Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Có tín hiệu tích cực nhưng chưa thể lạc quan

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 25.06.2012- Lần đầu tiên kể từ tháng 3.2009, chỉ số CPI tháng 6.2012 của cả nước âm, với mức giảm 0,26%. Cùng với đó, nhập siêu vẫn duy trì ở mức thấp nhờ tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2012 chỉ ở khoảng 4,3%, chúng ta chưa thể lạc quan.

Sự sụt giảm nhanh của chỉ số giá tiêu dùng có thể giúp cho đời sống người dân ổn định hơn. Đóng góp lớn vào đà giảm của chỉ số CPI trong tháng 6.2012 là sự sụt giảm của ba nhóm chỉ số giá: giao thông (-1,64%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-1,21%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,23%). Giá xăng trong nước giảm 700 – 800 đồng mỗi lần nhờ giá xăng dầu thế giới giảm mạnh cùng với việc các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng giảm giá bán do tồn kho cao đã giúp chỉ số giá hai nhóm hàng hoá giao thông và nhà ở vật liệu xây dựng giảm. Nhờ vậy, chỉ số CPI tính theo năm chỉ còn ở mức 6,9%/năm.

Diễn biến chỉ số CPI, lãi suất VND trong 6 tháng đầu năm 2012
 
 NGuồn: Tổng cục thống kê
Những tín hiệu của sự ổn định vĩ mô

Đà giảm của chỉ số giá tiêu dùng chính là cơ sở để hạ lãi suất trong nền kinh tế. Lãi suất huy động ngắn hạn giảm về mức trần 9% trong khi lãi suất dài hạn dao động từ 9 – 12%/năm. Đường cong lãi suất bắt đầu được thiết lập trở lại. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nới dần các biện pháp hành chính đối với lãi suất khi không áp trần đối với lãi suất kỳ hạn dài trên một năm. So với mức lãi suất huy động ở thời điểm cao nhất trong sáu tháng qua, lãi suất thực tế đã giảm từ 7 – 10%. Lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay VND cũng giảm theo. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua và mức lãi suất phổ biến hiện đang dao động trong khoảng 12 – 15%/năm. Nhờ vậy, tín dụng tính theo tháng đang dần tăng trở lại trong những tháng gần đây.

Lãi suất VND giảm nhanh đã khiến chênh lệch lãi suất VND và USD giảm mạnh từ mức 10 – 14% xuống 7 – 8%/năm. Tuy nhiên, tỷ giá và giá vàng trong nước vẫn tương đối ổn định. Tỷ giá USD/VND trong sáu tháng đầu năm dù có tăng nhưng vẫn trong biên độ của NHNN. Sau khi chạm trần 21.036 đồng/USD trong tuần đầu tháng 6.2012, tỷ giá USD/VND đã giảm trở về mức 20.940 đồng/USD vào cuối tuần qua. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp NHNN mua vào 9 tỉ USD, tương đương với gần bốn tuần nhập khẩu. Giá vàng SJC nửa đầu năm giảm dần từ mức cao nhất 45,4 triệu đồng/lượng tháng 2.2012 về quanh mức 41 – 42 triệu USD/lượng. Với việc SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia, NHNN có thể kiểm soát được nguồn cung vàng trong nước và hạn chế tình trạng nhập lậu vàng để bán lại cho các thương hiệu vàng miếng khác. Nhờ vậy, giá vàng trong nước đã bám sát hơn với giá vàng thế giới và ít tạo ra những cơn sóng về tỷ giá khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gia tăng.


Đóng góp vào sự ổn định tỷ giá chính là việc nhập siêu trong hai quý đầu năm rất thấp, chỉ khoảng 685 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2011, nhập siêu chỉ bằng 10,6%. Còn so với sáu tháng đầu năm năm 2009, nhập siêu cũng chỉ bằng 32%. Nhập siêu giảm do nhập khẩu chỉ tăng 6,9% trong khi xuất khẩu tăng đến 22%. Sự suy giảm của tổng cầu trong nước cùng với những chính sách thắt chặt đầu tư công đã khiến cho nhập khẩu giảm mạnh.

Nền kinh tế lại có nguy cơ trì trệ

Mặc dù nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát và tỷ giá đã ổn định nhưng nền kinh tế Việt Nam lại đang tăng trưởng chậm lại. GDP quý 2/2012 chỉ xấp xỉ với mức tăng trưởng quý 2/2009, khoảng 4,5%. Chỉ số giá tiêu dùng âm trong tháng 6.2012 và diễn biến theo xu hướng giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm phản ánh sự suy giảm mạnh của tổng cầu trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm làm gia tăng lượng hàng tồn kho. Chỉ số tồn kho của nhiều ngành, trong đó có công nghiệp chế biến, tăng 29,24% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng hoá sản xuất ra không bán được khiến doanh nghiệp bị mắc nợ quá hạn ngân hàng ngày càng nhiều. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06% cuối năm 2011 lên 4,14% vào cuối tháng 4.2012. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tiết lộ tỷ lệ nợ xấu thực tế của toàn hệ thống tín dụng ước khoảng 10% chứ không phải ở mức 3 – 4% như các ngân hàng báo cáo. Hệ quả là số lượng doanh nghiệp tiếp cận được ngân hàng để có nguồn vốn mới không nhiều. Đến tháng 4.2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,14%, huy động tăng 3,6% nhưng tín dụng của cả hệ thống NHTM vẫn giảm 0,59%. Đối với tiền gửi huy động, chỉ có huy động cá nhân tăng 11,78% trong khi huy động của các tổ chức kinh tế lại giảm 5,6%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã phải tận dụng mọi nguồn tiền nhàn rỗi của mình. Những khó khăn trên đã làm gia tăng số lượng doanh nghiệp đã giải thể và dừng hoạt động trong bốn tháng đầu năm 2012 lên 17.735 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Nợ xấu, nợ quá hạn tăng cao khiến nhiều ngân hàng có nguy cơ phá sản, buộc phải sáp nhập với nhau. Nhiều NHTM tuy vẫn công bố những khoản lợi nhuận lớn và tăng trưởng tốt nhưng dường như chưa phải là con số lợi nhuận thực sự do đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Điều này giúp các NHTM chậm phải trích dự phòng rủi ro với các khoản nợ quá hạn và nợ xấu. Nhưng đây lại là nguy cơ đe doạ đáng kể nhất đối với sự an toàn của toàn bộ hệ thống tín dụng hiện nay. Tín dụng của các ngân hàng bị đọng tại các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, và không thể đẩy sang được cho các doanh nghiệp tốt và thực sự cần vốn. Nền kinh tế vì vậy bị đẩy vào tình trạng trì trệ.

Chính phủ đã đưa ra một số kế hoạch để giải quyết tình trạng trì trệ này như tăng đầu tư công trở lại với gần 200.000 tỉ đồng giải ngân trong sáu tháng cuối năm, hình thành công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng với quy mô khoảng 100.000 tỉ đồng, và tái cấu trúc nền kinh tế. Kinh nghiệm của năm 2009 cho thấy gói đầu tư công không phải là chìa khoá của vấn đề, vì đầu tư công thường kém hiệu quả và dẫn đến nguy cơ lạm phát quay trở lại khá cao.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét