Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Chính sách tỷ giá: Cần thả nổi có kiểm soát chứ không phải phá giá

| Đinh Tuấn Minh |

(Một version của bài viết trên SGTT ngày 26.02.2013) 


Sự biến động tỷ giá USD/VND bất ngờ tại Việt Nam trong tuần qua sau hơn 1 năm yên ắng cộng với nhận định của một số chuyên gia kinh tế về sự cần thiết phải phá giá VND với mức độ 3 – 4% để hỗ trợ xuất khẩu khiến cho nhiều người nghĩ rằng đây là một xu hướng tất yếu trong năm 2013. Tôi không đồng ý với luận điểm này. Tôi cho rằng việc phá giá VND lúc này là thiếu có cơ sở và trái ngược với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế trong thời điểm hiện tại. Điều mà Ngân hàng nhà nước cần làm (NHNN) là điều hành một chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát, tức để tỷ giá biến động hàng ngày linh hoạt hơn theo cung và cầu thực về ngoại tệ trên thị trường, chứ không phải là một chính sách khá cứng nhắc như hiện nay.


Đồng nội tệ có xu hướng mạnh lên trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam đang khởi động sau một năm chuẩn bị. Với tình trạng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng ở mức tương đối cao cao, ít nhất là 8,8% như NHNN công bố,  tình trạng nợ đọng vốn giữa các doanh nghiệp với nhau, tình trạng đóng băng thị trường bất động sản, tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công cao, tình trạng lạm phát vẫn chưa thực sự ổn định thì Việt Nam không thể trông cậy vào bất kỳ nguồn vốn nào ở trong nước để có thể vừa chuyển đổi được cơ cấu nền kinh tế vừa duy trì được ổn định vĩ mô. Nguồn tiết kiệm trong dân không thể đủ để giải quyết được nợ xấu và duy trì được mức đầu tư cần thiết để đảm bảo tăng trưởng; không thể trông cậy vào ngân sách nhà nước vì sẽ dẫn tới nợ công cao; và không thể in tiền để giải quyết vấn đề vì sẽ dẫn đến lạm phát.

Như vậy, nguồn vốn khả dĩ duy nhất để đảm bảo cho sự thành công của quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam lúc này là dòng vốn đầu tư nước ngoài. (Vì Chính phủ Việt Nam không có ý định theo đuổi giải pháp vay nợ các định chế tài chính quốc tế). Nếu thu hút được đầu tư nước ngoài vào quá trình mua bán nợ xấu, vào việc mua bất động sản và vào việc mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được đảm bảo.

Nhưng việc thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải có một kỳ vọng vững chắc về sự ổn định của đồng nội tệ của Việt Nam, thậm chí là sự tăng giá của VND. Việc đồng nội tệ không bị mất giá sẽ là một đảm bảo chắc chắn về việc không bị thiệt hại khi nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển tiền về nước. Khi có được niềm tin đó, nhà đầu tư nước ngoài  mới sẵn sàng giải ngân. Chừng nào họ còn hoài nghi về điều này thì họ sẽ còn chờ đợi đến khi nước chủ nhà phá giá xong đồng nội tệ họ với giản ngân.

Có hai lý do cho sự kỳ vọng này trở thành hiện thực. Thứ nhất khi dòng ngoại tệ vào nhiều thì đồng nội tệ sẽ tăng giá trong ngắn hạn. Và nếu như nhờ có dòng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao trong trung và dài hạn, và nếu như NHNNN thành công trong việc duy trì lạm phát ở mức thấp (như dưới 5% trong dài hạn), thì VND cũng sẽ tăng giá.

Đây là cơ sở lý thuyết để giải thích tại sao các nước đang phát triển khi nền kinh tế bị rơi vào khủng hoảng thường trước tiên sẽ phải phá giá đồng nội tệ. Tiếp đến là ổn định kinh tế vĩ mô. Và cuối cùng là tái cơ cấu nền kinh tế. Có thể nói Việt Nam đã tiến hành được hai bước đầu tiên trong tiền trình này và đang bước vào giai đoạn thứ ba. Cụ thể, Việt Nam đã chủ động thực hiện việc phá giá đồng tiền của mình 3 lần vào các năm vào cuối 2008 (3%), cuối 2009 (5,4%), và cuối 2011 (9,3%). Và, từ giữa 2011 cho tới nay, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ  để ổn định kinh tế vĩ mô, kéo lạm phát về mức dưới 7%. 

Những điều kiện về kinh tế vĩ mô trong năm 2012 như lạm phát và cán cân thương mại cho thấy tỷ giá USD/VND đã ở trạng thái cân bằng để khởi đầu cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế mà không cần phải phá giá tiếp. Cán cân thương mại bắt đầu xuất siêu trong cả năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 minh chứng cho điều này.

Như vậy, nếu như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam thực sự diễn ra trong năm 2013 và Việt Nam có các chính sách kiềm chế lạm phát và chính sách thu hút dòng vốn nước ngoài để đảm bảo thành công cho quá trình này thì VND sẽ có xu hướng mạnh lên trong năm 2013 và Việt Nam hoàn toàn không cần phải cân nhắc đến việc phá giá VND.

Chính sách tỷ giá năm 2013: nên thả nổi có kiểm soát

Vấn đề tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế là làm sao để xử lý được dòng ngoại hối đổ vào Việt Nam đầu tư mà không gây ra các hiệu ứng phụ đặc biệt là lạm phát. Khi dòng vốn nước ngoài vào dồn dập trong một thời gian ngắn, NHNN có thể sẽ phải bơm mạnh tiền đồng ra để mua lại ngoại tệ nhằm ngăn VND tăng giá quá nhanh. Đây là điều mà NHNN đã làm trong thời gian qua giúp cho dự trữ ngoại hối tăng thêm 18 tỷ USD trong năm 2012. Và để ngăn ngừa lạm phát, NHNN đã phải phát hành tín phiếu để trung hoà dòng tiền này. Trong năm 2013, NHNN có thể phải dùng đến công cụ tăng dự trữ bắt buộc nếu như tiền đồng bị bơm ra nhiều quá.

Việc NHNN tiếp tục đỡ VND ở mức cố định như hiện tại tạo ra tín hiệu sai cho thị trường. Thị trường có thể nghĩ rằng NHNN đang kìm giữ tỷ giá cố định thay vì đang đỡ ngăn không cho đồng nội tệ mạnh lên. Ngoài ra, việc tiếp tục mua vào ngoại tế trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra gánh nặng cho chính sách điều hành lãi suất (điều chỉnh cung tiền) để đảm bảo ổn định vĩ mô. 

Vì vậy, dựa trên biến động dòng ngoại hối theo mùa vụ của tôi từ 2006 tới nay thì theo ý kiến chủ quan của tôi NHNN hãy để cho VND mạnh lên trong ít nhất là nửa đầu năm 2013 và có thể sau đó để VND yếu hơn đi vào giai đoạn cuối năm. Việc để tỷ giá biến động như vậy thể hiện cam kết của NHNN chuyển việc điều hành chính sách tỷ giá theo hướng thả nổi có kiểm soát (biên độ +/-3%), tránh việc hiểu nhầm rằng NHNN theo đuổi chính sách tỷ giá cố định.

1 nhận xét: