Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

QE3 của Fed và nỗi lo nhập khẩu lạm phát

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 17.09.2012 - Có nhiều dấu hiệu cho thấy CPI của tháng 9 sẽ ở mức cao hơn so với tháng 8. Và với đà tăng của giá dầu thô như hiện tại, khả năng giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng trong tương lai gần là điều có thể dự đoán trước.
Chỉ trong vòng hơn một tuần, cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều lần lượt công bố bơm thêm tiền với quy mô lớn vào nền kinh tế, để hỗ trợ nền kinh tế của từng khu vực vượt qua được giai đoạn trì trệ hiện nay. Ngày 6.9.2012, ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới giúp hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Ngày 13.9.2012, FED đã chính thức công bố chương trình nới lỏng định lượng QE3 với quy mô 40 tỉ USD/tháng, nhưng không giới hạn thời gian. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt bơm tiền tạo nguy cơ giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh. Liệu Việt Nam có đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ thế giới?





Giá hàng hoá đồng loạt tăng mạnh nhờ QE3

Trong gói QE3, FED sẽ giữ mức lãi suất gần 0% cho đến giữa năm 2015 và mua vào 40 tỉ USD trái phiếu mỗi tháng cho đến khi thị trường lao động có những cải thiện bền vững. FED sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist) trước đó. Các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đều đồng loạt tăng điểm mạnh. Chỉ số S&P 500 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 và đạt mức 1.465,77 điểm vào cuối tuần, chỉ số Dow Jones cũng tăng lên mức 13.593,40 điểm và Nasdaq tăng lên mức 3.183,95 điểm. Các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh trong ngày giao dịch cuối tuần trước khi FTSE 100 tăng 1,64% lên 5.915,55 điểm, DAX tăng 1,39% lên 7.412,12 điểm.

Trong tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu sáng sủa, đặc biệt khi kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn còn trì trệ thì hoạt động bơm tiền của ngân hàng trung ương các nước này tiếp tục kích thích đà tăng của giá hàng hoá. Giá vàng tiếp tục tăng lên mức 1.772 USD/oz, mức cao nhất từ cuối tháng 2.2012. Còn giá dầu lên mức 99 USD/thùng, mức cao nhất từ đầu tháng 5.2012. Giá các hàng hóa khác như kim loại, hàng hoá nông sản trên các thị trường giao dịch thế giới hầu hết đều tăng mạnh, đặc biệt nhiều hàng hoá có mức tăng trên 1% trong ngày giao dịch cuối tuần như giá đồng tăng 3,3%, giá bông tăng 3,22%, giá lúa mì tăng 2,74%, giá càphê trên thị trường New York tăng 1,26%...

Lạm phát Việt Nam có thể quay trở lại

Hai lần thực hiện QE1 và QE2 của FED đều khiến cho giá hàng hoá thế giới tăng mạnh khi Fed mua trái phiếu để bơm tiền hỗ trợ kinh tế Mỹ. Giá các hàng hóa trên thế giới trong giai đoạn FED thực hiện QE1 và QE2 đều tăng cao. Tuy nhiên, đến gói QE2.5, giá hàng hoá thế giới có chiều hướng suy giảm. Đó là vì gói QE2.5 không làm tăng thêm lượng cung tiền trong nền kinh tế Mỹ khi FED chỉ thực hiện hoán đổi trái phiếu từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài để hạ thấp mức lãi suất.
Có thể nhận thấy rằng QE1 và QE2 đều có những tác động nhất định đến tình hình kinh tế Việt Nam. Khi QE1 bắt đầu được thực hiện, nền kinh tế thế giới đang rơi vào đại suy giảm nên giá hàng hoá bị sụt giảm mạnh. Đây là thời kỳ thuận lợi giúp cho CPI của Việt Nam cuối năm 2008 giảm mạnh. Nhưng kể từ giữa 2009, giá hàng hoá bắt đầu tăng mạnh trở lại và có ảnh hưởng nhất định tới CPI của Việt Nam. Giá xăng A92 đã tăng mười lần từ mức 11.500 đồng/lít lên 16.300 đồng/lít trong khoảng thời gian từ tháng 4.2009 tới tháng 11.2009. Khi lạm phát năm 2010 có dấu hiệu gia tăng, Chính phủ đã có chính sách bảo hộ giá xăng dầu trong gần suốt cả năm. Nhưng khi QE2 được thực hiện vào tháng 11.2010, giá hàng hoá thế giới bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt là dầu thô. Hệ quả là vào tháng 2.2011, Chính phủ buộc phải tăng mạnh giá xăng A92 từ mức 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít, và sau đó một tháng thì tăng tiếp lên 21.300 đồng/lít. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến CPI tăng mạnh trong nửa đầu năm 2011.

Do vậy, với việc FED tiếp tục cung tiền qua gói QE3 thì Việt Nam sẽ khó có thể tránh khỏi ảnh hưởng nhập khẩu lạm phát khi giá hàng hóa thế giới gia tăng. Tuy FED không đưa ra thời hạn cụ thể cho gói này, nhưng theo giới chuyên gia, với thể trạng tiếp tục yếu kém của nền kinh tế Mỹ như hiện nay thì QE3 chắc chắn sẽ được duy trì trong suốt năm 2013 và có thể lâu hơn.

Chính sách tiền tệ cần thận trọng, tránh nhập khẩu từ lạm phát

Với việc nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chậm trong sáu tháng đầu năm, chính sách tiền tệ đã có phần nới lỏng. Lãi suất huy động đã giảm về mức 9%/năm. Lãi suất cho vay của nhiều khoản vay sản xuất kinh doanh đã ở trong khoảng từ 12 – 15%/năm. Không chỉ giảm lãi suất, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cung thêm một lượng tiền khá lớn vào nền kinh tế để mua ngoại tệ nhưng lượng tiền này gần như chưa có tín hiệu được rút về. Theo những thông tin mới nhất thì dự trữ ngoại tệ hiện nay của Việt Nam đã tăng tới 23 tỉ USD và NHNN vẫn đều đặn mua vào ngoại tệ. Hơn nữa, Chính phủ trong tháng 7 vừa rồi đã đưa ra dấu hiệu tăng mạnh chi tiêu công trong sáu tháng cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, nếu giá hàng hoá tiếp tục tăng trong thời gian tới do hiệu ứng từ gói QE3 của Mỹ thì việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể khiến cho CPI tăng mạnh trở lại. Với việc điều chỉnh giá xăng và giá điện tăng trong tháng 7 và tháng 8, CPI của tháng 8 đã bật tăng mạnh tới 0,63% so với mức âm của hai tháng trước đó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy CPI của tháng 9 sẽ ở mức cao hơn so với tháng 8. Và với đà tăng của giá dầu thô như hiện tại, khả năng giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng trong tương lai gần là điều có thể dự đoán trước.

Không chỉ có vậy, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trở lại trong khi nguồn cung vàng trong nước không đáp ứng được. Đặc biệt, với việc NHNN chưa cho phép nhập khẩu vàng như hiện nay, các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải mua lại vàng trong nước để bù đắp lại trạng thái vàng đã bán trước đó. Để xử lý tình trạng này, NHNN chỉ có thể cho phép nhập khẩu vàng hoặc gia tăng nguồn cung vàng từ các thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường. Dù bằng cách nào thì tỷ giá cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu nhập khẩu vàng tăng cao. Trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc nhập khẩu lạm phát do điều chỉnh tỷ giá.

Do vậy, để có thể đảm bảo được ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, tránh nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài do QE3 thì NHNN nên tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thay vì nới lỏng. Việc điều chỉnh giá xăng dầu, nếu có, phải tránh nguy cơ tăng đột ngột như những năm trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét