Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Hạ màn đầu tư chéo ngân hàng?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (26.11.2012) - Trong tuần qua, chủ tịch hội đồng quản trị của ACB đã cho biết: nhóm công ty có liên quan tới ACB đã thoái phần lớn các khoản đầu tư vào ngân hàng Kiên Long, Eximbank, thu về tổng cộng 4.500 tỉ đồng. Giá trị này chiếm tới gần 35% tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng ACB, chưa bao gồm các khoản đầu tư của ACB vào một số các ngân hàng thương mại (NHTM) khác như Vietbank, Đại Á… Không chỉ có ACB mà nhiều NHTM khác cũng đang nắm giữ những khoản đầu tư tương tự như ACB. Dù chưa biết lỗ lãi từ việc thoái vốn ra sao nhưng việc chuyển nhượng cổ phiếu tại thời điểm này không phải dễ dàng gì.



NHTM đầu tư cổ phiếu như thế nào?

Có ba khoản mục trên báo cáo tài chính của các NHTM liên quan tới hoạt động đầu tư cổ phiếu là chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và các khoản góp vốn đầu tư dài hạn. Với hai khoản mục đầu tiên là chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư, cổ phiếu chỉ chiếm một phần, còn lại là các chứng khoán nợ khác. Nguồn vốn đầu tư cho các khoản đầu tư cổ phiếu này thường là các nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng.

Đối với các khoản góp vốn đầu tư dài hạn, nguồn vốn mà NHTM sử dụng sẽ là các nguồn vốn dài hạn, chủ yếu là vốn chủ sở hữu. Theo báo cáo tài chính quý 3/2012 của các NHTM đang niêm yết, tỷ lệ góp vốn đầu tư dài hạn trên vốn chủ sở hữu của ACB và EIB đang ở mức cao nhất so với các NHTM. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu của các NHTM sẽ giảm đi, ảnh hưởng nhiều đến khả năng an toàn vốn của các NHTM này. 

Trong hoạt động đầu tư tài chính của các NHTM, đầu tư vào các NHTM cùng ngành đã trở thành một hoạt động khá phổ biến. Nhiều NHTM đã đầu tư lẫn nhau thông qua hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Đối với việc trực tiếp nắm giữ, khá nhiều NHTM đã công bố việc sở hữu cổ phần của các NHTM khác như: Eximbank nắm 9,7% STB; Phương Nam nắm 4,8% STB; MSB nắm 9,4% STB... 

Còn đối với việc sở hữu gián tiếp, các NHTM không cần đứng tên nắm giữ cổ phần mà thông qua các đơn vị thành viên, các công ty con, công ty liên kết, các quỹ đầu tư mà NHTM và các công ty liên quan có quyền chi phối để gia tăng tỷ lệ nắm giữ. Việc sở hữu gián tiếp này rất phức tạp và khó xác định rõ được tỷ lệ nắm giữ thực tế. Theo Vietstock trong bài Mạng nhện sở hữu giữa ACB với Kiên Long, Đại Á, Eximbank, Vietbank, Việt Á ngày 23.10.2012 thì ACB đều đang nắm giữ cổ phần tại các NHTM này, dù trực tiếp hay gián tiếp thông qua các công ty liên quan khác. 

Nợ khó đòi liên ngân hàng 

Việc nắm giữ cổ phần chéo giữa các NHTM lẫn nhau có thể sẽ có lợi khi các NHTM này có thể hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh, cùng tạo sự phát triển chung cho cả hệ thống NHTM. Tuy nhiên, việc nắm giữ này đang có xu hướng bị biến dạng khiến cho hoạt động của hệ thống NHTM giảm thiểu sự lành mạnh, gây ra các rủi ro lớn đối với cả hệ thống NHTM. 

Thứ nhất là rủi ro về việc giảm mức độ an toàn vốn của các NHTM. Khi NHTM A đầu tư nắm giữ NHTM B thì nguồn vốn chủ sở hữu để sử dụng cho các hoạt động khác của NHTM A sẽ bị giảm bớt. Tuy nhiên, việc này được bù đắp lại bằng khả năng hoạt động của NHTM B sẽ tốt hơn nhờ nhận được vốn đầu tư của NHTM A. Tuy nhiên, nếu NHTM B lại quay ngược trở lại và đầu tư tài chính vào NHTM A thì điều này lại tạo ra tình trạng vốn ảo của hai NHTM. Về mặt hình thức, trên báo cáo tài chính của cả hai NHTM, vốn chủ sở hữu đều tăng lên, nhưng đi song hành cùng nó là giá trị các khoản đầu tư chéo lẫn nhau cũng gia tăng. Về thực tế thì vốn chủ sở hữu của cả hai NHTM vẫn không có sự thay đổi so với trước. Tuy nhiên, nhờ tăng vốn chủ sở hữu theo cách này mà các NHTM nhanh chóng gia tăng được quy mô tổng tài sản, có thể cho vay nhiều hơn. Điều này có thể đã xảy ra khi mà các NHTM liên tục phải chạy đua để tăng vốn chủ sở hữu lên trong các năm qua. Do vậy, mức độ rủi ro của hoạt động ngân hàng tăng sẽ tăng lên khi vốn chủ sở hữu thực tế vẫn thấp, không đủ sức là tấm lá chắn để phòng chống rủi ro cho các NHTM. 

Thứ hai là rủi ro đối với việc giảm tính an toàn cho cả hệ thống NHTM. Các NHTM lớn nắm cổ phần chi phối tại các NHTM nhỏ sẽ có thể biến các NHTM này thành sân sau của mình, để có thể cho vay lòng vòng và cho vay chéo đối với các doanh nghiệp là những cổ đông của ngân hàng lớn. Nguồn vốn cho vay có thể từ phía NHTM lớn chuyển sang NHTM nhỏ. Như vậy, bằng cách này, các NHTM có thể lách các quy định của luật Các tổ chức tín dụng về các đối tượng không được phép cho vay hoặc hạn chế cho vay. Khi các doanh nghiệp này không trả được nợ các NHTM nhỏ thì các NHTM lớn sẽ có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi nợ xấu sẽ được ghi nhận ở các NHTM nhỏ, tuy nhiên, khi đó lại có thể phát sinh các khoản nợ khó đòi liên ngân hàng do tiền từ các NHTM nhỏ không chuyển trả lại được các NHTM lớn. 

Thứ ba là rủi ro thua lỗ từ hoạt động đầu tư tài chính khi các NHTM chuyển nhượng lại cổ phiếu mà mình đã đầu tư. Trong tình hình thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng giảm như hiện nay thì có lẽ sẽ khó để ghi nhận khoản lãi từ hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu này. Đối với 4.500 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phiếu của ngân hàng Kiên Long và EIB, liệu ACB có phải ghi nhận thua lỗ không khi mà giá của EIB đã liên tục giảm mạnh trong hơn ba tháng qua, từ mức gần 22.000 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, Kiên Long gần nhất cũng chỉ được đấu giá thành công ở mức 8.952 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 11% so với mệnh giá trong buổi bán đấu giá vào tháng 10.2012. 

Theo thông đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình: “Trong quá trình thanh tra các ngân hàng, NHNN sẽ làm rõ việc sở hữu chéo ngân hàng. Trên cơ sở này, dự kiến năm 2013, NHNN sẽ ban hành một loạt quy định mới để xử lý vấn đề sở hữu chéo, bắt buộc các NHTM, đặc biệt là khối ngân hàng cổ phần phải công khai, minh bạch tài chính”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét