13.08.2012-SGTT.VN - Theo đánh giá của chuyên gia trong nước và
quốc tế, mức nợ công hiện nay của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn,
dưới ngưỡng trần nợ công 65% GDP mà Quốc hội vừa phê duyệt đến năm
2015. Tuy nhiên, do đặc thù của Việt Nam, với sự tồn tại của khối các
doanh nghiệp nhà nước (DNNN), việc mức nợ công đang tiến sát ngưỡng trần
trên là một đe doạ đáng kể đến sự ổn định của nền kinh tế trong trung
và dài hạn. Đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn đối với các chính sách tài
khoá mà Chính phủ dự định thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thâm hụt ngân sách ở mức đáng lo ngại
Theo báo cáo từ bộ Tài chính (MoF) thì thâm hụt ngân
sách của Việt Nam hơn mười năm qua luôn ở mức 4 – 6% GDP. Mặc dù thâm
hụt ngân sách có xu hướng giảm từ năm ngoái nhưng do nợ công là sự tích
luỹ cộng dồn của thâm hụt ngân sách qua các năm, nên khi thâm hụt ngân
sách được duy trì ở mức xấp xỉ 5% như hiện tại trong khi tăng trưởng
kinh tế thấp, thì ngưỡng an toàn của nợ công sẽ bị đe doạ.
Trong năm 2012, tình hình gần như không được cải thiện
khi mà nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục eo hẹp trong lúc chi tiêu ngân
sách lại không giảm. Theo kế hoạch của Chính phủ thì một số loại thuế và
phí đối với doanh nghiệp sẽ được giãn, giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp
trong tình hình kinh tế khó khăn. Thêm nữa, trong một bối cảnh mà các
doanh nghiệp làm ăn không có lãi, thì thu ngân sách trong năm 2012 sẽ
lại càng khó có thể đạt được so với kế hoạch. Tính trong bảy tháng đầu
năm 2012, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 363.000 tỉ đồng (bằng 49% dự
toán năm) thấp hơn cả mức thu 386.800 tỉ của cùng kỳ năm 2011 (bằng 65%
dự toán năm).
Trong khi đó, chi từ ngân sách tính đến giữa tháng 7 đã
bằng 50,3% kế hoạch năm. Áp lực giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân
sách sáu tháng cuối năm lại cao gấp rưỡi so với sáu tháng đầu năm. Nếu
diễn biến về thu và chi ngân sách tiếp tục như hiện tại và tăng trưởng
GDP cả năm 2012 chỉ ở mức 5 – 5,5% thì thâm hụt ngân sách sẽ rất khó đạt
được mục tiêu dưới 4,8% như kế hoạch.
Những mầm mống đe doạ mức nợ công an toàn
Nợ công của Việt Nam dù vẫn ở mức an toàn nhưng lại
tăng đều qua các năm do tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài. Năm 2009,
tổng nợ công của Việt Nam ở mức 52,6% GDP nhưng con số này đã lên đến
58,7% vào năm 2011.
Song, rủi ro tiềm ẩn đầu tiên đối với nợ công của Việt
Nam lại không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những
khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể Việt Nam sẽ phải dùng ngân
sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe doạ đến tính bền vững của nợ
công trong những năm tới.
Theo ghi nhận trong đề án Tái cấu trúc DNNN của bộ Tài
chính (2012), nợ trong nước của khu vực DNNN chiếm xấp xỉ khoảng 16,5%
GDP. Như vậy, nếu cộng thêm các con số này vào nợ công Việt Nam như một
số nước làm thì tổng nợ công đã vượt xa so với ngưỡng an toàn 65% GDP mà
Quốc hội đặt ra cho năm 2015.
Đe doạ thứ hai đến từ việc sự bất cập trong kỳ hạn trả
nợ của các khoản vay trong nước. Theo ước tính có tới 88,7% nợ trái
phiếu Chính phủ và trái phiếu được chính phủ bảo lãnh trong nước có kỳ
hạn chỉ từ 2 – 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc trách nhiệm trả nợ
trong nước sẽ dồn nén trong tương lai gần (xấp xỉ 4 – 5 tỉ USD/năm trong
vòng bốn năm tới). Cụ thể, trong năm 2013 sẽ có khoảng 65.400 tỉ đồng
trái phiếu đáo hạn với lãi suất bình quân là 11,12%/năm. Trong năm 2014,
con số này là 67.700 tỉ đồng với lãi suất bình quân là 10,93%/năm.
Trong năm 2015, con số tăng nhẹ ở mức khoảng 68.800 tỉ đồng với mức lãi
suất bình quân 10,72%/năm.
Đối với nghĩa vụ nợ nước ngoài, mặc dù trách nhiệm trả
nợ công nước ngoài tính theo GDP tăng ít và được dàn khá đều qua mỗi năm
(khoảng 1,5 – 2 tỉ USD/năm), nhưng con số nợ nước ngoài lại tăng khá
nhanh theo thời gian, từ mức 29,8% GDP năm 2008 lên đến 41,5% năm 2011.
Nợ nước ngoài, nếu không tính nợ công, chủ yếu do khu vực DNNN tự huy
động vốn của nước ngoài. Nguy cơ nhiều DNNN không trả nợ được khi các dự
án đầu tư không hiệu quả, sẽ khiến Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ
thay những doanh nghiệp này đang ngày càng lớn hơn. Các dự án ximăng gần
đây như Hoàng Mai, Tam Điệp, Thái Nguyên, Đồng Bành, Hạ Long đã và đang
được bộ Tài chính trả nợ thay là ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng này.
Khó có gói hỗ trợ tài khoá đáng kể để kích thích tăng trưởng kinh tế
Với tình trạng nợ công không thực sự bền vững như hiện tại, kỳ vọng vào một gói hỗ trợ tài khoá lớn để kích thích tăng trưởng trước sức ép của các nhóm lợi ích là một điều gần như không thể trong năm 2012 và năm tới. Mở rộng chi tiêu công, trong khi khó hứa hẹn đem lại tốc độ tăng trưởng như mong muốn, sẽ tạo ra nguy cơ đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam. Đây là một yếu tố, có lẽ quan trọng nhất lúc này, mà Chính phủ chắc chắn sẽ phải cân nhắc trong các chính sách hỗ trợ kinh tế của mình trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét