(Bài viết trên SGTT)
SGTT.VN - Làm thế nào để huy động số vàng lên tới 300 – 500 tấn trong dân để phục vụ phát triển kinh tế? Tôi cho rằng để lượng vàng này trở nên có hiệu quả thì điều quan trọng là phải tách hoạt động kinh doanh vàng vật chất ra khỏi hoạt động đầu cơ giá vàng.
Hiện tại phần lớn người dân Việt Nam mua vàng là để đầu cơ giá vàng. Tuy nhiên, do không được kinh doanh vàng tài khoản cũng như chưa có chứng chỉ vàng nên việc đầu cơ giá vàng của người dân buộc phải thực hiện thông qua việc trao đổi lượng vàng vật chất tương ứng với các cửa hàng trung gian.
Quá trình trao đổi vàng vật chất qua lại này không những làm tăng chi phí giao dịch cho những người đầu cơ, mà còn khiến cho hoạt động đầu cơ vàng gắn với dòng dịch chuyển ngoại tệ khi có dòng vàng vật chất chuyển dịch vào và ra khỏi biên giới Việt Nam.
Để loại bỏ ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ giá vàng khỏi dòng chảy của vàng vật chất, thì NHNN nên nhanh chóng phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia. Chứng chỉ vàng cần được đảm bảo 100% bằng vàng vật chất trong các kho vàng quốc gia. Mỗi chứng chỉ vàng sẽ có một mã số tương ứng với một mã số của lượng vàng thật trong kho. Mỗi khi NHNN nhập một lượng vàng vào kho thì đồng thời nó sẽ phát hành một chứng chỉ vàng tương ứng. Và ngược lại, mỗi khi NHNN xuất một lượng vàng vật chất khỏi kho thì sẽ thu lại một chứng chỉ tương ứng. Cần có một đạo luật để đảm bảo rằng NHNN sẽ phát hành số lượng chứng chỉ vàng chính xác bằng số vàng thực sự có trong kho.
Các đơn vị chế tác và kinh doanh vàng trang sức hay sử dụng vàng vào mục đích công nghiệp, bất cứ khi nào cần có thể mang chứng chỉ vàng ra các kho vàng quốc gia để đổi lấy vàng vật chất. Tương tự, lượng vàng vật chất có được từ khai thác mỏ hoặc tái chế lại từ vàng trang sức hoặc chất thải công nghiệp, có thể được các cơ sở này bán lại cho các kho vàng quốc gia để đổi lấy các chứng chỉ vàng tương ứng. Hoạt động xuất – nhập khẩu vàng thỏi do các tổ chức tài chính được NHNN cấp phép hoạt động cũng tuân theo quy trình này. Vàng thỏi xuất khẩu sẽ tương ứng với việc huỷ số lượng chứng chỉ tương ứng và vàng thỏi nhập khẩu sẽ tương ứng với việc phát hành lượng chứng chỉ vàng tương ứng.
Để loại bỏ ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ giá vàng khỏi dòng chảy của vàng vật chất, thì NHNN nên phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia. |
Các tổ chức tín dụng có thể huy động vàng của người dân dưới dạng chứng chỉ vàng. Bởi chứng chỉ vàng tương ứng với lượng vàng vật chất có thật trong các kho vàng quốc gia nên các ngân hàng có thể sử dụng chúng để thế chấp vay ngoại tệ hoặc nội tệ từ các tổ chức tín dụng khác ở trong và ngoài nước. Bản thân NHNN cũng có thể dùng một phần lượng vàng có trong các kho để thế chấp vay ngoại tệ nước ngoài khi cần.
Rõ ràng, với việc phát hành chứng chỉ vàng như trên thì hoạt động xuất nhập khẩu vàng sẽ đơn thuần gắn với nhu cầu vàng vật chất như chế tác vàng trang sức hoặc làm nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Các trao đổi vàng mang tính đầu cơ giữa những người dân với nhau về cơ bản sẽ được tách khỏi quá trình trao đổi vàng vật chất. Sàn vàng quốc gia góp phần làm giảm tải khối lượng hoạt động đầu cơ thông qua chứng chỉ vàng.
Ngoài nhu cầu nhập vàng vật chất để phục vụ mục đích chế tác và công nghiệp, đất nước hầu như không phải nhập khẩu vàng vì mục đích đầu cơ. Có lẽ Việt Nam chỉ phải nhập thêm vàng vật chất phục vụ mục đích đầu cơ chỉ khi khối lượng trao đổi tại một thời điểm vượt quá lượng vàng tiết kiệm thực sự tại Việt Nam. Với một khối lượng vàng trong dân lên tới 300 – 500 tấn thì điều này rất hiếm khi xảy ra. Nói cách khác, các hoạt động đầu cơ vàng trong nước về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá.
----
Mốt số ý kiến trước đây của tôi về vàng
Vàng đặt nền kinh tế trước tình thế mới (13.11.2009)
SGTT - Giá vàng và đôla ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Chỉ trong vòng một tuần giá vàng đã tăng từ mức 24 lên 29 triệu đồng/lượng. Trong cùng thời gian, giá đôla chợ đen cũng tăng từ mức 18.600 lên 20.000 đồng/USD. Đứng trước tình hình này, chiều ngày 11.11.2009, thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định cho nhập khẩu vàng trở lại để bình ổn giá vàng. Bài viết này cho rằng, trong khi việc nhập khẩu vàng là cần thiết, nó sẽ tạo ra áp lực lớn lên cán cân thanh toán, gây ra áp lực phá giá VND và do đó sẽ mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng. Vàng đặt các nhà điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam vào một tình huống mới.
Giá vàng hình thành như thế nào?
Vàng không phải là loại hàng hoá tiêu dùng thông thường. Vàng không bị tiêu huỷ khi sử dụng và nguồn khai thác hàng năm tương đối nhỏ, chỉ khoảng 1% đến 2%, so với tổng lượng vàng tích luỹ. Vì thế, giá vàng được quyết định chủ yếu bởi người đang giữ vàng chứ không phải nhà sản xuất.
Với mỗi người sở hữu vàng thì mỗi lượng vàng có một mức giá bảo tồn (vốn) (reservation price) khác nhau. Một người sở hữu 2 lượng vàng có thể sẵn sàng bán 1 lượng vàng ở mức giá 20 triệu đồng nhưng lại chưa chắc đã bán lượng vàng khác khi giá tăng lên 25 triệu đồng. Khi 1 lượng vàng được giao dịch trên thị trường với mức giá 25 triệu đồng nhưng anh ta chưa bán thì điều này có nghĩa là tại thời điểm đó đối với anh ta vàng có mức giá bảo tồn cao hơn 25 triệu đồng. Vì vậy, trên thị trường vàng, mặc dù tại một thời điểm giá được xác lập bởi người mua và bán cận biên nhưng việc giá vàng tăng hay giảm lại được quyết định bởi mức giá bảo tồn mà đa số mong muốn.
Cần lưu ý rằng, theo kết quả thăm dò do tổ chức GMFS có trụ sở ở London thực hiện năm 2009, thì có tới gần 70% lượng vàng được giữ bởi các cá nhân dưới dạng trang sức hoặc đầu tư cá nhân. Chỉ có 17,6% lượng vàng là được giữ bởi các tổ chức như ngân hàng Trung ương, quỹ tiền tệ quốc tế, và các tổ chức tài chính khác. Lượng giao dịch bởi các ngân hàng Trung ương hàng năm không nhiều. Điều này có nghĩa là giá vàng quyết định chủ yếu bởi đa số các cá nhân giữ vàng. Khả năng tìm kiếm được cơ hội sinh ra lợi nhuận khác của đa số này sẽ quyết định sự thay đổi của giá vàng.
Cụ thể, giá vàng chỉ giảm khi đa số người giữ vàng thấy rằng có cơ hội để tạo ra giá trị cao hơn từ việc chuyển đổi vàng sang tiền. Chẳng hạn một người trước đây sẵn sàng giữ vàng nếu mức giá thấp hơn mức 30 triệu đồng/lượng vì anh ta thấy rằng không có cơ hội nào sinh lợi nhiều hơn là giữ vàng. Nhưng nếu anh ta tìm thấy cơ hội tạo ra lợi nhuận, chẳng hạn mua đất đai hoặc chứng khoán hoặc kinh doanh, thì anh ta sẵn sàng bán vàng ở mức 25 triệu đồng/lượng thay vì tiếp tục giữ vàng.
Vì vậy, bất kể việc trước đây người dân Việt Nam đã tích trữ khá nhiều vàng thì việc sắp tới Nhà nước có cho nhập khẩu thêm vàng về cơ bản cũng sẽ không ảnh hưởng đến giá vàng cũng như xu hướng tích trữ vàng trong nước nếu như những người giữ vàng trong nước chưa tìm thấy cơ hội để tạo ra lợi nhuận tốt hơn. Nếu đa số người giữ vàng thấy rằng mức giá 30 triệu đồng/lượng là mức giá bảo tồn thì họ vẫn sẵn sàng giữ vàng ở mức giá đó. Giá vàng chỉ giảm khi đa số những người giữ vàng thấy rằng nền kinh tế cho họ những cơ hội tốt hơn để tạo ra lợi nhuận. Việc cho phép nhập khẩu vàng chỉ có tác dụng giữ cho giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới, hay chính xác hơn là làm cho kỳ vọng tìm được cơ hội tạo ra lợi nhuận ở Việt Nam được nối kết với kỳ vọng tìm được cơ hội tạo ra lợi nhuận trên toàn thế giới.
Giá vàng thế giới trong thời gian tới
Giá vàng thế giới đã dao động mạnh kể từ khi Mỹ bãi bỏ chế độ neo USD với vàng (35 USD/ounce) vào năm 1973. Chỉ trong vòng hai năm kinh tế đình đốn 1978 – 1980, giá vàng đã tăng hơn 30 lần. Đây là giai đoạn mà mọi người bi quan về triển vọng kinh tế thế giới và khi nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm (stag-inflation). Tuy nhiên, từ năm 1982 cho đến năm 2000, giá vàng đã giảm và dao động ở mức gần 300 – 400 USD/ounce. Đây là thời kỳ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ, đã có những thay đổi mạnh mẽ, tạo ra tăng trưởng cao với mức lạm phát thấp. Người dân luôn tìm thấy cơ hội tạo ra lợi nhuận khiến cho mức giá bảo tồn của vàng được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, kể từ năm 1997, và đặc biệt từ 2001, nền kinh tế thế giới liên tục bấp bênh. Khả năng tìm kiếm cơ hội tạo ra lợi nhuận ngày càng khó khăn. Giá trị bảo tồn của vàng nhờ đó đã liên tục được đẩy lên cao. Và cho đến ngày hôm qua vàng đã được đẩy lên ngưỡng 1.120 USD/ounce (xem bảng trên).
Trong thời gian một hoặc hai năm tới, cơ sở để giá vàng giảm chưa xuất hiện vì triển vọng hồi phục kinh tế thế giới tương đối bấp bênh. Nền kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn đang có tỷ lệ thất nghiệp cao, ở Mỹ là trên 10% còn châu Âu là gần 10%. Với tư tưởng chính sách toàn dụng lao động chiếm chủ đạo như hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu vẫn phải tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá mở rộng, như FED tuyên bố là ít nhất sáu tháng nữa. Người dân do vậy vẫn tiếp tục kỳ vọng giá cả hàng hoá sẽ tăng (CPI) bất kể các con số thống kê hiện tại cho thấy là chưa có dấu hiệu tăng.
Thêm nữa, các chính phủ sẽ không thể tiếp tục kéo dài các chính sách kích thích kinh tế quá lâu. Đến một thời điểm nào đó, có thể cuối năm sau hoặc sớm hơn, Mỹ và các nước châu Âu bắt buộc phải rút hết các biện pháp kích thích kinh tế. Trong trường hợp xấu, các quốc gia có thể phải thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá đột ngột. Tốc độ hồi phục kinh tế thế giới vì thế sẽ không thể nhanh, nếu không muốn nói là có thể rơi vào suy thoái một lần nữa. Điều này có nghĩa là, trong một đến hai năm tới, nền kinh tế thế giới sẽ chưa thể có khả năng tạo ra nhiều cơ hội đầu tư bền vững để người ta hạ giá bảo tồn vốn của vàng. Vì thế giá vàng sẽ có thể không tăng mạnh trong năm sau nhưng khả năng suy giảm là ít.
Tóm lại vàng vẫn là công cụ bảo tồn vốn của người dân trên toàn thế giới chừng nào chính phủ các nước còn chưa rút đi các biện pháp can thiệp vào thị trường và chừng nào nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự hồi phục từ chính đôi chân của nó. Với tình hình hiện tại thì tôi e rằng chúng ta sẽ không thể nhìn thấy giá vàng giảm cho tới chí ít là đến năm 2011.
Vàng và tình thế mới đặt ra cho các nhà làm chính sách Việt Nam
Kịch bản cho tổng giá trị nhập khẩu vàng của Việt Nam trong năm tới (tỉ USD)
|
Ngay cả khi chưa cho phép nhập khẩu vàng trở lại, Việt Nam đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách để đạt được cả hai mục tiêu: duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Để duy trì tăng trưởng, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã phải thực hiện các chính sách mở rộng tín dụng (thông qua biện pháp hỗ trợ lãi suất) và tăng chi ngân sách; trong khi để kiềm chế lạm phát do chính sách kích cầu này gây ra, Nhà nước đã cố gắng duy trì tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, chính sách duy trì tỷ giá ổn định lại là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu, tạo ra áp lực phá giá VND. Đây là điều mà Chính phủ Việt Nam không muốn, vì nếu phá giá VND thì nền kinh tế mất đi công cụ kiềm chế lạm phát trong khi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng vẫn đang tạo ra áp lực lạm phát. Nếu lạm phát bùng phát, thành quả tăng trưởng đạt được trong thời gian vừa qua sẽ bị cuốn trôi.
Việc Việt Nam cho phép nhập vàng trở lại làm cho áp lực phá giá VND càng trở nên mạnh. Căn cứ vào nhu cầu nhập của các năm 2005, 2006, 2007 và 2008 lần lượt là 48 tấn, 91 tấn, 51 tấn và 91 tấn thì giả sử cũng với nhu cầu nhập ở mức tương tự thì nhập khẩu trong năm nay và năm sau cũng phải ít nhất là 50 tấn nếu không muốn nói là lớn hơn nhiều (nếu cân nhắc cả yếu tố trong năm 2008 và đầu năm 2009 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 37 tấn vàng). Với các kịch bản nhập khẩu vàng khác nhau cộng với giá vàng trên thế giới được duy trì ở mức cao thì Việt Nam sẽ phải bỏ ra từ 1,94 – 4,24 tỉ USD để đảm bảo thị trường vàng liên thông với thế giới.
Trước khi cho phép nhập khẩu vàng trở lại, cán cân thanh toán tổng thể ước tính bị thâm hụt khoảng 1,9 tỉ USD. Nên sau khi cho phép nhập khẩu vàng, thâm hụt của nước ta trong năm 2009 có lẽ sẽ khoảng 2,5 tỉ USD. Nếu giả sử cán cân thanh toán tổng thể năm 2010 khi chưa cho phép nhập khẩu vàng cũng bị thâm hụt ở mức khoảng 2 tỉ USD thì trong năm 2010 mức thâm hụt sau khi cho phép nhập khẩu vàng sẽ lên đến mức từ 4 – 5,5 tỉ USD.
Nếu những phân tích trên đúng, thì áp lực phá giá VND từ giờ đến hết năm sau là rất lớn. Phá giá đồng tiền là điều mà Chính phủ Việt Nam không hề muốn, nên có lẽ trong thời gian tới đây mục tiêu chính sách vĩ mô sẽ phải chuyển hướng theo đó bảo vệ VND cần được đưa lên hàng đầu, trước cả chính sách kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Nếu thế, Chính phủ có lẽ nên cân nhắc một loạt các giải pháp song song với việc cho phép nhập khẩu vàng để giảm áp lực mất cân đối cán cân thanh toán, chẳng hạn dừng một số các biện pháp kích thích kinh tế gây ra nhập siêu, ngay cả sẽ khiến cho tăng trưởng bị giảm sút; tăng lãi suất cơ bản để VND trở nên hấp dẫn hơn; và thậm chí chủ động vay một lượng ngoại tệ lớn của nước ngoài để dự phòng.
Cần lưu ý rằng bảo vệ VND không có nghĩa là cố duy trì VND ở một mức tỷ giá cố định. Bảo vệ ở đây theo nghĩa để VND điều chỉnh phản ánh đúng giá trị thực của nó trong tương quan với các đồng tiền khác trên thế giới thay vì bị mất giá bởi các yếu tố đầu cơ và tâm lý. Xây dựng một chế độ tỷ giá theo đó người dân có thể tiếp cận mua hoặc bán ngoại tệ trực tiếp cho các ngân hàng vào bất kỳ thời điểm nào (trừ một số trường hợp khẩn cấp) thay vì phải ra chợ đen có lẽ là một mục tiêu mà ngân hàng Nhà nước nên theo đuổi.
Đinh Tuấn Minh
----
Kinh nghiệm thế giới: khôi phục giá trị nội tệ, dân sẽ thôi tích trữ vàng
(28.02.2011)
SGTT.VN - Đối với người dân ở nhiều nước, vàng là một dạng tiền tệ, lưu giữ giá trị. Vàng giúp người dân tự bảo vệ mình trước sự lạm dụng của các ngân hàng trung ương các nước khi các đơn vị này có chính sách cung tiền làm giá trị các đồng tiền giấy (nội tệ) thay đổi (giảm) mà bản thân người dân không kiểm soát được.
Vàng là phương tiện lưu giữ giá trị tài sản mà không bị ai làm sai lệch giá trị của nó. Còn với chính phủ các nước (thông qua ngân hàng trung ương), hầu hết lại muốn kiểm soát tình hình theo ý mình (thông qua chính sách tiền tệ) nên khi thấy thứ gì đó vượt quá tầm kiểm soát sẽ có khuynh hướng ngăn chặn bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Vàng là thứ có quyền năng có thể vượt ra ngoài vòng kiểm soát của các chính phủ và trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hiện nay, nó đang phát huy quyền năng này, trở thành loại “tiền tệ” đối trọng với tiền giấy của các nước.
Mỹ từng cấm người dân sở hữu vàng trong mấy chục năm nhưng cấm không được vì đó là nhu cầu có thật nên đã cho sở hữu lại. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết hoạt động kinh doanh vàng ở Mỹ đều diễn ra trên sàn giao dịch, người ta mua bán các “chứng chỉ vàng” chứ không phải vàng vật chất. Ở châu Âu, người ta có tập quán chế vàng thành các đồng tiền vàng hay nữ trang (ít hơn) và mua bán với nhau ở các tiệm vàng, nhu cầu cao thấp tuỳ vào tình hình kinh tế tại từng thời điểm. Các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam..., người dân mua bán, tích trữ vàng miếng, vàng nữ trang rất phổ biến.
Nếu chính phủ các nước tạo được niềm tin đối với đồng nội tệ với lãi suất cao và ổn định, người dân sẽ sử dụng tiền giấy. Đồng USD của nước Mỹ giai đoạn 1985 đến năm 2000 lên giá liên tục, người dân Mỹ và dân các nước khác cực kỳ tin vào USD nên dùng và tích trữ USD. Nếu Mỹ phá giá đồng USD của mình như hiện nay thì mọi người sẽ không tin nữa, mà trú ẩn vào vàng. Điều đó – cùng với tình hình lạm phát – lý giải vì sao hiện nay người dân ở một số nước lại bắt đầu mua vàng tích trữ dưới các dạng khác nhau.
ĐINH TUẤN MINH
----
Thận trọng trước các chính sách đối với vàng (02.03.2011)
SGTT.VN - Nếu dân chúng không được sở hữu vàng, vàng chảy khỏi quốc gia đó sang quốc gia khác. Vì thế bất kỳ một chính sách nào khiến vàng chảy khỏi nước mình sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế quốc dân.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã xây dựng dự thảo nghị định về quản lý thị trường vàng, tới đây sẽ đưa ra lấy ý kiến. Theo tiết lộ của một lãnh đạo NHNN, rằng quản lý vàng miếng sẽ tương tự như quản lý ngoại tệ: người dân được quyền sở hữu nhưng khi có nhu cầu bán phải bán vàng lại cho những đầu mối do NHNN quy định.
Sự ra đời của nghị định này được các nhà quản lý xem là một giải pháp của chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn các quốc gia đang dấn thân vào cuộc chiến tiền tệ, bất kỳ một chính sách nào khiến vàng “chảy” khỏi nước mình sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Với hy vọng Chính phủ sẽ xem xét hết sức thận trọng các chính sách đối với vàng, bài viết này xin cung cấp thêm các thông tin về vị trí của vàng đối với nền kinh tế trong bối cảnh như vậy.
Khi tiền giấy xuất hiện, vàng được hầu hết các ngân hàng sử dụng như là vật đảm bảo giá trị. Trong quãng thời gian đến trước cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933, song song với tiền giấy được đảm bảo bằng vàng, người dân vẫn sở hữu và trao đổi các loại vàng vật chất dưới dạng thỏi hoặc đồng xu.
Giai đoạn thị trường vàng bị kiểm soát 1933 – 1971
Vào năm 1933, Tổng thống Roosevelt ban hành sắc lệnh cấm tất cả các cá nhân sở hữu vàng vật chất để bảo vệ hệ thống ngân hàng Mỹ không bị sụp đổ. Vàng vật chất được cất giữ trong cục Ngân khố Mỹ. Giá trị đồng USD được đảm bảo bằng vàng với tỷ lệ 35 USD/oz.
Sau thế chiến thứ 2, tất cả các ngân hàng trung ương của phương Tây đều tham gia hệ thống tiền tệ Bretton Woods, theo đó, tiền tệ của các quốc gia khác đều neo vào đồng USD theo một tỷ lệ nhất định. Do sự đồng thuận của các ngân hàng trung ương, thị trường vàng vật chất về cơ bản được kiểm soát. Vàng chỉ dùng để làm nữ trang và các mục đích công nghiệp.
Vàng thoát khỏi sự kiểm soát của ngân hàng trung ương như thế nào?
Nhưng vào những năm của thập kỷ 1960, các nước châu Âu bắt đầu khó chịu với việc giữ đồng eurodollar – một loại tiền USD được sử dụng ở ngoài nước Mỹ – cho các khoản nợ của Mỹ và đòi Mỹ phải chuyển vàng vật chất sang châu Âu, thay vì chỉ là tiền giấy. Cho tới năm 1971, 12 ngàn tấn vàng đã được chuyển từ Mỹ sang châu Âu để đáp ứng đòi hỏi này.
Trước tình cảnh nợ của Mỹ ngày càng nhiều, chính quyền Tổng thống Mỹ Nixon đã ban hành sắc lệnh chấm dứt việc bán vàng vật chất cũng như thanh toán các khoản nợ đảm bảo bằng vàng như trước đây.
Tài sản của quốc gia dưới bất kỳ dạng ngoại tệ nào cũng sẽ bị tổn thất khi quốc gia phát hành ra ngoại tệ đó phá giá nó. Ngân hàng trung ương Trung Quốc không những tăng cường mua vàng dự trữ mà còn khuyến khích dân chúng sở hữu vàng. |
Ngay sau tuyên bố trên của Mỹ và đặc biệt là sau năm 1973, khi đồng USD thôi không còn được đảm bảo bằng vàng, vàng vật chất bắt đầu lấy lại giá trị của nó. Chỉ trong vòng vài tháng giá vàng tại London đã tăng lên gấp bốn lần. Các lệnh cấm nhập khẩu vàng ở một loạt các nước châu Âu cũng như Nhật Bản bị dỡ bỏ.
Để đảm bảo vàng không bị chảy ra khỏi nước Mỹ, chính quyền Mỹ đã chính thức cho dân chúng sở hữu vàng trở lại.
Khi các đồng tiền không còn bị ràng buộc vào đồng USD và đồng USD không còn được đảm bảo bằng vàng, thị trường vàng phát triển mạnh trở lại và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tất cả các ngân hàng trung ương. Kể từ năm 1971 đến 1985 giá vàng đã tăng một mạch từ 35 USD/oz lên 850 USD/oz.
Trong giai đoạn 1985 – 1999, đã có lúc người ta tin rằng thị trường vàng đã được các ngân hàng trung ương kiểm soát trở lại. Giá vàng giảm liên tục từ mức đỉnh 850 USD/oz xuống chỉ còn hơn 200 USD/oz. Các quốc gia hầu hết quay sang cất giữ đồng USD.
Thực ra có ba nguyên nhân khiến vàng bị mất giá trong giai đoạn này. Trước hết đó là vì sự phát triển vượt bậc của Mỹ và các nước châu Âu sau khi các quốc gia này thúc đẩy mạnh mẽ cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường. Tiếp đến là do sự sụp đổ của khối kinh tế xã hội chủ nghĩa khiến cho nhu cầu nắm giữ đồng USD ở các quốc gia chuyển đổi tăng mạnh. Và cuối cùng, sản lượng khai thác vàng trên thế giới tăng mạnh trong thời kỳ này. Các ngân hàng trung ương có thể dễ dàng bán vàng vật chất ra sau đó mua lại để đảm bảo trạng thái.
Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, vàng lại tìm thấy vị trí của mình khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy yếu. Nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh ở các quốc gia đang phát triển. Sản lượng khai thác không thể đáp ứng kịp các nhu cầu này khiến các ngân hàng trung ương thôi không còn bán vàng vật chất ra nữa. Giá vàng đã không ngừng tăng kể từ đó.
Vị trí của vàng với các quốc gia trong bối cảnh hiện nay
Chính phủ của các quốc gia đều ý thức được rằng tài sản được giữ dưới bất kỳ loại đồng tiền nào, ngay cả đồng tiền của chính nước mình, đều không thể giữ được giá trị. Bất kỳ ngân hàng trung ương nào cũng đều lạm dụng vị thế của mình để làm suy yếu đồng tiền nước mình khi có thể. Vì lẽ đó, không quốc gia nào trên thế giới cản trở dân chúng sở hữu vàng. Nếu dân chúng không được sở hữu vàng, vàng chảy khỏi quốc gia đó sang quốc gia khác. Trong khi đó, tài sản của quốc gia dưới bất kỳ dạng ngoại tệ nào cũng sẽ bị tổn thất khi quốc gia phát hành ra ngoại tệ đó phá giá nó.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã ý thức được việc này. Không những bản thân ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng cường mua vàng dự trữ mà còn khuyến khích dân chúng sở hữu vàng. Vàng chảy về Trung Quốc.
Vì thế, trong giai đoạn các quốc gia đang dấn thân vào cuộc chiến tiền tệ, bất kỳ một chính sách nào khiến vàng chảy khỏi nước mình sẽ là một chính sách gây tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Các chính sách về vàng do vậy cần phải hết sức thận trọng.
ĐINH TUẤN MINH
---
Quản lý thị trường vàng nhìn từ kinh nghiệm Ấn Độ (18.08.2011)
SGTT.VN - Trước việc giá vàng tăng chóng mặt từ mức 41 triệu đồng/lượng lên 45 – 46 triệu đồng/lượng thời gian vừa qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để hạ nhiệt cơn sốt vàng ở trong nước. Cùng với biện pháp có tính đối phó này, tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong buổi trả lời phỏng vấn Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 11.8.2011, đã tiết lộ về việc quản lý thị trường vàng trong tương lai.
Theo đó, “cơ quan duy nhất được phép xuất khẩu vàng là NHNN”. NHNN có thể trực tiếp xuất, nhập hoặc uỷ quyền cho một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thay mặt NHNN thực hiện. Liệu đây có phải là một giải pháp?
Vị trí của vàng trong tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn
Vàng luôn được coi như là công cụ phòng ngừa rủi ro. Trong điều kiện bình thường, các nhà đầu tư có thể chuyển sang đồng tiền của một quốc gia khác để bảo toàn tài sản của mình nếu đồng tiền đang giữ có nguy cơ bị mất giá trị. Tuy nhiên, khi bất ổn nền kinh tế toàn cầu kéo dài như hiện tại thì giá trị của mọi đồng tiền đều bị nghi ngờ. Không ai chắc liệu đồng euro, đồng yen, và đồng USD có thể giữ được giá trị khi mà các ngân hàng trung ương liên tục bơm ra các gói nới lỏng tiền tệ khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế của mình.
Nếu các gói cứu trợ này có hiệu quả có thể các đồng tiền này vẫn được tin tưởng. Nhưng khi các gói cứu trợ này lại không hiệu quả, không ai biết liệu các quốc gia đó sẽ phải trả nợ thế nào trong tương lai? Do không còn tin tưởng được vào các đồng tiền, các nhà đầu tư buộc phải tìm đến một loại tài sản có vị trí trong xã hội tương tự như tiền để giá trị. Trong tất cả các loại hàng hóa, chỉ có vàng mang thuộc tính của tiền tệ (tính đồng nhất, khả năng phân chia, khó làm giả, dễ vẫn chuyển v.v.) và nó trở thành công cụ bảo toàn giá trị để các nhà đầu tư “tránh bão” khủng hoảng tài chính. Vì lẽ đó, không chỉ các cá nhân mà ngay cả các ngân hàng trung ương cũng luôn phải dự trữ vàng để phòng ngừa rủi ro, bởi họ cũng hiểu rằng dự trữ tài sản quốc gia dưới bất kỳ đồng tiền nào cũng có thể sẽ bị mất giá.
Tuy nhiên, NHNN Việt Nam lại lo lắng khi người dân dự trữ vàng thì nền kinh tế sẽ bị mất đi một lượng ngoại tệ do phải nhập khẩu vàng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thanh toán của quốc gia. Vì lẽ đó, trong thời gian gần đây, NHNN đã có nhiều biện pháp mang tính hành chính để khuyến khích người dân không tích trữ vàng, chẳng hạn thông tư 11/2011/TT-NHNN quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Bản thân NHNN cũng chỉ tăng dự trữ ngoại tệ chứ không tăng dự trữ vàng như các ngân hàng trung ương khác.
Bài học quản lý vàng của Ấn Độ
Ấn Độ là một quốc gia có truyền thống sử dụng vàng. Với mực đích kiểm soát thị trường này, vào năm 1962, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một đạo luật hạn chế dân chúng sử dụng vàng và tập trung vàng vào ngân hàng trung ương. Các qui định gồm: cấm các cơ sở vàng sản xuất đồ trang sức bằng vàng có hàm lượng trên 14 carat; các cơ sở sản xuất và kinh doanh trang sức phải ghi đầy đủ các thông tin về mua, sản xuất, và bán vàng; các cá nhân/hộ gia đình chỉ được giữ vàng trang sức; NHNN độc quyền trong việc xuất và nhập khẩu vàng v.v.
Trong những năm đầu, chính phủ Ấn Độ đã kiểm soát khá thành công thị trường vàng. Thông qua việc phát hành trái phiếu vàng, chỉ trong vòng 3 năm 1962 - 1965, chính phủ đã huy động được 19,8 tấn vàng. Tuy nhiên, chính sách này sau đó đã bộc lộ những khiếm khuyết. Dân chúng tiếp tục giữ vàng như là tài sản tiết kiệm, còn nhà nước sau đó huy động được rất ít. Việc xuất - nhập lậu vàng trên qui mô lớn liên tục diễn ra và không thể kiểm soát. Chính sách ngoại hối liên tục bị ảnh hưởng bởi vàng. Trước tình hình đó, vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ 20, Ấn Độ bãi bỏ đạo luật kiểm soát vàng trước đó. Vàng được ngân hàng trung ương Ấn Độ đối xử như là một loại ngoại tệ. Đạo luật về quản lý ngoại hối đã bao gồm cả vàng, bạc và đối xử với các loại hàng hóa này như là ngoại tệ.
Vào năm 1997, Ủy ban về tài khoản vốn của chính phủ Ấn Độ xây dựng một chính sách toàn diện để "giải phóng" thị trường vàng. Các mục tiêu của chính sách này bao gồm: dỡ bỏ các rào cản đối với việc xuất và nhập khẩu vàng nhằm chống các hoạt động buôn lậu và tích trữ vàng; phát triển các công cụ tài chính phái sinh gắn với vàng; phát triển các thị trường đối với vàng vật chất và vàng phái sinh; khuyến khích các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường vàng. Chính sách này đã nhanh chóng được đưa vào thực tế.
Tháng 7.1997, các ngân hàng thương mại (NHTM) Ấn Độ được cấp giấy phép tham gia hoạt động xuất – nhập khẩu vàng. Đầu 1999, ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) cho phép các NHTM được phép huy động tiền gửi đảm bảo bằng vàng; các sổ tiết kiệm vàng này được phép giao dịch trên thị trường thứ cấp. Sau năm 2000, Ấn Độ đã phát triển các thị trường phái sinh và kỳ hạn liên quan đến vàng. Nhờ những chính sách giải phóng thị trường vàng này, Ấn Độ không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng vàng của dân chúng, ngăn cản được hoạt động buôn lậu mà còn giải phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế. Tỷ giá USD/INR được duy trì ổn định ở mức trên dưới 45 suốt từ năm 2000 đến nay.
NHNN Việt Nam nên làm gì?
Tương tự Ấn Độ, Việt Nam là một quốc gia có truyền thống sử dụng vàng. Lượng vàng trong dân hiện nay ước lên tới vài trăm tấn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn, việc dự trữ vàng ở một tỷ lệ nhất định là cần thiết bởi vàng sẽ là công cụ dự trữ giá trị và có thanh khoản tốt nhất trên phạm vi toàn cầu. Điều này đúng không những trong phạm vi gia đình mà còn trong phạm vi quốc gia, có nghĩa rằng vàng sẽ tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm tới. Để tránh việc vàng trở thành một tài sản "chết" như thời gian vừa qua, NHNH cần có một chính sách toàn diện đối với vàng.
Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy các biện pháp kiểm soát, hạn chế phát triển thị trường vàng sẽ gây hại cho sự phát triển của quốc gia. Để vàng trở thành nguồn vốn phát triển đất nước, các chính sách của NHNN trong thời gian tới cần hướng đến việc làm thế nào vàng có thể dễ dàng xuất nhập khẩu, dễ dàng tham gia vào hoạt động tín dụng và dễ dàng chuyển đổi sang các loại tài sản khác khi cần. "Giải phóng" thị trường vàng cần đặt lên hàng đầu chứ không phải "kiểm soát" nó.
ĐINH TUẤN MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét