Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Rủi ro từ trái phiếu chính quyền địa phương

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN - Khó khăn kinh tế Việt Nam năm 2012 đã khiến cho tình hình thu chi ngân sách nhà nước không đạt được chỉ tiêu như kế hoạch. Không chỉ tại những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế chậm mà tại cả ba đầu tàu kinh tế khu vực của ba miền Bắc, Trung, Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng đã không hoàn thành thu ngân sách nhà nước.



Trông đợi vào phát hành trái phiếu 

Tại Hà Nội, ngân sách thành phố chỉ đạt 95% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 95,8% dự toán Chính phủ giao. Tại Đà Nẵng, thành phố này cũng chỉ thực hiện được 81,1% so với dự toán. TP.HCM thu ngân sách cũng chỉ đạt 92% so với dự toán. 

Việc không hoàn thành được chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước tại từng địa phương khác nhau, đặc biệt là tại các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã khiến thu ngân sách nhà nước trong cả năm nay chỉ ở mức rất thấp so với kế hoạch đã đề ra. Trong 11 tháng đầu năm 2012, mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước tăng nhẹ 1,24% so với cùng kỳ năm 2011, đạt khoảng 593.400 tỉ đồng nhưng con số này mới chỉ bằng 80,1% so với dự toán. Như vậy, chắc chắn trong năm nay, thu ngân sách nhà nước sẽ không thể đạt được như kế hoạch. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước đã tăng tới 16,91%. Sự tăng đột biến của chi ngân sách nhà nước lại chủ yếu nằm ở việc chi phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước với mức tăng 23,34% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này khiến cho thâm hụt ngân sách nhà nước 11 tháng đầu năm 2012 đã tăng lên mức -131.400 tỉ đồng (~ 6,2 tỉ USD). 

Sự mất cân đối ngân sách nhà nước tăng mạnh đã khiến Chính phủ phải đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ nhằm bù đắp mức bội chi ngân sách nhà nước. Giá trị trái phiếu chính phủ phát hành qua kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến 6.12.2012 đạt 103.500 tỉ đồng. Nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tìm cách tăng cường phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để bù đắp sự mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước tại từng nơi. Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng... cũng đã lên kế hoạch thực hiện việc này. Chính quyền thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn năm năm với nguồn trả nợ từ nguồn thu ngân sách thành phố.

Những rủi ro tiềm ẩn từ phát hành trái phiếu địa phương

Việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nếu thành công, sẽ giúp các chính quyền địa phương bù đắp được nguồn thiếu hụt ngân sách để có thể trả nợ các khoản nợ đọng xây dựng tại các địa phương, hiện lên tới 91.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 25.000 tỉ đồng nợ các công trình đã hoàn thành và gần 66.000 tỉ đồng là nợ khối lượng đã thực hiện tại các dự án đang triển khai. Nó cũng giúp chính quyền các địa phương có tiền để đầu tư hoàn thiện các công trình thiết yếu, hiện đang đầu tư dở dang.

Tuy nhiên, việc các chính quyền tham gia vào việc phát hành trái phiếu địa phương sẽ gây rủi ro nhất định cho nền kinh tế. Thứ nhất, nó sẽ khiến cho tổng nợ công của cả nền kinh tế tăng thêm và có thể vượt quá khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, nợ công của Việt Nam năm 2012 ước chiếm khoảng 55,4% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 43,1% GDP; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,7% GDP; nợ địa phương mới chỉ chiếm 0,53% GDP. Nhưng với tốc độ tăng của việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương như hiện nay thì nợ địa phương so với GDP sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Với việc chi tiêu của Nhà nước phụ thuộc nhiều vào trái phiếu, mặt bằng lãi suất của nền kinh tế sẽ khó giảm khiến các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận tín dụng để mở rộng đầu tư sản xuất.

Thứ hai, rủi ro vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương thường cao vì trong bối cảnh mà hầu hết các địa phương trên cả nước đều mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước thì nguồn trả nợ này khó có sự đảm bảo. Trong trường hợp của Đà Nẵng, thành phố này đã liên tục phát triển tốt trong những năm qua và thu ngân sách luôn cao hơn so với chi ngân sách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nguồn thu cũng đã không đủ để bù đắp, đặc biệt là khi một nguồn thu lớn từ khai thác quỹ đất bị giảm mạnh bởi thị trường bất động sản gặp khó khăn. Không chỉ có vậy, nếu đến hạn ngân sách của địa phương không thanh toán được thì các trái phiếu này cũng sẽ khó nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương bởi Chính phủ không hề đứng ra bảo lãnh cho các khoản trái phiếu địa phương này. 

Bài học về sự phá sản của chính quyền địa phương trên thế giới cũng đã được đưa ra ở nhiều nơi. Tại Mỹ, nhiều thành phố đã nộp đơn xin phá sản do chính quyền địa phương không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn. Gần đây nhất, ngày 1.8.2012, thành phố San Bernandio thuộc bang California đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. 

Để tránh rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, các địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cần có kế hoạch sử dụng nguồn thu ngân sách thành phố và nguồn thu từ trái phiếu hợp lý, đầu tư vào các công trình trọng điểm có hiệu quả cao, tránh sự đầu tư dàn trải. Trước việc chính quyền các địa phương tăng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương như vậy, Quốc hội hoặc Chính phủ cần nhanh chóng hình thành uỷ ban hoặc một bộ phận chuyên trách theo dõi nợ công của cả nước để giám sát các hoạt động huy động vốn cũng như sử dụng vốn từ trái phiếu. Có như vậy, nguồn trả nợ mới được đảm bảo và việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương mới có thể không gây ra các rủi ro vỡ nợ, ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm của cả nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét