bình thường. Bởi đơn giản là người ta thích. Có nhiều người, nhìn bên ngoài trông rất bình thường, nhưng bên trong lại xài đồ lót hàng hiệu giá vài trăm USD... Tất cả những cái đó, nếu xét về hành vi kinh tế, thì nó thể hiện cái nhu cầu đa dạng của con người. Mỗi con người có một nhu cầu khác nhau, sở thích khác nhau và người ta sẵn sàng hi sinh cho cái này, bỏ cái kia.

Xét về kinh tế, trong xã hội có các nhu cầu mà nhiều khi người ngoài nhìn vào không hiểu tại sao người ta lại có nhu cầu như vậy. Nhiều người vì tò mò mà học theo, chứ không  phải là nhu cầu thường xuyên. Một nhu cầu theo tôi là vớ vẩn nhất trên đời mà nhiều người không nói tới là nhu cầu... cờ bạc. Ở Mỹ, rất nhiều người tiết kiệm tiền hàng năm trời, vất vả nặng nhọc nhưng cuối cùng họ dành tất cả cho một kỳ nghỉ đến Las Vegas đánh bạc. Cả một thời kỳ ky cóp, dồn nén để dành cho một tuần tiêu tiền. Và rồi họ lại tiếp tục lao đầu vào làm lụng. Như việc đánh đề ở ta chẳng hạn, mỗi ngày người ta đều dành ra một số tiền để đánh đề, mặc dù biết rằng về nguyên lý, đánh đề một thời gian dài thì khả năng thua chắc chắn nhiều hơn thắng, nhưng họ vẫn cứ đánh. Tách ra tất cả những khía cạnh đó, hiểu dưới khía cạnh kinh tế thì đó là nhu cầu cá nhân.

Đại gia: Tích tụ văn hóa chậm

| Đoan Trang phỏng vấn Nguyễn Đức Thành |

(phỏng vấn trên Pháp luật TPHCM)

“Nói cho cùng, chuyện một số người giàu bị cuốn vào thú vui mua siêu xe chính là sự bộc lộ một thứ vô thức tập thể, chứ không phải của bản thân người đó: Vô thức của người Việt chúng ta hiện nay là thích siêu xe thật, chứ chúng ta không đánh giá cao việc một tỷ phú mua tranh Van Gogh hay tài trợ cho một dàn nhạc cổ điển” – nhà kinh tế Nguyễn Đức Thành bình luận về hiện tượng “đại gia xài sang”.
Tại Việt Nam, suốt mấy năm qua, hàng xa xỉ vẫn được nhập về với số lượng rất lớn, trị giá hàng tỉ USD, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế: mỹ phẩm, rượu bia, điện thoại di động, xe hơi… Thú xài sang lan cả sang khu vực dịch vụ với những phở bò Kobe, súp vây cá mập, v.v. Giữa những ngày bão giá, ở Hà Nội vẫn có những cơ sở bán đĩa mài sừng tê giác. Với hai đám cưới hoành tráng gần đây, sự hưởng thụ tiếp tục được “nâng lên một tầm cao mới”, gây choáng váng cho số đông dư luận.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Để sự hy sinh không trở thành vô ích

| Đinh Tuấn Minh |

 Chiều nay NHNN bất ngờ hạ các mức lãi suất chính sách cũng như trần lãi suất thêm 1%. Như vậy, trước sức ép từ phía các doanh nghiệp, có thể nói chính sách tiền tệ đã được chính thức nới lỏng. Đây là điều có thể nhìn thấy trước vì sự "hy sinh" có vẻ như đã quá nhiều. Chỉ tiếc là các chương trình tái cấu trúc nền kinh tế vẫn chỉ là các cuộc trao đổi tại các cuộc hội thảo... Và tiếc cho những hy sinh mà những người kinh doanh, những người lao động chân chính phải gánh chịu trong năm qua. Nhưng có cái may là giới chuyên gia kinh tế vẫn sẽ tiếp tục bận rộn cho đến hết 2014 :-). 


Đăng lại bài viết ngắn trên SGTT tháng 7 năm ngoái.


SGTT.VN - Trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam cao vào bậc nhất trên thế giới như hiện nay, thì kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ mà Chính phủ thực hiện theo nghị quyết 11 từ tháng 3 đã mang lại một số những tín hiệu tích cực như tỷ giá và lãi suất có xu hướng ổn định. Lạm phát bắt đầu trong vòng kiểm soát với tốc độ tăng của tháng sau thấp hơn tháng trước.

Tuy nhiên, các hiệu ứng phụ cho nền kinh tế từ chính sách này dần dần được bộc lộ. Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà cả các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn, dẫn đến đình trệ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu thua lỗ và có khả năng phải sa thải nhân công.

Với việc chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thực thi cho đến cuối năm thì tình hình đình trệ sản xuất và tình trạng đóng băng các thị trường bất động sản cũng như chứng khoán là điều khó có thể nhìn thấy trước. Đây là cái giá đắt phải trả cho chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2009 và 2010.

Vấn đề đặt ra với các nhà làm chính sách lúc này là làm thể nào để sự “hy sinh” trên không trở thành vô ích và không gây ra những tác động quá xấu cho các năm tới?

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Đường về nô lệ (bản online)

| F.A. Hayek |
(Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu)

Tác phẩm "Đường về nô lệ" của F.A. Hayek đến với độc giả trong nước từ năm 2008. Đây là một trong những tác phẩm kinh tế chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nếu không biết thì thôi, nếu biết mà không đọc thì phí mất nửa đời người :-). Vì một sô lý do 'tế nhị", tác phẩm này không được tái bản nữa. Độc giả chưa mua được bản in có thể đọc bản tiếng Việt online tại đây. Tôi đăng lại bài giới thiệu tác phẩm.


Việt Nam đã từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được hơn hai thập kỷ. So sánh những kết quả đạt được giữa hai thời kỳ trước và sau đổi mới ta có thể khẳng định quyết định chuyển sang cơ chế thị trường của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đời sống vật chất và tinh thần của từng người dân không ngừng được cải thiện. Những vật dụng được xem là xa xỉ thời kế hoạch hóa như xe máy, ti vi, dầu gội đầu v.v. thì nay đã trở thành những vật dụng tối thiểu trong mỗi gia đình; trước kia người dân Việt Nam chỉ có thể biết được tin tức thế giới qua hệ thống loa truyền thanh, thì ngày nay họ có thể tìm hiểu mọi thứ qua internet, truyền hình cáp, và thậm chí có thể đi hàng nghìn cây số đến tận nơi để quan sát. Tuy thế, những di chứng mà cơ chế này gây ra cho xã hội vẫn còn đó và đang gây nhức nhối cho xã hội. Đây không phải là nhận định được nói ra bởi những người dân thường hay các học giả; trên thực tế nó thường xuyên được những vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước nhắc đến(1). Nhưng cụ thể cơ chế kế hoạch hóa trước kia đã gây ra những căn bệnh xã hội gì cho hiện nay? Làm thế nào để khắc phục được chúng? Đấy quả thực là những câu hỏi hóc búa cho bất kỳ ai có trách nhiệm với xã hội. Cuốn sách Đường về nô lệ của F. A. Hayek, một trong những kinh tế gia và tư tưởng gia xuất sắc nhất của thế kỷ XX, có thể được xem như là cuốn “cẩm nang” hàng đầu để giải quyết những vấn nạn này cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Chống lạm phát khó như chữa cai nghiện

| Đinh Tuấn Minh |

(Đây là bài tôi viết tháng 8 năm ngoái, có một version đăng trên TBKTSG. Đăng lại trong bối cảnh chính phủ có thể sẽ nới lỏng sớm tiền tệ, kích thích kinh tế thông qua việc mua nhà ở công vụ).


CPI tháng 7.2011 tăng 1,17% so với tháng trước. Theo thống kê, đây là mức tăng CPI cao nhất trong tháng 7 của 15 năm gần đây. Với mức tăng này, lạm phát tính theo năm của Việt Nam đã tăng tới 22,16%, cao hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Venezuela. Mức tăng CPI trên 1% của tháng 7 khiến cho hoạch duy trì lạm phát năm 2011 dưới 17% của Chính Phủ rất khó có thể trở thành hiện thực bởi “zoom” còn lại cho 5 tháng cuối năm chỉ còn 2,4%. 

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Khơi thông dòng vốn để đối phó nguy cơ đình đốn

| Nguyên Minh Cường |

Tăng trưởng GDP trong quý I.2012 đã sụt giảm mạnh xuống mức 4%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng GDP của quý I.2009. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 mặc dù đang trong xu hướng giảm nhưng tính theo năm vẫn đang ở mức cao, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước, hơn rất nhiều mức 11,25% của tháng 3.2009. Như vậy, sau 3 năm thực hiện chính sách kích cầu, nền kinh tế gần như đã rơi trở về điểm xuất phát cũ khi khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 diễn ra.

Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng đình đốn

Tăng trưởng kinh tế chậm trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao đang tác động lớn đến hầu hết tất cả đối tượng trong nền kinh tế. Người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao do thu nhập không theo kịp sức tăng của giá cả hàng hóa. Nhà sản xuất còn khốn khổ hơn nhiều khi chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng lại không thể tăng giá bán đầu ra tương ứng do khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân Quý I.2012 tăng 15,95% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 21,25%, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng 18,92% và chỉ số giá cước vận tải tăng 18,71% so với cùng kỳ năm trước.

Hậu quả là, trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 49.000 doanh nghiệp bị phá sản. Trong gần 3 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.