Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Lãi suất giảm nhanh nhưng tín dụng vẫn tắc

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 02.07.2012 - Trong sáu tháng đầu năm, ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm dần các mức lãi suất điều hành và bơm thêm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế. Nhờ vậy, lãi suất huy động đã giảm dần về mức 9%/năm đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất cho vay cũng đã giảm về mức phổ biến 13 – 15%. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định trong biên độ. Tuy nhiên, dù chính sách tiền tệ đã nới lỏng “gấp rút”, lãi suất huy động giảm về 9% ngay trong tháng 6.2012, thay vì đợi đến cuối năm thì dòng tiền trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang bị tắc và chưa thể khơi thông.

Bơm tiền là để giải quyết thanh khoản cho hệ thống ngân hàng

Theo số liệu công bố của NHNN, chỉ trong vòng sáu tháng, NHNN cung ra nền kinh tế khoảng 270.000 tỉ đồng bao gồm 180.000 tỉ đồng mua 9 tỉ USD ngoại tệ, 60.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp nông thôn, và 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ thanh khoản của các NHTM. Cùng với lượng tiền này, NHNN cũng cho vay ra qua thị trường mở thời điểm cao nhất lên tới gần 150.000 tỉ hỗ trợ thanh khoản dịp tết Nguyên đán. Sau giai đoạn này, để tránh nguồn cung tiền dư thừa quá mức, NHNN cũng đã giảm dần lượng tiền cho vay ra qua thị trường mở và phát hành tín phiếu. Đến thời điểm hiện tại, giá trị cho vay qua thị trường mở của NHNN chỉ còn quanh mức 1.000 tỉ đồng, lượng tiền NHNN hút về qua kênh tín phiếu gần 90.000 tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền thực tế mà NHNN đã bơm ra thêm trong sáu tháng qua chỉ ở mức khoảng 180.000 tỉ đồng.

Với lượng tiền bơm ra khá lớn như trên, đặc biệt là 30.000 tỉ đồng cho các NHTM khó khăn thanh khoản (tương đương với vốn điều lệ của mười NHTM nhỏ) thì tình hình thanh khoản của hệ thống NHTM đã có nhiều tín hiệu tích cực. Đây chính là chìa khoá then chốt để hạ mặt bằng lãi suất. Nhờ lượng tiền này, các NHTM nhỏ bị mất thanh khoản đã có thể tham gia trở lại hệ thống NHTM, trả dần khoản vay cho các NHTM khác. Các NHTM nhỏ cũng không cần phải đẩy lãi suất huy động lên cao như trước để đáp ứng cho nhu cầu thanh khoản. Dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng được khơi thông trở lại. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm dần từ mức 16 – 18%/năm vào thời điểm cuối tháng 1.2012, về mức thấp nhất từ 2 – 5% vào cuối tháng 5.2012, và ở mức từ 8 – 10% vào cuối tháng 6.2012. Lãi suất huy động ngắn hạn từ dân cư và các tổ chức kinh tế cũng đã giảm mạnh từ mức 16 – 20% (bao gồm các chi phí huy động khác) về mức 9%.

Song song với việc bơm tiền vào hệ thống NHTM, NHNN cũng hạ dần các mức lãi suất điều hành trên thị trường từ 14 – 15% về dưới 10%. Mục tiêu của NHNN đưa ra từ đầu năm là giảm dần trần lãi suất về 9% đến cuối năm, nhưng thực tế NHNN đã thực hiện việc này chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm nhờ tín hiệu tích cực từ chỉ số CPI giảm mạnh. Vào cuối tuần qua, NHNN đã tiếp tục giảm các mức lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu thêm 1%, áp dụng từ đầu tháng 7.2012. Quá trình giảm các mức lãi suất này giúp giảm bớt chi phí vốn của các NHTM, hỗ trợ quá trình giảm lãi suất của cả hệ thống NHTM.

Lãi suất giảm nhưng tín dụng vẫn chưa được khơi thông

Mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhanh trong quý 2/2012 nhưng dường như dòng tiền lại không chảy ra được nền kinh tế. Với lượng tiền bơm ra khá lớn như trên, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 4.2012 đã tăng 3,14% (khoảng 93.000 tỉ đồng) trong khi tín dụng lại giảm -0,59% (khoảng -15.500 tỉ đồng).

Sự bế tắc trong kênh tín dụng đã khiến cho các NHTM chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP), đảm bảo sinh lời tốt hơn so với kinh doanh liên ngân hàng và gửi tiền tại NHNN. Bất chấp lãi suất TPCP do Kho bạc Nhà nước, do ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát hành giảm mạnh, giá trị trúng thầu lại tăng mạnh. Tổng giá trị TPCP do ba đơn vị này phát hành trong sáu tháng đầu năm là 87.464 tỉ đồng.

Khó khăn trong hoạt động tín dụng là do nợ xấu của cả hệ thống NHTM gia tăng. Theo thống đốc NHNN, nợ xấu hiện tại đã tăng lên mức 10%. Điều này khiến cho nhiều NHTM đứng trước nguy cơ mất vốn nên khó có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay. Việc bơm tiền vào hệ thống NHTM chỉ có ý nghĩa tích cực về mặt đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng này, chứ không hướng đến mục tiêu cho vay. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tín dụng tăng trưởng rất chậm trong sáu tháng đầu năm nay. Mặc dù tín dụng đã có nhiều tín hiệu tích cực tăng trở lại trong các tháng 5 và tháng 6.2012, nhưng dường như mức tăng này không thấm vào đâu so với các năm trước.

Sáu tháng cuối năm: ổn định lãi suất và giải quyết nợ xấu

Mục tiêu của NHNN đưa lãi suất huy động về mặt bằng 9 – 10% cho đến thời điểm này đã đạt được. NHNN cũng đã đưa ra thông điệp giữ ổn định lãi suất 9% cho đến cuối năm. Như vậy, thị trường sẽ khó có thể mong chờ đợi nhiều từ tín hiệu nới lỏng tiếp lãi suất hơn nữa từ phía NHNN. Đây dường như là một điểm mới trong cách điều hành lãi suất của NHNN so với năm 2009, nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát quay trở lại vào thời điểm cuối năm.

Vấn đề quan trọng nhất lúc này là tìm cách khơi thông dòng tín dụng của hệ thống NHTM. Kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ với mục tiêu mua lại 100.000 tỉ đồng nợ xấu của hệ thống NHTM đang được bàn thảo. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ một thông tin cụ thể nào khác về tiến độ thành lập và cách thức mua bán nợ ra sao. Trong khi đó, áp lực tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm đang rất lớn, khi mà GDP Việt Nam chỉ đạt được mức 4,38% trong sáu tháng đầu năm nay. Nếu không nhanh chóng khơi thông dòng tín dụng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với nguy cơ trì trệ kéo dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét