Trên CafeF
Một loạt chính sách tiền tệ mới được ban hành. Thị trường đang kỳ vọng những biến chuyển từ những quyết sách mới. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Thế Anh về những ảnh hưởng của chính sách tiền tệ tới thị trường trong thời gian tới.NHNN đã có quyết định hạ lãi suất 2 điểm phần trăm nhưng cho phép thỏa thuận lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Là chuyên gia ông đánh giá thế nào về mức giảm cũng như quyết định cho thỏa thuận lãi suất của NHNN?
Trong ngắn hạn, lãi suất được quyết định bởi 2 yếu tố là lạm phát và thanh khoản. Yếu tố lạm phát lại gồm 2 thành phần là lạm phát hiện tại và lạm phát kỳ vọng. Hiện tại, lạm phát so với cùng kì năm trước (YoY) đến cuối tháng 5 chỉ còn 8,34%; còn lạm phát kỳ vọng trong những tháng tới thậm chí còn thấp hơn chỉ khoảng 6-7%.
Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện mạnh nhờ việc NHNN đã bơm ra thị trường xấp xỉ 180 ngàn tỷ thông qua mua ngoại tệ và mới chỉ hút về một phần thông qua tín phiếu và thị trường mở. Như vậy cả lạm phát và thanh khoản đều ủng hộ cho quyết định hạ trần lãi suất.
Với lạm phát thực tế lẫn lạm phát kì vọng đang giảm mạnh hiện nay việc lựa chọn một mức trần lãi suất nào đó để áp với các khoản tiền gửi hạn dài là rủi ro cho cả ngân hàng lẫn người gửi tiền. Ngân hàng sẽ chịu thiệt nếu như lạm phát cuối năm tiếp tục giảm, ngược lại người gửi tiền sẽ chịu rủi ro nếu như lạm phát cuối năm tăng mạnh trở lại. Các ngân hàng và người dân lúc đó sẽ chỉ thực hiện các khoản tiền gửi/huy động kì hạn ngắn.
Do vậy, nếu còn trần lãi suất dài hạn thì nó sẽ không giúp làm tăng các khoản tiền gửi/huy động dài hạn – một yếu tố quan trọng giúp tạo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Bằng cách gỡ bỏ trần lãi suất dài hạn, NHNN đang giảm bớt rủi ro chính sách cho chính mình. Ngoài ra, đây cũng là một bước đi cần thiết để gỡ bỏ dần biện pháp hành chính vào thị trường.
Phó Thống đốc cũng cho biết lãi suất sẽ ổn định ở 9%/năm từ bây giờ đến hết năm. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Theo tôi thông điệp của NHNN nhằm kích thích tâm lý vay vốn của các doanh nghiệp. Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận thì còn có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa sẵn sàng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại do họ thấy lãi suất đang có xu hướng hạ nên còn có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm tiếp. Nay NHNN phát đi tín hiệu lãi suất sẽ không giảm tiếp từ giờ đến cuối năm, các doanh nghiệp có ý định vay vốn sẽ sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn vay này hơn để sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên việc cam kết này cũng có rủi ro là nếu lạm phát tiếp tục giảm xuống thấp mà NHNN lại vẫn tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức hiện tại sẽ không hợp lý, nhưng nếu giảm lãi suất theo lạm phát thì lại trái với cam kết đã đưa ra. Điều đó có thể làm giảm độ tin cậy và hiệu quả của những công bố chính sách trong tương lai.
Dù sao thì lãi suất huy động cũng đã giảm, theo ông điều này sẽ có tác động thế nào tới tỷ giá trong thời gian tới?
Có nhiều lý thuyết xác định tỉ giá hối đoái trong nền kinh tế. Một trong những lý thuyết đó là điều kiện ngang bằng lãi suất. Theo lý thuyết này thì lãi suất nội tệ sẽ xấp xỉ bằng với lãi suất ngoại tệ cộng với kì vọng mất giá của đồng nội tệ. Do vậy, khi lãi suất VNĐ hạ sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với ngoại tệ. Tuy nhiên phải thấy mức chênh lệch lãi suất vẫn khoảng 6-7% cùng với tuyên bố tỷ giá không tăng quá 3% đến cuối năm của NHNN thì giữ VND vẫn hấp dẫn hơn. Cùng với đó là kinh tế đang suy giảm, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất lẫn hàng hóa xa xỉ giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể thì tỷ giá khó có biến động nhiều trong ngắn hạn.
Tôi cho rằng với dự trữ ngoại hối hiện tại, cộng với những ưu tiên chính sách kiểm soát lạm phát, thì trong khoảng 1 năm tới tỷ giá khó có thể biến động mạnh, còn sự ổn định trong dài hạn phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô. Nếu thâm hụt ngân sách, lạm phát tiếp tục tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định thì chắc chắn tỷ giá sẽ còn tăng.
Có thực tế là tính đến hết tháng 5 thì tổng phương tiện thanh toán tăng 4,47% nhưng tín dụng chưa có tăng trưởng. Điều này có phải là bất thường?
Cung tiền tăng gần 5% trong khi tín dụng không tăng trưởng cho thấy tiền được bơm ra nhưng không đến được với doanh nghiệp. Điều này khá nguy hiểm. Vậy tiền đi đâu? Cung tiền tăng chủ yếu là NHNN mua vào ngoại tệ. Một phần tiền bơm ra NHNN đã hút về qua phát hành tín phiếu và đấu thầu thị trường mở.
Còn một lượng lớn tiền được các NHTM sử dụng để mua TPCP hoặc TP được CP bảo lãnh. Ước tính từ đầu năm lượng TPCP và TP được CP bảo lãnh phát hành đã đạt 80 ngàn tỷ và sẽ tiếp tục được phát hành tiếp trong nửa cuối năm.
Lượng tiền đó nếu ở lại trong NHTM sẽ tạo ra áp lực phải cho vay ra, buộc các ngân hàng hạ lãi suất để cạnh tranh. Đây là hiện trạng chi tiêu công lấn át đầu tư tư nhân xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển có thâm hụt ngân sách dai dẳng. Hiện tượng này làm chậm lại quá trình giảm lãi suất cho vay của nền kinh tế.
Muốn đưa tiền cho doanh nghiệp thì phải tăng trưởng tín dụng. Nếu để tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 12% thì những tháng còn lại trung bình hệ thống ngân hàng phải bơm ra nền kinh tế khoảng 50 ngàn tỷ đồng. Ông có bình luận gì về con số này?
50 ngàn tỷ/ tháng là quá nhiều và các doanh nghiệp sẽ không thể hấp thụ được. Chính sách điều hành có độ trễ nên nếu bơm vốn ồ ạt thì một thời gian sau lạm phát sẽ trở lại. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ gói kích cầu trước đây và tôi nghĩ rằng NHNN sẽ không thực hiện bơm tiền như vậy.
NHNN chỉ nên kiểm soát tăng trưởng cung tiền hằng năm còn tăng trưởng tín dụng thì nên để NHTM tự quyết. Thông thường thì tăng trưởng cung tiền hằng năm nên xấp xỉ bằng với tăng trưởng GDP (%) + lạm phát (%). Nếu tăng trưởng dự kiến là 5%, lạm phát kỳ vọng là 7% thì tăng trưởng cung tiền M2 không nên vượt quá xa 12%.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại cũng giống như chỉ tiêu về doanh thu của các doanh nghiệp. Mỗi ngân hàng tùy theo điều kiện cụ thể, có đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn hay không, cung cầu tín dụng trên thị trường thế nào, sẽ tự quyết định mức tăng trưởng cho phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét