Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Yếu tố đạo đức trong xã hội tự do kinh doanh


| F.A. Hayek |
(Đinh Tuấn Minh dịch)

Hoạt động kinh tế tạo ra các phương tiện vật chất phục vụ mọi mục đích của chúng ta. Hầu hết nỗ lực riêng rẽ của mỗi chúng ta là làm ra các phương tiện phục vụ mục đích của người khác; đổi lại, ta sẽ nhận được các phương tiện tạo ra bởi họ để phục vụ các mục đích của mình. Chỉ bởi vì chúng ta được tự do lựa chọn các phương tiện nên chúng ta mới được tự do lựa chọn mục đích.

Tự do kinh tế do vậy là một điều kiện không thể thiếu để có các tự do khác, và tự do kinh doanh vừa là điều kiện cần vừa là hệ quả của tự do cá nhân. Do vậy, khi bàn về chủ đề “yếu tố đạo đức trong tự do kinh doanh”, bên cạnh các vấn đề đời sống kinh tế tôi còn để cập đến cả các mối quan hệ rộng hơn giữa tự do và đức hạnh.


Khái niệm tự do được sử dụng ở đây là tự do theo truyền thống Anglo-Saxon, có nghĩa là sự độc lập khỏi ý chí độc đoán của người khác. Đây là khái niệm cổ điển về tự do theo luật, một trạng thái tại đó một người có thể bị cưỡng chế chỉ khi sự cưỡng chế được tuân thủ theo các qui tắc pháp trị chung, bình đẳng áp dụng cho tất cả, chứ không phải bởi quyết định tùy ý của chính quyền.

Mối quan hệ giữa tự do và các giá trị đạo đức là tương hỗ và phức tạp. Do đó, tôi sẽ chỉ phác qua một số điểm quan trọng nhất của mối quan hệ này.

 Một mặt, theo một phát kiến đã biết từ lâu, đức hạnh và các giá trị đạo đức chỉ thăng tiến trong một môi trường tự do, và vì thế, các chuẩn mực đạo đức của con người và các tầng lớp xã hội nói chung chỉ cao khi họ thực sự được hưởng tự do trong một thời gian dài – mức độ cao thấp của chuẩn mực đạo đức tỷ lệ với mức độ tự do mà con người có được.  Mặt khác, cũng theo một đúc kết từ lâu đời thì một xã hội tự do sẽ vận hành tốt khi hành động tự do được dẫn dắt bởi những đức tin mạnh mẽ; tức là, chúng ta sẽ vui hưởng toàn bộ lợi ích của tự do chỉ khi tự do được tạo lập trên một nền tảng vững vàng. Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng nếu muốn tự do đem lại nhiều lợi ích cho con người thì không những cần phải có các chuẩn mực đạo đức cao mà còn phải là các chuẩn mực đạo đức thuộc về một loại cụ thể; còn nếu dựa trên các chuẩn mực đạo đức chung chung thì trong một xã hội tự do chúng sẽ bành chướng, làm hủy hoại tự do và nền tảng của toàn bộ các giá trị đạo đức.

Những chân lý bị lãng quên

Trước khi trở lại luận điểm tương đối khó nắm bắt trên, tôi muốn đề cập ngắn gọn hai chân lý kinh điển dù rất quen thuộc nhưng lại bị lãng quên. Trước hết, tự do là chất nền không thể thiếu để nuôi dưỡng các giá trị đạo đức phát triển, tức tự do không đơn thuần là một giá trị mà là cái nôi của mọi giá trị.  Đây là một chân lý gần như hiển nhiên. Chỉ ở nơi cá nhân được tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình thì anh ta mới có điều kiện để khẳng định các giá trị hiện có, để đóng góp và thúc đẩy  sự phát triển của các giá trị trong tương lai, và để nâng cao phẩm chất đạo đức. Sự tuân lệnh chỉ có giá trị đạo đức khi có hiện diện của tự do lựa chọn; và nó sẽ chẳng có giá trị đạo đức gì nếu là do bị cưỡng bức. Cảm nhận đạo đức của chúng ta được hình thành chính xác từ việc  sắp đặt thứ bậc cho các mục đích khác nhau của chúng ta. Mỗi khi áp dụng các qui tắc đạo đức tổng quát cho các tình huống cụ thể mỗi cá nhân luôn phải tỉnh thức để diễn giải các nguyên tắc chung đó. Và mỗi lần làm như vậy, anh ta đã tạo ra những giá trị cụ thể.

Có một thực tế mà tôi không có thời gian thảo luận kỹ. Đó là việc các xã hội tự do không chỉ về cơ bản là một xã hội tuân thủ luật pháp; trong thời đại ngày nay, chúng cũng là cái nôi của tất cả các phong trào nhân bản rộng khắp hướng đến việc chủ động hỗ trợ những người nghèo khổ, ốm yếu, và thân cô thế cô. Những xã hội phi tự do thì ngược lại. Chúng thường sản sinh ra thái độ bất tuân luật pháp, thái độ vô cảm trước khổ đau của thiên hạ, và thậm chí đồng lõa với hành vi bạo ngược.

Giờ tôi phải chuyển sang mặt kia của tấm huy chương. Hiển nhiên là các thành quả mà tự do đem lại còn phụ thuộc vào các giá trị mà các cá nhân tự do theo đuổi.  Ta không thể khăng khăng tuyên bố được rằng một xã hội tự do sẽ luôn luôn và tất yếu thúc đẩy sự phát triển các giá trị mà chúng ta ưng thuận. Thậm chí, như chúng ta sẽ thấy, chúng ta cũng không thể dám chắc được rằng xã hội tự do sẽ nuôi dưỡng các giá trị tương thích với việc gìn giữ tự do. Tất cả những điều chúng ta có thể tuyên bố là: các giá trị mà chúng ta có là sản phẩm của tự do; cụ thể hơn, các giá trị Kito giáo đã tự khẳng định mình qua những con người đã chống chọi thành công sự cưỡng bức của chính phủ; và mong ước theo đuổi những đức tin của mỗi người mới chính là công cụ tân tiến bảo vệ cho tự do cá nhân của chúng ta. Có lẽ chúng ta nên bổ sung thêm một ý nữa. Đó là chỉ các xã hội mà nuôi dưỡng các giá trị đạo đức về cơ bản tương tự như của chính chúng ta thì mới tiếp tục tồn tại như là những xã hội tự do, còn ở những xã hội khác thì tự do bị tàn lụi.

Đây là những lý lẽ có trọng lượng giải thích tại sao điều quan trọng nhất đối với một xã hội tự do là nó phải dựa trên những đức tin vững chắc và tại sao để gìn giữ tự do đức hạnh thì chúng ta phải nỗ lực hết mình để lan tỏa các đức tin phù hợp. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là quan niệm sai lầm rằng con người trước tiên phải sống có đức hạnh trước khi họ có thể được hưởng quyền tự do.

Đúng là một xã hội tự do nhưng thiếu một nền tảng đạo đức vững chãi sẽ là một xã hội khiến chúng ta cảm thấy không thỏa mái khi sống ở đó. Nhưng đấy vẫn là xã hội tốt đẹp hơn một xã hội mà không có tự do và phi đạo đức; và chí ít nó vẫn cho chúng ta hy vọng về sự xuất hiện từ từ của các đức tin mà một xã hội phi tự do sẽ ngăn cản. Về điểm này, tôi rất không đồng ý với John Stuart Mills khi ông cho rằng với những ai chưa có năng lực tự hoàn thiện bản thân bằng đức tin và tín ngưỡng thì “chẳng có gì cho họ ngoài việc mặc nhiên phải phục tùng một Akbar hay Charlemagne (một vị minh quân – ND), nếu may mắn họ tìm thấy một người”. Về điểm này thì tôi tin T.B. Macaulay đã thông thái hơn hẳn lối suy nghĩ truyền thống trước đó khi ông viết “nhiều chính trị gia trong thời đại chúng ta có thói quen coi một mệnh như sau là hiển nhiên: không ai được quyền tự do cho tới khi họ xứng đáng được sử dụng tự do của mình. Câu cách ngôn có giá trị chỉ với kẻ ngốc trong câu chuyện cổ, rằng kẻ kiên định (resolved) sẽ không nhảy xuống nước cho tới chừng nào anh ta biết bơi. Nếu con người chờ đợi hưởng tự do cho tới khi họ trở nên thông minh và đức hạnh, họ sẽ đợi cho đến hết đời”.

Lựa chọn cơ sở đạo đức

Giờ là lúc tôi chuyển sang các vấn đề gây tranh cãi hơn sau khi thuần túy nhắc lại những lời hay ý đẹp của cha ông. Tôi đã nói rằng tự do, để phát huy tác dụng, đòi hỏi không chỉ sự tồn tại của đức tin vững chãi mà cả sự chấp nhận các quan điểm đạo đức cụ thể. Nhưng khi nói thế tôi không hàm ý rằng trong một chừng mực nhất định chúng ta có thể cân nhắc các nguyên lý vị công lợi để tác động làm thay đổi các quan điểm đạo đức về các vấn đề cụ thể. Tôi cũng không có ý cho rằng, như Edwin Cannan phát biểu, “trong hai nguyên lý Bình đẳng và Kinh tế, Bình đẳng rốt cục luôn là nguyên lý yếu thế hơn… Phán xét của loài người về cái gì là bình đẳng luôn có xu hướng thay đổi, và… nguyên nhân chính của sự thay đổi này là con người liên tục phát hiện ra rằng cái điều từng được coi là thực sự công bằng và bình đẳng trong một vấn đề cụ thể nào đó là, hoặc có lẽ luôn luôn thế, thứ phi kinh tế.”

Phát biểu trên của tôi cũng mang một chân giá trị và có ý nghĩa quan trọng, mặc dù không phải tất cả mọi người đều đồng tình. Thực ra, tôi quan tâm đến những quan niệm tổng quát hơn, những thứ mà tôi coi là điều kiện không thể thiếu của một xã hội tự do và nếu thiếu thì nó không thể tiếp tục tồn tại được. Với tôi có hai nguyên lý tổng quát như vậy. Đó là niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và chấp nhận thể chế công bằng sau: thể chế cho phép cá nhân hưởng phần thưởng vật chất tương ứng với giá trị của các dịch vụ cụ thể mà anh ta cấp cho đồng loại của mình chứ không phải tương ứng với mức độ kính trọng mà anh ta nhận được từ phẩm chất đạo đức của mình.

Trách nhiệm cá nhân

Tôi buộc phải đi lướt nguyên lý đầu tiên, dù rất không muốn. Quá trình phát triển hiện đại là một phần của câu chuyện giá trị đạo đức bị phá hủy bởi lỗi lầm khoa học. Đây là vấn đề tôi thực sự quan tâm trong thời gian gần đây. Và với một học giả quan tâm đến thời cuộc thì đây là một chủ đề quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng tôi chỉ nói ngắn gọn một vài dòng về chủ đề này.

Những xã hội tự do luôn là những xã hội tại đó niềm tin vào trách nhiệm cá nhân được giữ vững. Chúng cho phép các cá nhân hành động dựa trên hiểu biết và niềm tin của chính họ và thừa nhận các thành quả đạt được từ các hành động của họ. Mục đích là khiến mọi ngưởi thấy hữu ích khi hành động một cách duy lý và thuyết phục họ rằng cái mà họ đạt được chủ yếu phụ thuộc vào chính họ. Rõ ràng là niềm tin cuối này không phải hoàn toàn đúng, nhưng thực sự nó đã thúc đẩy mạnh mẽ tính chủ động sáng tạo và cả khả năng phát hiện cơ hội.

Với việc con người ngày càng hiểu biết về các loại nguyên nhân ảnh hưởng đến các hiện tượng nói chung và hành động con người nói riêng, người ta bắt đầu nghĩ rằng niềm tin vào trách nhiệm cá nhân này đã trở nên lỗi thời. Đây là một nhìn nhận sai và cần được minh định. Có thể đúng là chúng ta ngày càng hiểu biết hơn về các loại hoàn cảnh ảnh hưởng tới hành vi con người – nhưng chỉ đến vậy mà thôi. Hiển nhiên chúng ta không thể nói rằng một hành động có chủ đích cụ thể của bất kỳ một người nào là kết quả tất yếu của các hoàn cảnh cụ thể mà chúng ta có thể xác định – tức bỏ qua cá tính tích lũy từ thủa ấu thơ của anh ta. Dựa trên kiến thức tổng hợp về những yếu tố ảnh hưởng đến hành động con người chúng ta đưa ra lời ngợi ca và trách móc; chúng ta làm thế để khiến mọi người hành động theo chiều hướng mong muốn. Chính dựa trên quyết định luận hạn chế (limited determinism) – ở mức nhiều nhất mà kiến thức của chúng ta có thể biện minh trên thực tế – mà niềm tin về trách nhiệm cá nhân được hình thành. Còn nếu chỉ căn cứ vào tư biện siêu hình tách khỏi chuỗi phân tích nhân quả thì người ta mới có thể biện minh cho nhận định bác bỏ đòi hỏi cá nhân phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình.

Áp lực của dư luận

Áp lực của dự luận khiến mọi người để ý đến các luật chơi. Đây là phương tiện chính yếu giúp duy trì hành vi ứng xử đúng đắn trong xã hội. Dù thế, nó đã bị những nguỵ biện thô thiển mang màu sắc khoa học phản đối và đánh phá. Và thái độ thù địch này đã bị đặt dầu chấm hết như là một Huyền thoại về chứng bệnh tinh thần (Myth of Mental Illness) do nhà phân tâm học nổi tiếng, bác sĩ T.S. Szasz, viết một cách trau chuốt trong cuốn sách cùng tên. Có lẽ chúng ta đã không tìm ra được cách thức tốt nhất để dạy mọi người sống theo luật lệ, thứ vốn giúp cuộc sống của họ và bè bạn trở nên đỡ khắc nghiệt hơn. Nhưng với trình độ nhận thức như của chúng ta hiện nay tôi tin rằng chúng ta sẽ không thể xây dựng thành công được một xã hội tự do nếu thiếu đi áp lực cổ vũ và chê bai, khiến các cá nhân phải chịu trách nhiệm cho hành vi ứng xử của mình và cũng khiến anh ta phải gánh chịu các hậu quả, thậm chí cả của sai lầm do vô tình.

Trong một xã hội tự do, sự kính trọng mà một cá nhân nhận được từ cộng đồng phụ thuộc vào mức độ tuân thủ qui tắc đạo đức của anh ta. Bên cạnh nguyên lý đó, còn có một nguyên lý tối quan trọng khác đối với một xã hội tự do là cần tách biệt phần thưởng vật chất khỏi các ý kiến của cộng đồng về phẩm chất đạo đức của anh ta. Phần thưởng vật chất phải dựa trên giá trị mà cộng đồng trả cho các dịch vụ cụ thể mà anh ta cung cấp. Điều này đưa tôi đến điểm quan trọng thứ hai: quan niệm về công bằng xã hội mà phải phổ biến để duy trì một xã hội tự do. Đây là điểm mà những người bảo vệ một xã hội tự do và những người cổ vũ cho một hệ thống dựa trên chủ nghĩa tập thể chia rẽ nhất. Và về điểm này, trong khi những người cổ vũ cho khái niệm xã hội chủ nghĩa về công bằng phân phối thường nói toạc luôn quan điểm của mình thì những người giữ quan điểm tự do lại thường ngần ngại bày tỏ thẳng thắn nội dung lý tưởng của họ.

Tại sao tự do?

Lý do rất đơn giản là: chúng ta muốn cá nhân tự do bởi vì chỉ nếu anh ta quyết định cái gì phải làm thì anh ta mới có thể sử dụng tổng hợp tất cả thông tin, kỹ năng, và năng lực mà không ai có thể thực sự biết. Để tạo điều kiện cho cá nhân phát huy hết khả năng của mình chúng ta cũng phải cho phép anh ta hành động dựa trên các tính toán của chính mình về vô số cơ hội và khả năng. Do chúng ta không biết anh ta thực sự biết gì, chúng ta không thể minh định các quyết định của anh ta; chúng ta cũng không thể biết liệu sự thành công hay thất bại của anh ta là do nỗ lực và khả năng tiên đoán của anh ta hay do yếu tố may mắn. Nói cách khác, chúng ta phải nhìn vào các kết quả, chứ không phải vào ý định hoặc động cơ, và để cho phép anh ta hành động dựa trên hiểu biết của mình thì chúng ta cũng phải cho phép anh ta được hưởng cái mà cộng đồng sẵn sàng trả cho anh ta các dịch vụ mà anh ta cung ứng, bất kể liệu chúng ta nghĩ phần thưởng đó là tương ứng với phẩm chất đạo đức của anh ta hoặc sự kính trọng mà chúng ta dành cho anh ta.

Khoản thù lao trả tương ứng theo giá trị của các dịch vụ ai đó cung cấp dứt khoát khác hẳn cái chúng ta đánh giá về phẩm chất đạo đức của anh ta. Tôi tin rằng đây là căn nguyên chính khiến người ta bất mãn với hệ thống kinh tế tự do và quay sang ủng hộ cho “công bằng phân phối”. Sự khác biệt giữa một bên là phần thưởng đạo đức và sự kính trọng mà một người có được từ các hành động của mình và bên kia là giá trị các dịch vụ mà chúng ta trả cho anh ta là điều thật khó bác bỏ. Chúng ta tự đặt mình vào một vị trí hoàn toàn sai nếu chúng ta cố gắng bưng bít hoặc che dấu thực tế này.

Phần thưởng vật chất

 Với tôi thì một trong những phẩm tính tuyệt vời nhất của xã hội tự do là việc phần thưởng vật chất không phụ thuộc vào ý thích cá nhân hay sự kính trọng mà đa số người trong cộn đồng giành cho chúng ta. Điều này có nghĩa là, chừng nào chúng ta còn chưa đi quá các qui tắc được xã hội chấp nhận thì áp lực đạo đức đến với chúng ta chỉ từ sự kính trọng của những người mà bản thân chúng ta quí trọng, chứ không phải từ phần thưởng vật chất do một cơ quan xã hội phân bổ. Điều cốt yếu của một xã hội tự do chính là chúng ta phải được bù đắp về mặt vật chất cho việc cung cấp những cái mà những người khác muốn chứ không phải cho việc thực hiện những thứ mà họ ra lệnh cho chúng ta. Tất nhiên chúng ta nên hành xử với thái độ tôn trọng họ. Nhưng chúng ta tự do bởi vì các nỗ lực hàng ngày của chúng ta có thành công hay không không phụ thuộc vào việc những người cụ thể có thích chúng ta, hoặc các nguyên lý của chúng ta, hoặc tôn giáo của chúng ta, hoặc phong tục của chúng ta hay không; và chúng ta tự do bởi vì chúng ta có thể quyết định liệu mức bù đắp vật chất mà những người khác phải trả cho các dịch vụ của chúng ta có thực sự thỏa đáng khiến chúng ta phải cung cấp chúng.

Hiếm khi chúng ta biết liệu một ý tưởng tuyệt vời đem lại lợi ích to lớn cho đồng loại mà một người bất chợt nhận ra là kết quả của nhiều năm nỗ lực và đầu tư tiền của, hay liệu đó là một cảm hứng bất chợt có được từ sự kết hợp ngẫu nhiên từ tri thức và hoàn cảnh. Nhưng chúng ta biết rằng, nếu là trường hợp đầu thì không đáng để gánh chịu rủi ro nếu người khám phá không được phép hưởng lợi. Và vì chúng ta không biết cách phân biệt trường hợp này với trường hợp kia nên chúng ta cũng phải cho phép một người được hưởng thành quả ngay cả khi anh ta gặp may.

Phẩm chất đạo đức của một người

Tôi không muốn phủ nhận, mà thực ra tôi muốn nhận mạnh, rằng trong xã hội của chúng ta, được kính trọng về nhân cách và thành công vật chất có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Nhưng chúng ta phải ý thức được rằng việc chúng ta thừa nhận ai đó xứng đáng được hưởng phần thưởng vật chất cao không đồng nghĩa với việc tôn kính anh ta. Và, dù chúng ta thường nhầm lẫn về điểm này thì không có nghĩa rằng sự nhầm lẫn giữa phần thưởng vật chất và sự tôn kính giành cho ai đó ta là kết quả tất yếu của hệ thống tự do kinh doanh – hoặc không có nghĩa là nói chung hệ thống tự do kinh doanh là duy vật chất hơn các hệ thống xã hội khác. Thực ra đối với tôi thì, xét trên nhiều khía cạnh, hệ thống tự do kinh doanh lại kém duy vật chất hơn.

Trên thực tế, tự do kinh doanh đã thúc đẩy phát triển chỉ một kiểu xã hội mà cho phép cá nhân tự do lựa chọn giữa phần thưởng vật chất và phi vật chất trong khi vẫn chu cấp cho chúng ta lượng phương tiện vật chất gấp bội, nếu đấy là cái chúng ta mong muốn nhất. Sự nhầm lẫn mà tôi nói tới – giữa giá trị mà các dịch vụ của một người cấp cho đồng loại và sự kính trọng mà anh ta có được từ phẩm chất đạo đức của mình – hoàn toàn có thể làm cho một xã hội tự do kinh doanh trở thành duy vật chất. Nhưng để ngăn chặn xu hướng này thì chúng ta tất nhiên không cần đến phương thức đòi hỏi phải có sự kiểm soát tất cả các phương tiện vật chất bởi một cơ quan chỉ huy duy nhất, không cần phương thức khiến việc phân phối hàng hóa vật chất trở thành mối ưu tư chính của cộng đồng và khiến chính trị và kinh tế lẫn lộn với nhau không cách nào gỡ ra được.

Nhiều cơ sở để phán xét

Chí ít là một xã hội tự do kinh doanh dễ trở thành một xã hội đa nguyên không dựa trên một hệ thống thứ bậc duy nhất nào. Đó là nơi dựa trên nhiều nguyên lý khác nhau để hình thành sự tôn kính; nơi mà sự thành công trên phạm vi toàn cầu không phải là một bằng chứng duy nhất hoặc được coi như là một bằng chứng mặc nhiên của phẩm giá cá nhân. Đúng là có hiện tượng vào các thời kỳ có sự tăng trưởng nhanh về của cải, khiến nhiều người lần đầu tiên được hưởng lợi từ sự thịnh vượng, người ta thường có xu hướng quan tâm nhiều hơn đối với tiến bộ vật chất. Trước khi Châu Âu trỗi dậy, nhiều thành viên thuộc các tầng lớp phong lưu ở đó đã dè bỉu những giai đoạn kinh tế tương đối thịnh vượng là quá duy vật chất dù rằng đó là những thời kỳ họ có được tiện nghi vật chất giúp họ dễ dàng hướng cuộc sống của mình vào những mục tiêu khác.

Tiến bộ văn hóa theo sau

Những thời kỳ văn hóa phát triển rực rỡ và sáng tạo thường xuất hiện sau, thay vì đồng thời, với những thời kỳ gia tăng nhanh về của cải vật chất. Theo tôi thì điều này không phải là một chỉ dấu rằng một xã hội tự do phải bị chi phối bởi các ưu tư vật chất. Đó là chỉ dấu cho thấy nhờ có tự do nên chính bầu không khí đạo đức cởi mở, chính các giá trị mà mọi người nắm giữ, sẽ tạo ra định hướng chủ đạo cho các hành động của họ. Các cá nhân cũng như cộng đồng, khi họ cảm thấy rằng những thứ khác trở nên quan trọng hơn lợi ích vật chất, có thể chuyển sang những hướng phát triển đó. Tất nhiên, điều khiến chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi trở nên quá duy vật chất không phải đến từ nỗ lực làm cho phần thưởng vật chất tương ứng với phẩm chất đạo đức, mà là nhờ việc chúng ta tự nhận ra rằng có những mục tiêu khác trọng hơn thành công vật chất.

Nếu ai đó đổi lỗi cho một hệ thống xã hội là quá duy vật chất bởi vì nó để cho cá nhân quyết định liệu anh ta thích lợi ích vật chất hay là những thứ cao cả khác thay vì xác định trước cho anh ta, thì chắc hẳn đó là một lời qui kết thiếu cân nhắc. Thực ra việc trở thành người duy tâm sẽ chẳng nâng thêm nhiều phẩm giá nếu như để theo đuổi những mục tiêu duy tâm đòi hỏi phải có những phương tiện vật chất mà phải được cung phụng bởi những người khác. Chỉ khi một người có thể tự lựa chọn hy sinh vật chất để đạt mục tiêu phi vật chất thì anh ta mới xứng đáng được kính trọng. Đòi hỏi hạn chế sự lựa chọn và hạn chế yêu cầu phải hy sinh cá nhân thực sự không phải là con đường duy tâm.

Tôi phải nói rằng, dưới mọi góc độ, bầu không khí của Nhà nước phúc lợi tiên tiến có hơi hướng duy vật chất hơn rất nhiều so với bầu không khí của xã hội tự do kinh doanh. Nếu xã hội tự do kinh doanh tạo cho cá nhân khoảng không gian rộng lớn hơn để phục vụ đồng loại của mình bằng cách theo đuổi các mục đích thuần túy duy vật chất thì nó cũng cho họ cơ hội để theo đuổi bất kỳ mục đích nào mà họ coi là quan trọng hơn. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng duy tâm hóa thuần túy một mục tiêu nào đó là điều đáng ngờ bất cứ khi nào phương tiện vật chất cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó phải được tạo ra bởi người khác.

Phương tiện và mục đích

Để kết luận, tôi muốn quay lại điểm xuất phát ban đầu. Khi chúng ta bảo vệ hệ thống tự do kinh doanh chúng ta phải luôn nhớ rằng nó chỉ giải quyết vấn đề phương tiện. Chúng ta làm gì với tự do của chúng ta là việc của chúng ta. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa hiệu năng của phương tiện với các mục đích mà chúng đáp ứng. Một xã hội mà không có tiêu chuẩn khác ngoài tiêu chí hiệu năng thì thực ra sẽ làm phí phạm hiệu năng đó. Nếu con người được tự do sử dụng các kỹ năng của mình để cung cấp cho chúng ta các phương tiện chúng ta muốn, chúng ta phải bù đắp cho họ tương ứng với giá trị mà những phương tiện này giúp chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta chỉ kính trọng họ ở mức tương ứng với độ hữu dụng mà họ làm ra các phương tiện từ chính cái họ có.

Chúng ta khuyến khích mọi người làm điều tốt cho người khác bằng mọi phương tiện, nhưng đừng có nhầm lẫn điều này với tầm quan trọng của các mục đích mà con người thực sự hướng đến. Đó chính là sự kỳ vĩ của hệ thống kinh doanh tự do khiến cho mỗi cá nhân trong khi phục vụ đồng loại của mình vẫn có thể theo đuổi được các mục đích của mình. Nhưng bản thân hệ thống chỉ là phương tiện, và những khả năng vô hạn của nó phải được sử dụng để phục vụ cho những mục đích tách rời.

(Nguồn: F.A. Hayek, “The Moral Element in Free Enterprise”, Freeman, Tháng 7-1962.)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét