Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Thành lập công ty mua bán nợ xấu: điều ắt đến đã đến

| Nguyên Minh Cường |


(SGTT-04.06.2012) Tăng trưởng chậm đi kèm với lạm phát cao đã khiến chính phủ đưa ra các giải pháp tổng thể để hỗ trợ nền kinh tế. Một loạt các giải pháp mới liên quan đến cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được công bố. Tuy vậy, các giải pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn. Cuối cùng thì Ngân hàng nhà nước đã đề xuất giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu của các NHTM với giá trị khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây là điều đã được giới chuyên gia tiên liệu là khó có thể tránh khỏi để khơi thông dòng tín dụng ở Việt Nam.

Nới lỏng tài khóa và tiền tệ: chỉ có tác dụng hỗ trợ tổng cầu ngắn hạn

Đối với các nhóm giải pháp về tài khoá, giãn thuế giúp doanh nghiệp có nguồn vốn ngắn hạn cho sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, đầu tư công sẽ giúp bù đắp một phần sự sụt giảm của tổng cầu. Trong 7 tháng còn lại của năm, Chính phủ sẽ tăng cường giải ngân tiếp 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính thêm 38.000 tỷ đồng Trái phiếu chính phủ và tạm ứng vốn trong năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm, thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Giải ngân đầu tư công bình quân mỗi tháng cuối năm có thể khoảng 25.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức khoảng 14.500 tỷ đồng/tháng đầu năm. Tuy nhiên, đầu tư công dự kiến năm 2012 chỉ tăng khoảng 12,66% so với năm 2011 trong khi đầu tư công năm 2011 lại tăng 25,71% so với năm trước. Thêm vào đó, tạm ứng vốn trước thì sang năm 2013, nguồn vốn đầu tư công cũng sẽ sụt giảm một lượng tương ứng. Do vậy, mức độ tác động của các giải pháp tài khoá đối với nền kinh tế chỉ ở mức độ vừa phải.


 Vốn đầu tư phát triển từ Ngân sách nhà nước qua các năm (tỷ đồng)
Chú thích: 2012*: Vốn đầu tư thực tế đến tháng 5 và vốn đầu tư kế hoạch cho cả năm; Các năm khác: Vốn đầu tư thực tế đến tháng 5 và vốn đầu tư thực tế cả năm
Nguồn: GSO
Cùng với đầu tư công, nhóm giải pháp của chính sách tiền tệ sẽ có thể giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn. Trần lãi suất đã được giảm xuống mức 11% và dự kiến có thể về mức 9%. Khi đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp sẽ có thể giảm xuống khoảng 13 – 15% và đây là mức lãi suất phù hợp để doanh nghiệp cũng như người dân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất là liệu các ngân hàng có chấp nhận rủi ro cao hơn để cho vay ra trong khi nợ xấu cũng như nợ quá hạn đang gia tăng. Nếu các NHTM lựa chọn phương án đảm bảo an toàn, dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế sẽ không thể khơi thông được dù cho doanh nghiệp có muốn vay khi lãi suất giảm. Để giải quyết khó khăn này, NHNN đã cho phép các NHTM được gia hạn nợ cho các khách hàng tốt và dự kiến thành lập doanh nghiệp mua lại nợ xấu của các NHTM.

100.000 tỷ mua nợ xấu có giúp khơi thông dòng chảy tín dụng?

Theo đó, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối của các NHTM, NHNN dự kiến sẽ thành lập công ty mua bán nợ trong hệ thống NHTM với giá trị khoảng 100.000 tỷ đồng. Quá trình mua lại nợ là một quá trình tất yếu diễn ra sau một giai đoạn tín dụng tăng trưởng nhanh làm gia tăng nợ xấu. Không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước khác, để có thể phục hồi được sau giai đoạn khủng hoảng cũng đã phải tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia... Gói mua nợ xấu 100.000 tỷ nếu được thực hiện cũng sẽ tiêu tốn từ khoảng 5% GDP của Việt Nam.

Phí tổn xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ nợ xấu. Theo ADB, trong giai đoạn từ tháng 12.1998 đến tháng 9.2001, tại Indonesia, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 49,2% xuống còn 14,7%. Tại Thái Lan tỷ lệ này giảm từ 45% xuống còn 12,9%, và tại Malaysia, tỷ lệ này giảm từ 13,6% còn 11,7%. Tỷ lệ nợ xấu càng cao thì chi phí xử lý nợ xấu có thể sẽ càng lớn và ngược lại. Thực tế, chính phủ Indonesia đã mất khoảng 50% GDP, Thái Lan 30% GDP, Malaysia tốn 5% GDP cho chi phí xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Tại Việt Nam, nợ xấu đánh giá theo phân loại nợ của NHNN và được NHNN chấp nhận đến cuối năm 2011 là 3,3%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Fitch, nợ xấu thực sự của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở mức cao hơn gấp 4 lần mức công bố, tức là gần 13,2%. Như vậy, mức này tương đương như nợ xấu của Malaysia và chi phí xử lý nợ xấu ở khoảng 5% GDP. Vì vậy, con số 100.000 tỷ đồng đưa ra xử lý nợ xấu có thể tạm thời giải quyết khó khăn nợ xấu gia tăng trước mắt.

Tuy nhiên, nếu so sánh thực sự về hiệu quả thì với gói giải pháp khá lớn của Thái Lan và Indonesia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM đã giảm rất mạnh từ 30 – 35%, còn tỷ lệ nợ xấu của Malaisia chỉ giảm gần 2%. Với Việt Nam, để tỷ lệ nợ xấu có thể giảm về mức một con số thì chi phí xử lý nợ xấu có thể sẽ còn gia tăng them tuỳ theo điều kiện thực tế.

Hoạt động của công ty mua bán nợ xấu nên được tổ chức như thế nào?

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng Việt Nam dự định sẽ được thực hiện bởi công ty mua bán nợ quốc gia. Về mô hình công ty mua lại nợ mà Việt Nam đang hướng đến là một công ty tập trung do nhà nước quản lý thay vì là công ty tư nhân nhằm mua lại nợ xấu của các NHTM. Lợi ích của mô hình hoạt động này sẽ giúp đưa nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng một cách nhanh chóng và chính phủ có thể đưa ra các điều kiện trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động sẽ khó có thể tốt như các công ty tư nhân, đồng thời, nếu quản lý không tốt sẽ có thể dẫn đến những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, các tài sản mà các công ty này mua lại sẽ khó có được thanh khoản so với việc mua lại nợ từ các công ty mua bán nợ tư nhân.

Nguồn vốn của việc tái cơ cấu này có thể từ Chính phủ thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt. Để tránh làm gia tăng nợ công và lạm phát thì chúng tôi cho rằng nguồn trái phiếu đặc biệt này nên được đảm bảo bằng cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Một nguồn tiền khác nữa cũng rất cần thiết để có thể thực hiện quá trình tái cơ cấu hiệu quả là nguồn vốn nước ngoài, đi kèm với đó là những quyền lợi ưu đãi của nhà đầu tư nước ngoài mà Chính phủ đưa ra. Với những nhà đầu tư này, sau khi thực hiện cơ cấu lại nợ xấu sẽ được ưu đãi mua cổ phần của các ngân hàng, của doanh nghiệp sau khi xử lý xong nợ xấu.

Để quá trình trên có thể diễn ra hiệu quả, điều cần nhất lúc này chính là việc thực hiện nhanh chóng, bài bản và hiệu quả. Chính phủ và NHNN nên thành lập ngay một công ty chuyên nghiệp về định giá nợ xấu và thực hiện quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp để thu hồi lại các khoản nợ xấu này trong tương lai. Và tốt nhất, chính phủ nên mời các chuyên gia nước ngoài đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu ngân hàng tại các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia,... tham gia thực hiện quá trình xử lý nợ này. Nếu tiến hành một cách bài bản thì theo kinh nghiệm quốc tế, có thể chỉ cần 3-6 tháng là dòng tín dụng sạch đã có thể được đưa vào nền kinh tế Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét