Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Trào lưu sống tùy vào giá trị xã hội

| Lê Ngọc Sơn phỏng vấn |

Nhân dịp Nguyễn Đức Thành nêu ý kiến về văn hóa đại gia, tôi đăng lại ý kiến của tôi trong một bài phỏng vấn với báo Người đô thị về chủ đề tương tự vào khoảng tháng 4.2011.

Khi đi ra phố không khó bắt gặp những chiếc xe đắt tiền nhất thế giới, hay những chiếc túi hàng hiệu giá cả chục ngàn “đô”, thậm chí ăn một bát phở giá cũng có thê đắt nhất thế giới: 35 USD... Hóa ra, quan niệm nhị nguyên (tốt - xấu) không phải lúc nào cũng đủ sức giải mã được hiện thực cuộc sống. Trào lưu này được hiểu thế nào dưới góc nhìn kinh tế học hành vi?
Ai khởi tạo các trào lưu?

.Phóng viên: Dưới góc động kinh tế học, anh bình luận thế  nào về hiện tượng một bộ phận dân chúng thích xài sang?

- ThS Đinh Tuấn Minh: Trước tiên, xét đến vấn đề tiêu dùng, bỏ qua vấn đề về thu nhập. Mỗi người có một thu nhập khác nhau, có một nhu cầu và hành vi tiêu dùng khác nhau. Nếu xét trên khía cạnh đó, việc người ta ăn bát phở 35 USD, hay mua một sợi dây chuyền 10.000 USD hoặc bỏ ra mấy triệu đồng để mua một cái bùa, đôi giày leo núi... là chuyện bình thường. Bởi đơn giản là người ta thích. Có nhiều người, nhìn bên ngoài trông rất bình thường, nhưng bên trong lại xài đồ lót hàng hiệu giá vài trăm USD... Tất cả những cái đó, nếu xét về hành vi kinh tế, thì nó thể hiện cái nhu cầu đa dạng của con người. Mỗi con người có một nhu cầu khác nhau, sở thích khác nhau và người ta sẵn sàng hi sinh cho cái này, bỏ cái kia.

Xét về kinh tế, trong xã hội có các nhu cầu mà nhiều khi người ngoài nhìn vào không hiểu tại sao người ta lại có nhu cầu như vậy. Nhiều người vì tò mò mà học theo, chứ không  phải là nhu cầu thường xuyên. Một nhu cầu theo tôi là vớ vẩn nhất trên đời mà nhiều người không nói tới là nhu cầu... cờ bạc. Ở Mỹ, rất nhiều người tiết kiệm tiền hàng năm trời, vất vả nặng nhọc nhưng cuối cùng họ dành tất cả cho một kỳ nghỉ đến Las Vegas đánh bạc. Cả một thời kỳ ky cóp, dồn nén để dành cho một tuần tiêu tiền. Và rồi họ lại tiếp tục lao đầu vào làm lụng. Như việc đánh đề ở ta chẳng hạn, mỗi ngày người ta đều dành ra một số tiền để đánh đề, mặc dù biết rằng về nguyên lý, đánh đề một thời gian dài thì khả năng thua chắc chắn nhiều hơn thắng, nhưng họ vẫn cứ đánh. Tách ra tất cả những khía cạnh đó, hiểu dưới khía cạnh kinh tế thì đó là nhu cầu cá nhân.

.Nghĩa là trong mỗi các thời điểm khác nhau, xã hội luôn có những trào lưu khác nhau?

-Đúng vậy! Trong một xã hội ở những thời điểm khác nhau, tồn tại trào lưu của xã hội đó. Các trào lưu xã hội đó ảnh hưởng tới sở thích của con người. Ví dụ trong thời kỳ chiến tranh có trào lưu xã hội là ai cũng ăn mặc xấu, ai ăn mặc đẹp là bị nhìn dưới con mắt khác biệt. Càng xấu thì càng hay. Hoặc như trong thời kỳ có trào lưu hiphop thì người ta mặc quần ống rộng, để tóc dài… Đối với bây giờ, thể hiện sự giàu có là một trào lưu. Trước đây người ta thể hiện bằng việc dân chơi phải đi các loại xe máy xịn, làm cho giá các loại xe đó cao vọt. Mặc dù, sau khi hết trào lưu thì giá xe hạ xuống. Các xe đó thể hiện sự sang trọng trong xã hội. Hoặc như chơi golf, hay một thời gian dài thì đồ dùng phải là hàng hiệu…
Vậy là có sự tồn tại của các trào lưu trong xã  hội, những trào lưu đó quyết định xu hướng tiêu dùng. Ở thời điểm đó, một số cái được đánh giá cao hơn, một số cái  được đánh giá thấp hơn. Chẳng hạn ở Mỹ, hiện đang có trào lưu là dân giàu phải xây nhà với việc sử dụng các nguyên liệu và năng lượng mới, không dùng các nguyên liệu và năng lượng truyền thống. Mặc dù giá thành một căn nhà xây lên với giá rất cao nhưng nó thể hiện đẳng cấp, thể hiện rằng anh quan tâm tới môi trường.

.Vậy những trào lưu đó - như xài sang chẳng hạn, đến từ đâu?

-Trào lưu xã hội được dẫn dắt bởi những người gọi là “tinh hoa” (elites) hoặc người trong giới showbiz, văn nghệ sĩ, chính trị gia, những người thành đạt… Tất cả những giới đó có điều kiện để thử nghiệm những cái mới mà người thường không có điều kiện trải nghiệm, hơn nữa, việc thể nghiệm những cái mới đó được họ thể hiện ra bên ngoài.

Trong xã hội, các giới elites có một bầu không khí để điều chỉnh hành vi, có sự phê phán, tranh luận. Khi một ca sĩ hoặc chính trị gia thể hiện cái gì đó quá đà và nó không được chấp nhận thì người ta sẽ dẹp đi và nó không tạo thành trào lưu. Nhưng nếu nó có sự phản ứng, tỏ ra rằng trào lưu đó phù hợp thì nó được dung nạp và khuyếch tán. Chẳng hạn, như bây giờ có mốt về… môi trường, có các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, mọi người thể hiện rằng bảo vệ môi trường là một cái thể hiện đạo đức con người. Ngày xưa thì có trào lưu nghĩa hiệp, ngày nay thì có các hiệp sĩ ra đường bắt cướp bảo vệ dân chúng và được ca ngợi. Bản thân trào lưu này không còn tồn tại ở các nước phương Tây nữa, nhưng vẫn thịnh hành ở ta.

.Nhưng khi những trọc phú  xài sang đóng vai trò tiên phong dẫn dắt các trào lưu thì sẽ rất nguy hiểm, vì người trẻ có thể bắt chước văn hóa tiêu dùng?

-Đó là do họ thuyết phục được người trẻ đi theo mình. Xét trên góc độ kinh tế, để đánh giá xã hội tiêu dùng tốt hay xấu thì không thể đánh giá được. Nếu ai cũng bo bo tiết kiệm thì xã hội không thể phát triển được. Để cả châu Á phát triển được như bây giờ, một nguyên do chính là nhờ người dân Mỹ chi tiêu mạnh tay đó thôi!

“Tiền đâu ?”

.Điều đó có nghĩa là rất khó để nhận xét là với một trào lưu này thì nó xấu hay là tốt…?

-Khởi nguồn của các trào lưu chính là giới tinh hoa. Họ thể hiện những trào lưu đó, và đó cũng là cái xã hội cần. Mình không thể nào phán xét xem cái nào tốt, cái nào xấu, bản thân mình cũng không có cái tiêu chuẩn nào để đánh giá ý thích của mình. Những hành vi của giới tinh hoa tương tác lẫn nhau thông qua những tranh cãi mà cuối cùng người ta cảm nhận được nó hợp lẽ hay không? Có đạo đức hay không? Có tốt hay không? Thì hoàn toàn mang nghĩa chủ quan, không có cơ sở tuyệt đối để đánh giá tất cả cái đó.

.Nhưng nếu giới elites hình thành nên những trào lưu tiêu cực thì sao? Lúc đó ai sẽ nắn chỉnh việc “tạo trào lưu” của họ?

-Một khi đã gọi là giới elites, thì họ là những người đi tiên phong. Cái trào lưu do họ tạo ra thì không thể xác định cái gì tốt hay xấu ngay từ đầu, bởi họ là những người khởi xướng. Bản thân trong giới tinh hoa lại có sự đấu tranh với nhau, nên khó xác lập được chuẩn mực rằng những hành vi của ông này là tốt, hành vi của ông kia là xấu.

Ở thời điểm này, xã hội tồn tại tâm thức hay nền tảng văn hóa hàng nghìn năm. Nó sẽ có tác động đánh giá và chi phối những người đi tiên phong. Anh phá ra khỏi cái xu hướng, phá ra quá mạnh, người ta sẽ bảo anh xấu. Nếu anh đủ mạnh, lái nó theo hướng của anh thì người ta sẽ bảo anh tốt. Tất cả những cái này thuộc về giá trị xã hội, anh có tạo ra được những tác động xã hội và kéo số đông chấp nhận những cái đó hay không.

.Nhìn ở bình diện rộng hơn, sẽ thật chẳng hay ho chút nào nếu chúng ta đặt những sân golf sang trọng trên đồng ruộng của những người nông dân, phía xa xa kia là những người mang tơi ra đồng…?

-Đơn giản khi ta đặt hai thái cực vào với nhau thì tạo ra bức tranh đối lập trong xã hội do sự ghen ghét, đố kỵ. Khi một ông nghèo, một ông giàu nhìn nhau thì dĩ nhiên trong lòng nảy sinh những cái bất ổn.

.Nhìn vào trào lưu xài sang như vậy (chủ yếu ở các đô thị), sẽ có người đặt câu hỏi rằng: Tiền ở đâu ra mà  nhiều vậy? Liệu có công việc nào  ở Việt Nam đem lại nhiều tiền như vậy không?

-Nguồn tiền của một con người đến từ vốn. Vốn gồm có loại vốn đến từ tiền, vốn đến từ tri thức và vốn mặt xã hội (quan hệ xã hội). Trong xã hội, giá trị được đo bằng mối quan hệ. Một khi đã có vốn như vậy thì người ta sẽ dùng vào việc kinh doanh kiếm ra tiền, nếu người ta chớp lấy cơ hội tức khắc, thì tài khoản của họ sẽ nhân theo vốn. Đơn giản là, trong xã hội tồn tại vốn và tồn tại cơ hội. Những người gặp may hoặc họ có tài năng, họ sử dụng vốn của họ vào đúng thời điểm sẽ sinh ra tiền. Điều đó giải thích vấn đề là tại sao có người rất giàu, trong khi những người nghèo thì họ chẳng bao giờ quan tâm đến cơ hội kinh doanh cả. Tất cả là do nhu cầu cả thôi. Tiền lương chúng ta nhận được mỗi tháng chỉ đem lại cái vốn về mặt tiền bạc, tài chính. Nhưng mình có nhận ra được cơ hội kinh doanh để dùng khoản vốn đó đầu tư sinh lời hay không thì lại là một chuyện khác... Đó là nói về việc kiếm tiền một cách “sạch” lý tưởng, nhưng thực tế không phải là những câu chuyện giản đơn...

(Lê Ngọc Sơn thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét