|Nguyên Minh Cường |
SGTT.VN (17.12.2012) - Tín dụng trong năm nay không phải là do lãi suất cho vay cao, mà do mặt bằng lãi suất huy động và tỷ lệ nợ xấu quá cao. Giải quyết ổn thoả hai vấn đề, trên là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được dòng vốn với lãi suất phù hợp, để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong khi vấn đề nợ xấu chưa có chuyển biến, thì vấn đề mặt bằng lãi suất huy động đã có dấu hiệu tích cực.
SGTT.VN (17.12.2012) - Tín dụng trong năm nay không phải là do lãi suất cho vay cao, mà do mặt bằng lãi suất huy động và tỷ lệ nợ xấu quá cao. Giải quyết ổn thoả hai vấn đề, trên là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được dòng vốn với lãi suất phù hợp, để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong khi vấn đề nợ xấu chưa có chuyển biến, thì vấn đề mặt bằng lãi suất huy động đã có dấu hiệu tích cực.
Trong tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp
tục hạ lãi suất huy động các kỳ hạn dài (12 tháng trở lên) từ 12 – 13%
xuống còn khoảng 10,5 – 12%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài cao nhất của ACB
hiện chỉ còn 11,8%/năm, Techcombank 11,5%, EIB 11,5%/năm, MBB 11%/năm,
và Sacombank 12%/năm. Mặc dù mới chỉ giảm lãi suất các kỳ hạn dài, nhưng
đây có thể là tín hiệu tốt cho thấy xu hướng lãi suất sẽ còn tiếp tục
giảm.
Hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài
Khi các NHTM giảm mặt bằng lãi suất huy động thì những
khách hàng vay dài hạn tại NHTM sẽ là những người hưởng lợi chính.
Nguyên nhân là do các hợp đồng vay kỳ hạn dài của các NHTM thường là các
hợp đồng điều chỉnh lãi suất, theo đó lãi suất cho vay bằng lãi suất
huy động kỳ hạn 12 tháng cộng thêm với một biên độ lãi suất nhất định.
Trong khi biên độ lãi suất không thay đổi, thì việc giảm lãi suất huy
động kỳ hạn dài sẽ giúp giảm lãi suất cho vay dài hạn của các NHTM.
Theo số liệu tính toán từ bảy NHTM đang niêm yết, nguồn
vốn huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên chỉ chiếm 8,51% tổng nguồn
vốn huy động dân cư và các tổ chức kinh tế.
Tuy nhiên, giá trị cho vay kỳ hạn dài từ 12 tháng trở
lên chiếm đến 27,99% tổng giá trị cho vay của các NHTM, tức gấp ba lần
so với giá trị huy động dài. Như vậy, có thể khẳng định việc hạ lãi suất
huy động dài hạn sẽ góp phần làm giảm lãi suất cho vay đối với các
khách hàng.
Xu hướng giảm lãi suất là tất yếu
Trong khi hoạt động cho vay tăng trưởng thấp thì nguồn
vốn huy động vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng tốt. Theo ngân hàng Nhà nước
(NHNN), đến 19.10.2012, huy động của toàn hệ thống NHTM đã tăng 14,02%
trong khi tín dụng chỉ tăng khoảng 2,77%. Như vậy, với việc huy động
được nhiều mà chưa cho vay ra được, các NHTM sẽ phải tìm cách sử dụng
nguồn vốn có hiệu quả để đảm bảo khả năng chi trả các chi phí huy động.
Thường khi huy động được nhiều trong khi đầu ra tín
dụng gặp khó, các NHTM sẽ cho vay liên ngân hàng và mua tín phiếu của
NHNN. Tuy nhiên, nếu so với chi phí huy động thì việc cho vay liên ngân
hàng cũng như mua tín phiếu đều có tỷ suất sinh lời thấp hơn so với các
chi phí huy động ngắn hạn. Mặc dù lãi suất cho vay liên ngân hàng có
tăng lên trong thời gian qua nhưng vẫn ở mức khá thấp, chỉ dao động từ
mức 4 – 8%/năm đối với các kỳ hạn một tháng. Không chỉ vậy, việc cho vay
liên ngân hàng hiện nay cũng đã phức tạp hơn bởi những NHTM thanh khoản
kém đi vay đều cần phải có các tài sản đảm bảo. Còn đối với việc mua
tín phiếu của NHNN, lãi suất tín phiếu cũng vẫn thấp hơn nhiều so với
lãi suất huy động của các NHTM. Lãi suất kỳ hạn 28 ngày chỉ ở mức 5,5%,
kỳ hạn 56 ngày là 6,1% và kỳ hạn 91 ngày là 6,8%.
Với việc nguồn tiền dư thừa nhiều như vậy, lẽ ra các
NHTM phải giảm cả lãi suất huy động ngắn hạn. Tuy nhiên, hầu hết các
ngân hàng đều duy trì mức lãi suất 9%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Đây đơn thuần chỉ do tính chu kỳ của hoạt động kinh doanh. Cầu tiền cuối
năm thường cao nên nhu cầu thanh toán và nhu cầu giải ngân cũng sẽ tăng
mạnh. Mặc dù năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên nhu cầu thanh toán
và nhu cầu giải ngân cũng sẽ không lớn như các năm trước nhưng vẫn có
thể lớn hơn so với các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, các NHTM tiếp
tục duy trì việc huy động với lãi suất cao để đảm bảo ổn định về nguồn
vốn, tránh sự dịch chuyển nguồn vốn sang các NHTM khác.
Thời điểm nào nên hạ lãi suất huy động ngắn hạn?
Chỉ số CPI tháng 11.2012 đã được duy trì ở mức khá tốt.
Tính theo năm, CPI tháng 11.2012 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước.
Còn so với tháng 12.2011, chỉ số CPI chỉ tăng ở mức 6,52%. Với tình hình
giá cả ổn định trong tháng áp cuối năm 2012 như hiện nay thì rất có thể
chỉ số CPI cả năm 2012 sẽ chỉ dao động quanh mức 7%. Điều này cho thấy
việc kiểm soát lạm phát trong suốt thời gian qua của NHNN tỏ ra khá
thành công. Nếu chính sách tiền tệ chặt chẽ như hiện tại tiếp tục được
duy trì thì khả năng duy trì lạm phát cho năm 2013 ở mức dưới 7% hoàn
toàn khả thi. Lãi suất huy động ngắn hạn là 9%/năm và lãi suất huy động
dài hạn 11%/năm, thì lãi suất thực dương mà người gửi tiền đang nhận
được dao động ở mức từ 2 – 4%/năm.
Với mức lãi suất thực dương khá cao như trên, việc tiếp
tục hạ lãi suất huy động thêm khoảng 1% là hoàn toàn phù hợp trong thời
gian tới. Hệ thống NHTM đang dư thừa nguồn vốn thì hạ lãi suất sẽ không
ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản của hệ thống.
Yếu tố quan trọng nhất lúc này chính là thời điểm nào
nên thực hiện việc hạ lãi suất ngắn hạn, bởi nếu một NHTM tự hạ lãi suất
huy động ngắn hạn trong khi các NHTM khác chưa hạ thì nguồn tiền gửi
của NHTM này sẽ bị biến động mạnh, và có thể ảnh hưởng đến thanh khoản
của ngân hàng mình.
Để hệ thống NHTM có thể ổn định được thì NHNN cần thực
hiện vai trò điều hành của mình. NHNN có thể gửi tín hiệu đến các NHTM
về xu hướng hạ lãi suất thông qua việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất
chính sách thêm 0,5 – 1%. Thời điểm lựa chọn chính sách này tốt nhất nên
là đầu tháng 1.2013, khi mà việc đảm bảo dự trữ và thanh khoản cuối năm
2012 của các NHTM đã qua và các thông tin về CPI đã được công bố rõ
ràng. Việc lựa chọn thời điểm hạ lãi suất như trên sẽ nâng cao uy tín
của NHNN, rằng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ theo
các tín hiệu vĩ mô của nền kinh tế thay vì chịu áp lực của các doanh
nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét