Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, cơ hội nào cho Việt Nam?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN (28.05.2012) - Sau bốn năm kể từ đại suy giảm năm 2008, kinh tế thế giới lại lún dần, tuy từ từ nhưng chắc chắn, vào một đợt suy giảm nữa bất chấp những nỗ lực không ngừng từ chính phủ các nước và các ngân hàng trung ương.

Năm 2009, Việt Nam đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu bằng một chính sách hỗ trợ lãi suất có một không hai trên thế giới, và cái giá phải trả là lạm phát và bất ổn kinh tế quay trở lại từ cuối năm 2010. Liệu lần này Việt Nam có thể thoát khỏi xu hướng chung mà không phải trả giá đắt như lần trước?

Kinh tế toàn cầu trước rủi ro lùi về suy thoái

Cuộc khủng hoảng nợ công ngày một sâu sắc là nguyên nhân chính đưa toàn bộ khu vực châu Âu rơi vào khó khăn. Châu Âu đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc lựa chọn chính sách tài khoá cũng như tiền tệ.

Nếu tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ tài trợ cho các mục tiêu ngân sách phi hiệu quả, lạm phát sẽ càng tăng cao. Kinh tế có thể đi vào thời kỳ lạm phát đình đốn. Chỉ số lạm phát của châu Âu hiện tại đã ở mức 2,6% tính đến tháng 4.2012 (trong khi mục tiêu của ECB chỉ là 2%), tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 10,9%.

Nếu lựa chọn “thắt lưng buộc bụng” và thu hẹp cung tiền thì kinh tế có thể sẽ chính thức lùi về suy thoái. Kinh tế châu Âu tăng trưởng âm 0,3% trong quý 4/2011 và 0% trong quý 1/2012. Tăng trưởng âm sẽ khiến nghĩa vụ trả nợ tại những nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý càng thêm nặng nề do lợi tức trái phiếu tăng cao.

Tình hình tại châu Á và Mỹ cũng không khả quan hơn nhiều so với khu vực châu Âu. Trung Quốc đang đối mặt với kinh tế “hạ cánh cứng” do tăng trưởng đã lùi xa về mức dưới hai con số, chỉ còn 8,1% trong quý 1/2012 (YoY). Trung Quốc sẽ khó trở thành điểm tựa của kinh tế toàn cầu như năm 2008, bởi khi đó Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức hai con số 11,2%.

Đối với kinh tế Mỹ, cường quốc số một thế giới, mặc dù vẫn giữ được tăng trưởng GDP ở mức 2,2% trong quý 1/2012, song tỷ lệ thất nghiệp vẫn chậm cải thiện, tiếp tục duy trì ở mức 8,1% tính đến tháng 4.2012. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với mức 5 – 6% thời kỳ trước năm 2008. Hơn nữa, Mỹ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ mở rộng với mức lãi suất thấp kỷ lục 0 – 0,25%, và chương trình mua trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn để hỗ trợ kinh tế khiến nợ công của Mỹ dự tính tăng tới 16,4 ngàn tỉ USD trong năm 2012, vượt 100% GDP của Mỹ. Nói một cách khác, nếu suy thoái kinh tế xảy ra, Mỹ sẽ không còn dư địa cho cả chính sách tài khoá và tiền tệ để cứu trợ nền kinh tế như năm 2009.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Giới thiệu sách: Các mô hình dân chủ của David Held

| Đinh Tuấn Minh |
(Đã có bản dịch nhưng chưa được xuất bản. Hy vọng cuốn sách sẽ đến tay độc giả sớm)


Năm 2003-2004 khi nghiên cứu về kinh tế thể chế, tôi có nhu cầu tìm hiểu các mô hình tổ chức nhà nước trên thế giới. Trong thư viện của trường đại học Maastricht nơi tôi học có rất nhiều các cuốn sách nhập môn về chủ đề này. Cuốn sách của David Held, Các mô hình dân chủ (Models of Democracy), thực sự đã thu hút được sự chú ý của tôi. Đây là cuốn sách không quá dày nhưng đã bao quát tương đối đầy đủ các kiến thức về lịch sử về các mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu dân chủ, chứa đựng các tư tưởng chính trị của những triết gia nổi tiếng từ cổ chí kim, và cập nhật được xu hướng phát triển của các mô hình quản trị nhà nước hiện nay trên thế giới. Và điều quan trọng nhất là cuốn sách được viết dưới dạng phân tích khoa học. Held đã tổng hợp các thực tiễn và các tư tưởng để xây dựng các mô hình dân chủ điển hình theo các tiêu chí phân loại cụ thể.  Dựa vào đó, ngươi đọc có thể đánh giá các luận điểm của tác giả và hình thành chủ kiến của mình. Vì những lý do này tôi đã giới thiệu cuốn sách cho NXB .... tổ chức dịch, với mong muốn mang tới các độc giả Việt Nam những kiến thức khoa học tổng quát về các mô hình quản trị quốc gia hiện đại.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Lãi lớn của các ngân hàng thương mại có là thực?


| Nguyên Minh Cường |

SGTT (21.5.2012) - Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang âm nhưng nhiều NHTM công bố tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2012 cao so với cùng kỳ. Liệu những con số lợi nhuận này có thực?

Nghi ngờ này được đưa ra khi nhìn vào báo cáo tài chính của các NHTM, đặc biệt là từ hiện tượng Habubank (HBB) vẫn báo cáo lãi tới 29 tỉ đồng trong quý 1/2012, với nợ xấu 10%, khác hẳn với các số liệu trong tài liệu đề án sáp nhập HBB vào SHB được công bố, theo đó nợ xấu lên tới 16% và nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì HBB lỗ tới 4.066 tỉ đồng.



Nguồn: Báo cáo tài chính của các NHTM

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Hai giải pháp “cứu” thị trường xăng dầu

| Đinh Tuấn Minh |

Ngồi xem phóng sự trên VTV1 về làm thế nào để kiểm soát chất lượng xăng dầu trên thị trường xăng dầu, thấy các nhà báo, các nhà quản lý ai cũng kêu khó vì không có đủ người đi lấy mẫu ở các cây xăng để kiểm tra. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn là thị trường xăng dầu của Việt Nam không có cạnh tranh. Cạnh tranh không chỉ làm cho giá sẽ phải bám sát giá thế giới mà cạnh tranh còn khiến cho chất lượng được đảm bảo.


Các nhãn hiệu Petrolimex, Xăng dầu Quân đội, PV Oil v.v. không có nhu cầu phải bảo vệ hình ảnh của mình trước các đối thủ cạnh tranh. Người tiêu dùng thì đổ xăng ở cây xăng của công ty xăng dầu nào cũng giống nhau, không có gì đảm bảo chất lượng. Đây là nguyên nhân khiến cho các công ty xăng dầu không tự xây dựng các qui trình giám sát chất lượng của các đại lý xăng dầu, cũng như các biện pháp trừng phát đại lý vi phạm. Nếu có cạnh tranh thì đây sẽ trở thành điều bắt buộc vì nếu như phát hiện ra một cây xăng thuộc hãng mình kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tẩy chay các cây xăng thuộc hãng đó.


Nếu chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước kiểm tra và trừng phạt thì sao xuể? Chỉ có cạnh tranh mới có thể tạo điều kiện cho người tiêu dùng trừng phạt những hãng xăng dầu không kiểm soát nổi chất lượng của mình.


Nhân đây tôi đăng lại bài viết trước đây trên SGTT về xây dựng thị trường xăng dầu của Việt Nam.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Gói hỗ trợ kinh tế mới vẫn chưa đủ

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN (7.5.2012)- Những thông tin ban đầu về gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng đã được công bố. Mặc dù khá tốt nhưng sự hỗ trợ này mới chỉ áp dụng cho một nhóm các lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp chỉ mang tính ngắn hạn. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp chưa mặn mà với việc mở rộng sản xuất trở lại.

Trần cho vay 15% với các lĩnh vực ưu tiên: không tác dụng nhiều


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 14 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa bằng lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng thêm 3%/năm. Như vậy, với mức lãi suất trần huy động hiện nay NHNN đang áp dụng là 12%/năm thì lãi suất trần cho bốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghiệp hỗ trợ sẽ tối đa là 15%. Điều kiện để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực này là các dự án phải đạt được hiệu quả và có khả năng hoàn trả.

Thông tư 14 không tạo ra quá nhiều sự khác biệt bởi phần lớn nội dung đều được các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang thực hiện. Do tình trạng dư thừa vốn trên thị trường liên ngân hàng, nên không chỉ với các lĩnh vực ưu tiên mà cả các lĩnh vực khác, các NHTM luôn tìm kiếm những khách hàng tốt, rủi ro thấp để cho vay với mức lãi suất ưu đãi. Trong thời gian qua, hàng loạt NHTM đã công bố các gói hỗ trợ khác nhau khá gần với mức trần cho vay 15%.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

The Paul vs. Paul debate

| Đinh Tuấn Minh |

Đây là cuộc tranh luận lần đầu tiên giữa Ron Paul và Paul Krugman về các vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, vai trò của Fed. Ron Paul, ứng viên tổng thống Mỹ duy nhất còn lại đối chọi với Mitt Romney để giành chiếc vé của Đảng Cộng hoà đấu với Obama vào mùa thu này, là người theo tư tưởng khai phóng cá nhân (liberarianism), chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các nhà kinh tế Áo tiền bối như von Mises và F.A. Hayek, cổ vũ cho một nhà nước thu nhỏ, đứng ngoài các hoạt động kinh tế, kể cả tiền tệ.  Trong khi đó, Paul Krugman là một kinh tế gia được giải thưởng nobel về kinh tế học trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, nhưng theo tư tưởng của chủ nghĩa phóng khoáng (liberal), dựa theo chủ thuyết Keynesian để cổ vũ sự can thiệp tích cực của nhà nước để "ổn định" các hoạt động kinh tế, đặc biệt là vai trò chính sách tài khoá nới lỏng trong giai đoạn suy thoái.

Bạn mong chờ gì vào cuộc tranh luận ngắn ngủi chỉ  hơn 10 phút này của hai ông Paul với hai nền tảng triết lý đối chọi nhau?  Chắc chắn sẽ chẳng đi đến một sự đồng thuận nào. Cũng sẽ không có những suy luận đầy đủ từ những tiền đề cho đến những nhận định đưa ra. Đa phần các nhận định đơn giản chỉ là nhận định thay vì là lập luận. Vì mỗi người đưa ra nhận định cuả mình dựa trên khung phân tích hoàn toàn khác nhau (mà không được trình bày rõ ràng) nên điều duy nhất bạn có thể tìm thấy điều hữu ích của cuộc tranh luận là những ý tưởng thú vị hoặc những dữ kiện (facts) mà hai khách mời này đưa ra để hỗ trợ cho lý lẽ của mình. Đó là những ý tưởng và dữ kiện gì?



(đọc toàn bộ transcript cuộc tranh luận tại đây)