(Một phiên bản khác trên TBKTSG)
Việc Ngân hàng
nhà nước (NHNN) hạ các mức lãi suất điều hành 1% trong khi mức lạm phát tính
theo năm vẫn ở mức cao, tới 16,44%, có thể xem là hơi sớm. Mặc dù tôi tin rằng
việc NHNN hạ lãi suất lần này không ảnh hưởng đến xu thế giảm lạm phát của nền
kinh tế cho đến hết quí III năm nay, do tốc độ tăng trưởng cung tiền của nền
kinh tế trong năm 2011 ở mức tương đối thấp, nhưng tôi lại e ngại rằng chính
sách này sẽ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ gây ra hiện tượng
lạm phát duy trì ở mức cao, trên dưới 10%, dai dẳng trong vài năm tới.
Bản chất của
chính sách thặt chặt tiền tệ là đẩy lãi suất tín dụng lên cao để hướng dòng tiền
vào những doanh nghiệp, dự án sử dụng vốn hiệu quả, đồng thời tạo sức ép đối với
các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn phải đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý để
nâng cao năng suất, qua đó sẽ sử dụng vốn ít hơn trong tương lai để tạo ra cùng
mức sản lượng. Những doanh nghiệp nào không đổi mới kịp sẽ bị đào thải.
Rõ ràng là khi mới
tiến hành thắt chặt tiền tệ, những doanh nghiệp và dự án thậm vốn trước đây buộc
phải thu hẹp sản xuất, và do đó, khiến cho nền kinh tế bị giảm sản lượng, dẫn đến
giảm tốc độ tăng trưởng. Nhưng sau một thời gian nhất định, nhờ vốn được hướng
vào những doanh nghiệp hiệu quả và nhờ các doanh nghiệp thậm vốn đổi mới sản xuất,
nền kinh tế đã có thể sản xuất được nhiều hàng hoá hơn với lượng vốn ít hơn.
Quá trình này khiến cho tỷ lệ tiết kiệm so với đầu tư trong nền kinh tế ngày càng
tăng lên, và làm cho chi phí vốn giảm đi, khiến cho mặt bằng lãi suất của nền
kinh tế giảm dần. Việc hạ các mức lãi suất chính sách của NHNN trong trường hợp
này chỉ là xác nhận xu hướng của thị trường.
Thường thì các
chính phủ sẽ tranh thủ giai đoạn đẩy lãi suất tín dụng lên cao để thực hiện các
chương trình đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm cải thiện nhanh hơn năng suất
của nền kinh tế. Một chính phủ kiên định đổi mới sẽ đặt các doanh nghiệp vào
tình huống “phải cải cách hay là chết”. Nhưng nếu chính phủ, vì chịu sức ép của
các nhóm lợi ích, yêu cầu ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất trước khi các
chương trình đổi mới, tái cấu trúc kết thúc thì công cuộc đổi mới nền kinh tế sẽ
khó có thể thành công vì các doanh nghiệp mất đi sức ép phải phải đổi mới công
nghệ và phương thức quản lý. Năng suất của nền kinh tế sẽ hầu như không được cải
thiện. Những doanh nghiệp yếu kém tiếp tục
tồn tại và “ngốn” vốn của nền kinh tế.
Theo nhìn nhận của
tôi thì có vẻ như nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào kịch bản sau. NHNN
ra tín hiệu hạ lãi suất của nền kinh tế trong khi các chương trình tái cấu trúc
chưa thực hiện được bao nhiêu. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới chỉ
khởi động, còn quá trình tái cấu trúc khu vực DNNN cũng như đầu tư công vẫn
đang trong quá trình thảo luận, chưa có một động thái rõ ràng nào. Nếu mức lãi
suất của nền kinh tế hạ nhanh, mỗi quí 1%, như thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
tuyên bố, thì các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNN, đang hoạt động
kém hiệu quả sẽ không có động lực đổi mới nữa. Họ sẽ chờ đợi lãi suất hạ để hồi
sinh trở lại. Chương trình cải cách khu vực DNNN sẽ gặp phải khó khăn vì các điểm
yếu bộc lộ trước đó đã bị che lấp trở lại. Khi bị ép phải đổi mới từ bên trên,
các DNNN khi đó sẽ phản ứng lại rằng “tại sao họ phải thay thay đổi khi họ vẫn
hoạt động có lợi nhuận?”
Nếu như các quá
trình tái cấu trúc nền kinh tế bị đình trệ thì Việt Nam sẽ khó có thể có được mức tăng
trưởng cao trong những năm tới. Với mức tăng trưởng chỉ khoảng 5,5% - 6%/năm
trong khi tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2) và tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức 15% - 17% thì mức lạm phát của nền
kinh tế Việt Nam sẽ vẫn quanh quẩn ở mức xấp xỉ 10% chứ khó có thể giảm được xuống
mức 5% và thấp hơn như hầu hết những nuớc có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định
có thể duy trì.
Có lẽ NHNN nên thể
hiện “thái độ” với chính phủ rằng động thái hạ lãi suất tiếp theo sẽ tuỳ thuộc
vào tốc độ thực hiện các chương trình tái cấu trúc hiện nay của chính phủ. Nếu
quá trình tái cấu trúc diễn ra chậm chạp thì NHNN sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng
lãi suất cao hiện tại. Đây không phải là sự gây khó cho nền kinh tế của NHNN mà
là sự thể hiện tính độc lập của NHNN với chính phủ. Chính sách tiền tệ cần hướng
đến sự phát triển ổn định dài hạn của nền kinh tế chứ không phải điều chỉnh trước
sức ép của các nhóm lợi ích hoặc theo các mục tiêu ngắn hạn của chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét