Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Áp trần lãi suất cho vay: lợi bất cập hại

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (03.12.2012) - Vừa qua, theo các tuyên bố của ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ trần lãi suất cho vay có thể được áp dụng trong thời gian sắp tới nhằm mục đích giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất thấp hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu khả năng này xảy ra thì đây sẽ là lần đầu tiên trần lãi suất cho vay chính thức áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp hành chính này vẫn là một dấu hỏi.

Mức lãi suất cho vay dưới 10%

Kể từ cuối năm 2011 tới nay, NHNN thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát dưới một con số. Để thực thi được chính sách này, các mức lãi suất chính sách của NHNN và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) cần phải được duy trì ở mức đủ cao để NHNN có thể hút được tiền trong lưu thông về. Hệ quả là lãi suất cho vay cũng phải duy trì ở mức cao tương ứng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng. 


Bên cạnh dấu hiệu thành công của chính sách thắt chặt tiền tệ, như lạm phát năm 2012 ước chỉ khoảng 7,5%, thì nó cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống sản xuất. Có lẽ đây là lý do khiến Chính phủ và NHNN nghĩ tới các giải pháp để làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Và việc áp trần lãi suất cho vay là một giải pháp đang được cân nhắc. Trên thực tế, trần lãi suất cho vay đã được áp dụng một cách bán chính thức ít nhất hai lần.

Lần thứ nhất là vào tháng 7.2011. Khi mới được bầu làm thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các NHTM, nhất là nhóm G12 phải đưa lãi suất cho vay về mức 17 – 19%/năm để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, phải mất khoảng sáu tháng thì lãi suất mới giảm về được đúng như mức trên. Tuy nhiên, sau khi giảm về mức này thì tăng trưởng tín dụng cũng không có nhiều cải thiện.

Lần thứ hai, tròn một năm sau lần yêu cầu giảm lãi suất đầu tiên, tức vào đầu tháng 7.2012, thống đốc lại yêu cầu các NHTM phải giảm lãi suất của tất cả các khoản vay mới cũng như cũ xuống còn 15%/năm. Lần này, NHNN đã quyết đoán hơn khi liên tục có các văn bản bắt buộc các ngân hàng phải thực thi yêu cầu này. Chỉ sau một tháng kể từ khi có yêu cầu của NHNN, hầu hết các khoản vay của các ngân hàng đều đã giảm về đúng mức trên. Cụ thể, theo NHNN, tính đến ngày 2.8.2012, có tới 70% số khoản vay được điều chỉnh về mức trên. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế vẫn rất chậm chạp khi chỉ đạt khoảng 4,15% cho tới tháng 11.2012.

Việc các NHTM đồng loạt hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong một thời gian ngắn sau khi có yêu cầu của NHNN, có thể là nguyên nhân khiến cho Chính phủ và NHNN nghĩ rằng biện pháp hành chính vừa qua có tác dụng, và vì thế có thể cân nhắc áp dụng một cách chính thức biện pháp này để nhanh chóng đưa các mức lãi suất cho vay về dưới 10% như Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn phát biểu trong một cuộc hội thảo gần đây.

Cái gốc của vấn đề

Mục tiêu áp trần lãi suất cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, biện pháp này có thể gây ra tác dụng ngược.

Trong hoạt động tín dụng, các tổ chức tín dụng bao giờ cũng tính toán mức lãi suất cho vay cơ bản PLR (prime lending rate) dựa trên mặt bằng lãi suất huy động. Đây là mức lãi suất áp dụng cho những khoản vay và cho những khách hàng có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất, tức có mức độ rủi ro thấp nhất, trong ngân hàng mình. Các NHTM sau đó sẽ tính toán mức độ rủi ro liên quan đến từng khoản vay cụ thể của khách hàng cụ thể (với mức độ tín nhiệm khác nhau) để đưa ra các mức chênh (spread) lãi suất so với PLR. Vì vậy, các khoản vay có mức độ rủi ro cao thường phải gánh mức lãi suất cho vay cao, và ngược lại. 

Khi trần lãi suất cho vay được đưa ra ở mức thấp, trong khi mặt bằng lãi suất huy động không giảm thì đương nhiên các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất cho vay lên càng sát trần càng tốt đối với tất cả mọi khoản vay. Để phòng ngừa rủi ro, các NHTM sẽ có xu hướng chỉ lựa chọn các doanh nghiệp lớn, có uy tín để cho vay với lãi suất sát trần. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có uy tín sẽ càng khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Trong trường hợp muốn tiếp cận được thì có thể sẽ phải trả thêm một số khoản phụ phí để lách trần. 

Nếu điều này xảy ra thì phí tổn lãi suất mà các doanh nghiệp phải trả cho các NHTM không những không giảm mà có thể còn tăng thêm trên thực tế. Tăng trưởng tín dụng khi đó sẽ càng bị chậm lại và nguồn vốn tiếp tục bị ứ đọng.

Nếu NHNN làm mạnh tay để chống lại các hiện tượng lách trần lãi suất cho vay và huy động, rủi ro sẽ bị đẩy về phía hệ thống ngân hàng. Khi lãi suất đầu vào và đầu ra của cả hệ thống là như nhau thì đương nhiên khách hàng sẽ có xu hướng tìm đến những ngân hàng lớn, có uy tín và mạng lưới rộng rãi. Các ngân hàng nhỏ đã chịu thiệt thòi do áp trần huy động sẽ càng thiệt thòi hơn nữa, khi áp trần cho vay, do không thể cạnh tranh được với các ngân hàng lớn vốn có các dịch vụ gia tăng tốt hơn.

Với mặt bằng lãi suất huy động xấp xỉ khoảng 10% như hiện nay, các NHTM khó có thể hạ các mức lãi suất cho vay xuống thấp hơn mức 15%. Việc áp trần lãi suất cho vay xuống còn 10 – 12% để kích thích tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay sẽ mang lại nhiều hậu quả tiêu cực hơn là hiệu quả tích cực. 

Trên thực tế, rào cản chính của tăng trưởng tín dụng trong năm nay không phải là do lãi suất cho vay cao, mà do mặt bằng lãi suất huy động và tỷ lệ nợ xấu quá cao. Mặt bằng lãi suất huy động cao bởi lạm phát kỳ vọng vẫn ở mức xấp xỉ 10% cho năm 2013. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cao khiến lợi nhuận của các NHTM bị suy giảm mạnh, nguy cơ mất vốn tăng; và đó là lý do các ngân hàng hiện đang tập trung vào việc xử lý nợ xấu thay vì tìm cách đẩy mạnh tín dụng như trước đây. Giải quyết ổn thoả hai vấn đề nói trên mới là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được dòng vốn với lãi suất phù hợp, để mở rộng sản xuất, kinh doanh. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét