Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Ý kiến về vai trò của DNNN trong Dự thảo Hiến pháp 2013



| Đinh Tuấn Minh |

(Ý kiến trên TBKTSG 17.01.2013)

Hiến pháp của một quốc gia được thiết kế về cơ bản có bốn nội dung. Nội dung thứ nhất là xác lập những quyền mà người dân quốc gia đó đáng được hưởng. Nội dung thứ hai là xác lập những nghĩa vụ mà người dân phải tuân thủ. Nội dung thứ ba là cách thức tổ chức bộ máy nhà nước để bảo vệ những quyền mà người dân được hưởng và cưỡng ép người dân phải thực thi các nghĩa vụ. Vì nhà nước là bộ máy được người dân trao cho quyền lực cưỡng chế để thực thi việc bảo vệ các quyền mà người dân đáng được hưởng cũng như các nghĩa vụ mà người dân phải tuân thủ nên hiến pháp cũng có thêm một phần nội dung nữa là các qui tắc hạn chế lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước làm phương hại đến các quyền của người dân. Có nhiều quốc gia, phần quyền và nghĩa vụ của người dân được tách riêng (Tuyên ngôn về quyền con người) khỏi hiến pháp,  tức hiến pháp chỉ hướng vào các qui tắc tổ chức bộ máy nhà nước và hạn chế sự lạm quyền của nhà nước.


Bản dự thảo Hiến pháp của Việt Nam hiện nay có điều 54 liên quan đến các thành phần kinh tế. Rõ ràng việc bỏ khái niệm “kinh tế nhà nước làm chủ đạo” là một nét tích cực hơn hẳn so với Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, trên quan điểm về thiết kế hiến pháp hướng về xác lập bảo vệ các quyền của người dân, tôi cho rằng điều 54 là không cần thiết. Phần nội dung liên quan đến quyền kinh doanh của người dân đã được thể hiện trong điều 56. Một khi được bảo vệ quyền sở hữu tài sản thì người dân sẽ có quyền hình thành các loại hình doanh nghiệp khác nhau dù bằng cách góp vốn giữa người trong nước với nhau,  giữa người trong nước với người nước ngoài, hay thậm chí góp vốn cùng nhà nước. Các thực thể kinh tế này sẽ hoạt động bình đẳng và cạnh tranh với nhau để phát triển.  

 Nếu muốn đưa vào phần nội dung liên quan đến doanh nghiệp nhà nước thì nên đưa vào điều 59 về ngân sách nhà nước hoặc tách riêng ra thành một khoản mục (tương tự Hiến pháp Singapore có khoản mục 22D về Ngân sách của các công ty nhà nước). Dù theo cách nào, một khi muốn đưa doanh nghiệp nhà nước vào Hiến pháp 2013 thì Hiến pháp phải qui định rõ ràng về nguyên lý vận hành của doanh nghiệp nhà nước để sao cho doanh nghiệp nhà nước không cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, không dẫn đến độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh với dân doanh, và không được làm thất thoát ngân sách của nhà nước. Việc qui định rõ ràng như đề nghị ở trên là điều cần thiết vì doanh nghiệp nhà nước  xét đến cùng vẫn là một cơ quan của nhà nước, và vì vậy, cần có các qui định để ngăn cản nó lạm dụng quyền lực của nhà nước gây phương hại đến các quyền của người dân.

3 nhận xét: