| F.A. Hayek |
(Đinh Tuấn Minh dịch)
9
Nếu quả thực xu
hướng mạnh mẽ hướng tới việc kiểm soát tập trung tất cả các quá trình xã hội là
kết quả tất yếu của một hướng tiếp cận khăng khăng cho rằng mọi thứ phải được
hoạch định từng li từng tí một và yêu cầu phải chỉ ra một trật tự rõ ràng thì
thực tế cũng sẽ là: Xu hướng này có chiều hướng tạo ra các điều kiện mà không
có gì khác ngoài một chính phủ tập trung tất cả quyền lực với vai trò giữ gìn
trật tự và tạo sự ổn định. Việc tập trung tất cả các quyết định vào tay của cơ
quan cầm quyền tự nó tạo ra một tình trạng mà tại đó, cái cấu trúc mà xã hội
vẫn sở hữu bị chính phủ đè lên trên và các cá nhân biến thành các đơn vị có khả
năng đánh đổi lẫn nhau, không qua các mối quan hệ qua lại bền vững hoặc xác
định nào khác, thay vì đó là những mối quan hệ được quyết định bởi một thứ tổ
chức toàn diện. Loại xã hội này được các nhà xã hội học hiện đại đặt cho cái
biệt ngữ “xã hội đại chúng” (mass society) - một cái tên ít nhiều gây ra hiểu
lầm, bởi vì các thuộc tính đặc trưng của loại xã hội này trở nên bị ảnh hưởng
đơn thuần bởi yếu tố số lượng không phải là do chúng thiếu vắng loại hình thức
cấu trúc tự phát nào đó, mà chủ yếu là do xã hội bị đè nén bởi tổ chức được
thiết kế có chủ đích, một sự bất khả trong việc tự đa dạng hoá, và một sự phụ
thuộc tất yếu vào một quyền lực mà tạo khuôn dạng một cách có chủ đích cho nó.
Xã hội trở nên bị gắn với các con số chỉ chừng nào mà trong các quốc gia rộng
lớn quá trình tập trung hoá nhanh chóng đạt tới điểm mà việc tổ chức có chủ
đích từ bên trên bóp chết các loại hình tổ chức tự phát, các loại hình vốn dựa
trên các mối quan hệ có tính gần gũi và thân mật thay vì những mối quan hệ tồn
tại trong một tổ chức rộng lớn.
Hoàn toàn không
ngạc nhiên là vào thế kỷ XIX, khi những xu hướng tập trung này bắt đầu trở nên
rõ ràng thì nó đã trở thành chủ đề chính mà các triết gia cá nhân chủ nghĩa
chống đối lại. Việc chống đối này cụ thể được ghi nhận trong các trang viết của
hai nhà sử học vĩ đại mà tôi đã nhắc tới, là đại diện xuất sắc của chủ nghĩa cá
nhân chân chính thế kỷ XIX, de Tocqueville và Lord Acton; nó thể hiện sự cảm
thông sâu sắc đối với nhóm các quốc gia nhỏ bé và loại hình tổ chức liên bang
cho các quốc gia rộng lớn. Thậm chí bây giờ vẫn có lý để nghĩ rằng, các quốc
gia nhỏ bé có thể hơn bao giờ hết trở thành những ốc đảo cuối cùng để bảo tồn
một xã hội tự do. Có lẽ đã là quá muộn để chấm dứt thảm họa của việc tập trung
nhanh chóng thành các quốc gia lớn hơn – cách thức tốt cho việc hình thành thứ
xã hội đại chúng mà chế độ chuyên quyền cuối cùng xuất hiện giống như là một
thứ xã hội nô lệ thuần túy. Liệu các quốc gia, thậm chí ngay cả các nước nhỏ,
có thể tránh được tai hoạ này hay không phụ thuộc vào việc liệu họ có thoát
khỏi nọc độc của chủ nghĩa dân tộc, cái vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của
một ham muốn xây dựng một xã hội được tổ chức một cách có chủ ý từ trên xuống.
Việc bàn luận về
thái độ của chủ nghĩa cá nhân đối với chủ nghĩa dân tộc, mà xét trên khía cạnh
học thuật chẳng là gì khác như anh em sinh đôi của chủ nghĩa xã hội, cần có một
bài viết riêng. Ở đây, tôi chỉ muốn chỉ ra rằng: sự khác biệt nền tảng giữa cái
mà ở thế kỷ XIX được nhìn nhận là chủ nghĩa tự do trong cộng đồng nói tiếng Anh
và cái cũng được gọi như thế ở Châu Âu lục địa có quan hệ mật thiết với cội
nguồn của chúng, bắt nguồn tương ứng từ chủ nghĩa cá nhân chân chính và chủ
nghĩa cá nhân giả hiệu duy lý trí luận. Chỉ có một chủ nghĩa tự do duy nhất
theo ngôn ngữ của người Anh, thứ chủ nghĩa tự do mà nói chung đối nghịch với sự
tập trung hoá, với chủ nghĩa dân tộc và với chủ nghĩa xã hội; trong khi đó, thứ
chủ nghĩa tự do phổ biến ở Châu Âu Lục địa lại ủng hộ cho cả ba. Tuy nhiên, tôi
cần phải bổ sung là trong chủ đề này cũng như nhiều chủ đề khác, John Stuart
Mill, (các loại chủ nghĩa tự do của Anh sau này bắt nguồn từ ông ta), chịu ảnh
hưởng của truyền thống Châu Âu lục địa nhiều không kém từ truyền thống của Anh;
và tôi biết không có cách nào làm sáng tỏ hơn về những cái khác nhau có tính
chất nền tảng này bằng phê phán của Lord Acton về sự nhượng bộ mà Mill đã làm
đối với các xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa của chủ nghĩa tự do Châu Âu lục
địa[1].
10
Còn có hai điểm
khác biệt nữa giữa hai loại chủ nghĩa cá nhân, được minh hoạ rõ ràng qua quan
điểm của Lord Acton
và de Tocqueville về dân chủ và bình đẳng đối với các xu hướng thịnh hành trong
thời đại của các ông. Chủ nghĩa cá nhân chân chính không chỉ tin vào dân chủ mà
còn có thể dám tuyên bố là các lý tưởng dân chủ nảy nở từ các nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa cá nhân. Còn nữa, trong khi chủ nghĩa cá nhân khẳng định là tất
cả các chính phủ cần dân chủ thì nó không tỏ một thái độ tín điều vào sự thông
tuệ của các quyết định dựa trên số đông và cụ thể, nó bác bỏ thẳng thừng quan
điểm “quyền lực tuyệt đối, nhờ giả thuyết về việc dựa trên quảng đại quần
chúng, có thể hợp pháp giống như tự do dựa trên hiến pháp”[2].
Nó tin là trong một chế độ dân chủ, nhưng không nằm dưới hơn bất kỳ một hình
thức chính phủ nào, “phạm vi cho mệnh lệnh áp đặt bắt buộc phải hạn chế trong những
khuôn khổ cố định”[3];
và cụ thể, nó chống lại sự nguy hiểm không lường trước được của tất cả các nhận
thức sai lầm hiện tại về dân chủ - niềm tin là chúng ta phải chấp nhận quan
điểm của đa số là đúng và định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Trong
khi dân chủ được biết đến theo thông lệ là quan điểm của đa số quyết định dựa
trên hành động chung thì nó không mang nghĩa là điều mà quan điểm của đa số đưa
ra hôm nay bắt buộc sẽ phải trở thành quan điểm được chấp nhận phổ quát – ngay
cả khi đó là điều cần thiết để đạt được các mục đích của đa số. Ngược lại, việc
xem xét toàn bộ vấn đề dân chủ dựa trên thực tế là, theo thời gian, điều mà
quan điểm của thiểu số ngày hôm nay đưa ra có thể sẽ trở thành quan điểm của đa
số. Thực ra, tôi tin rằng trong những vấn đề quan trọng nhất mà lý thuyết chính
trị phải giải đáp trong thời gian tới đây là tìm ra lằn ranh giới giữa các lĩnh
vực mà các quan điểm của đa số tất yếu phải định hướng cho tất cả mọi người và
các lĩnh vực mà, ngược lại, quan điểm của thiểu số bắt buộc phải được phép phổ
biến nếu nó có thể tạo ra các kết quả làm thoả mãn tốt hơn nhu cầu của công
chúng. Đặc biệt, tôi tin tưởng rằng, khi đề cập tới những tính hữu ích của một
một lĩnh vực kinh doanh cụ thể, quan điểm của đa số sẽ luôn là quan điểm phản
động, tĩnh tại và rằng cái hay của cạnh tranh chính xác là nó cho cho phép
thiểu số cơ hội để phổ biến quan niệm của mình. Nơi nào muốn điều này có thể
diễn ra mà không phải chịu bất kỳ một quyền lực cưỡng bức nào, thì nơi đó cái
quyền này bắt buộc phải luôn ngự trị.
Tôi không thể
tổng kết quan điểm của chủ nghĩa cá nhân chân chính đối với vấn đề dân chủ hay
hơn Lord Acton. Xin được trích dẫn thêm một câu nữa của ông: “Nguyên lý dân chủ
chân chính, theo đó không ai được phép có quyền lực vượt lên trên nhân dân, cần
phải hàm nghĩa là không ai có khả năng ngăn trở hoặc trốn tránh quyền lực của
nhân dân. Nguyên lý dân chủ chân chính, theo đó nhân dân không bị định hướng
phải làm cái mà nhân dân không thích, cần phải hàm nghĩa nhân dân sẽ không bao
giờ bị yêu cầu phải bao dung cho cái mà nhân dân không thích. Nguyên lý dân chủ
chân chính, theo đó ý nguyện của mọi người được giải phóng ở mức cao nhất có
thể, cần phải hàm nghĩa là ý nguyện tự do của một tập thể cần bị giam cầm cho
tới khi tan biến”[4].
Tuy nhiên, khi
chúng ta chuyển sang vấn đề bình đẳng thì cần phải nói ngay rằng những người
theo chủ nghĩa cá nhân chân chính sẽ không phải là những người theo chủ nghĩa
bình đẳng theo nghĩa hiện đại của từ này. Nó không thấy có lý do gì phải cố
gắng làm cho mọi người bình đẳng thay vì đối xử với mọi người một cách bình
đẳng. Trong khi chủ nghĩa cá nhân đối lập một cách sâu sắc với mọi loại đặc ân,
mọi hình thức bảo hộ, dù bằng vũ lực hay luật pháp đối với bất kỳ loại quyền
hạn nào không dựa trên các qui tắc có khả năng áp dụng cho tất cả mọi người thì
nó cũng không đồng ý cho chính phủ có quyền hạn chế cái có thể đạt được nhờ khả
năng hoặc cơ may. Nó cũng đối lập với bất kỳ loại hạn chế cứng nhắc nào đối với
các chức vụ mà các cá nhân có thể đạt được, bất kể quyền lực này được sử dụng
để duy trì sự bất bình đẳng hay để tạo ra sự bình đẳng. Nguyên lý chính của nó
là không có người nào hoặc một nhóm người nào nên được trao cho quyền quyết
định địa vị của người khác là cứ phải thế này hay thế khác và nó xem nguyên lý
này là một điều kiện của tự do, cần thiết đến nỗi nó nhất thiết không được hy
sinh cho sự hài lòng về cảm nhận công bằng hay thói đố kỵ của chúng ta.
Từ quan điểm của
chủ nghĩa cá nhân, sẽ không tồn tại bất kỳ sự phán xử nào khiến cho tất cả các
cá nhân có được cùng mức xuất phát điểm bằng cách ngăn cản họ hưởng lợi từ các
lợi thế mà họ có từ bẩm sinh, chẳng hạn như được sinh ra trong một gia đình có
bố mẹ thông minh hơn hoặc hiểu biết hơn mức trung bình. Thực ra ở đây, chủ
nghĩa cá nhân kém “vị cá nhân” hơn chủ nghĩa xã hội bởi vì nó nhận thức được
gia đình là một đơn vị hợp pháp giống như bất cứ một cá nhân cụ thể nào và điều
này cũng đúng đối với các nhóm khác nhau, như các cộng đồng có chung ngôn ngữ
hoặc tôn giáo, mà qua các nỗ lực chung có thể thành công lâu dài trong việc duy
trì cho các thành viên của họ vật chất hoặc các chuẩn mực đạo đức sự khác biệt
với phần còn lại. De Tocqueville và Lord Acton có cùng một tiếng nói trong vấn
đề này. De Tocqueville viết: “dân chủ và chủ nghĩa xã hội không có cái gì chung
ngoại trừ một từ, bình đẳng. Nhưng cần phải chú ý sự khác biệt: trong khi dân
chủ kiếm tìm bình đẳng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội kiếm tìm bình đẳng
trong gông cùm và nô lệ”[5].
Và Acton hoà chung tiếng nói khi tin rằng “nguyên nhân sâu xa nhất khiến cho
cuộc cách mạng Pháp gây ảnh hưởng tồi tệ tới tự do là lý thuyết bình đẳng của
nó”[6]
và rằng “cơ hội tốt đẹp chưa từng có đối với thế giới đã bị tuột mất, chỉ bởi
vì sự si mê bình đẳng đã che mờ niềm hy vọng tự do”[7].
11
Chúng ta còn có
thể tiếp tục bàn luận thêm nhiều điểm khác biệt nữa giữa hai dòng tư tưởng cùng
mang một cái tên nhưng lại đối lập nhau từ các nguyên lý nền tảng. Nhưng tôi
bắt buộc phải tự kiềm chế để không đi quá xa mục tiêu tìm kiếm nguồn gốc của sự
nhầm lẫn và chỉ ra rằng có một dòng tư tưởng nhất quán, dù bạn có đồng ý với
tôi hay không, đó là chủ nghĩa cá nhân chân chính, mà ở bất kỳ mức độ
nào, là loại chủ nghĩa cá nhân duy nhất mà tôi ra sức bảo vệ và thực sự tôi tin
là loại duy nhất có thể bảo vệ một cách nhất quán. Vì vậy, hãy cho phép tôi kết
luận bằng cách trở lại điều tôi nói đến ngay từ ban đầu: quan điểm nền tảng của
chủ nghĩa cá nhân chân chính là một loại quan điểm khiêm cung đối với các quá
trình mà nhờ đó loài người đã đạt được những cái không được thiết kế hoặc được
nhận thức bởi bất kỳ một cá nhân nào nhưng thực ra lại lớn hơn nhiều những cái
có được từ các bộ óc cá nhân. Câu hỏi lớn ở thời điểm này là: liệu trí tuệ của
con người cần được phép tiếp tục phát triển như là một phần của quá trình này
hay liệu lý trí của con người sẽ phải bó mình vào trong những sợi xích sắt mà
nó tự tạo ra?
Điều mà chủ
nghĩa cá nhân dạy chúng ta là: xã hội lớn hơn nhiều so với một cá nhân cụ thể,
nhưng chỉ trong chừng mực mà ở đấy xã hội có tự do. Khi mà nó vẫn bị kiểm soát
hoặc bị điều khiển thì nó vẫn bị giam cầm trong bàn tay quyền lực của các bộ óc
cá nhân kiểm soát hay điều khiển nó. Nếu sự ngạo mạn của loại trí tuệ hiện đại,
loại không coi trọng bất kỳ cái gì mà không được kiểm soát có chủ ý bởi lý trí
cá nhân, không học được đâu là điểm dừng đúng lúc thì [tương lai của] chúng ta
có lẽ, như Edmund Burke đã cảnh báo, “chắc chắn mọi thứ thuộc về chúng ta sẽ
héo mòn ở những cấp độ khác nhau, cho tới khi các mối quan tâm của chúng ta bị
thu hẹp vào chính những cái khung toan tính của chúng ta”.
(Đăng lần đầu trên www.talawas.org. Bản có chỉnh sửa tới ngày 05.03.2012)
[1] Lord Acton, “Nationality” [Quốc tịch] (1862), in lại trong The History of Freedom [Lịch sử về tự
do], các tr. 270 ‑ 300.
[2] Lord Acton,
“Sir Erskine May's Democracy in Europe ” [Nền
dân chủ ở châu Âu theo quan điểm của ngài Erskine May] (1878), in lại trong The History of Freedom [Lịch sử về tự
do], tr. 78.
[3] Lord Acton, Lectures on Modern History [Những bài
giảng về lịch sử hiện đại] (1906),
tr. 10.
[4] Lord Acton, “Sir Erskine May's Democracy in Europe ”, [Nền dân chủ ở châu Âu theo quan điểm của ngài
Erskine May] in lại trong The History of
Freedom [Lịch sử về tự do], các tr. 93 ‑ 94.
[5] Alexis
de Tocqueville, Oeuvres complètes,
[Tác phẩm toàn tập], IX, 546.
[6] Lord Acton, “Sir
Erskine May's Democracy in Europe ”,[Nền dân
chủ ở châu Âu theo quan điểm của ngài Erskine May] in lại trong The History of Freedom [Lịch sự về tự
do], tr. 88.
[7] Lord Acton, “The History of Freedom in Christianity”
[Lịch sử về tự do trong đạo Thiên Chúa] (1877), in lại trong The History of Freedom [Lịch sử về tự
do], tr. 57.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét