Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Doanh nghiệp nhà nước: cần tách biệt chức năng đại diện quyền sở hữu

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 08.10.2012 - Trong tuần qua, Chính phủ đã quyết định chấm dứt việc thử nghiệm mô hình tập đoàn đối với hai tập đoàn lớn trong ngành xây dựng là tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD). Như vậy, sau hai năm rưỡi tồn tại dưới mô hình tập đoàn trực thuộc quản lý của Thủ tướng Chính phủ, hai đơn vị này đã được trả lại cho bộ quản lý ngành như trước đây, cụ thể là bộ Xây dựng.

Lúng túng về cơ chế đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước

Việc hai tập đoàn VNIC và HUD được chuyển về cho bộ quản lý ngành, phản ánh thực trạng lúng túng của Chính phủ trong việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo các quy định hiện hành, các quyền chủ sở hữu đối với DNNN do Chính phủ thống nhất quản lý. Tuỳ từng DNNN, Chính phủ có thể trực tiếp thực hiện quyền này hoặc giao về cho các bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, các tập đoàn và tổng công ty. Theo thống kê của ông Trần Tiến Cường thuộc viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến cuối năm 2011, Việt Nam có tới 101 đầu mối quản lý trực tiếp 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Với số lượng đầu mối quản lý lớn như vậy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN trở nên rất khó giám sát. Các quyết định về nhân sự, về phương hướng phát triển kinh doanh, về thụ hưởng quyền lợi từ kết quả hoạt động của DNNN trở nên khó ăn nhập với nhau. Hệ quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu này là khu vực DNNN luôn tìm kiếm đặc quyền đặc lợi từ Nhà nước, nhưng lại thể hiện các kết quả kinh doanh khá èo uột so với các khu vực kinh tế khác.

Theo một báo cáo gần đây của CIEM, các DNNN hiện chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng và 70% vốn ODA... nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 35% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).
Có thể thấy, việc trả lại quyền đại diện chủ sở hữu của hai tập đoàn VNIC và HUD cho bộ Xây dựng vẫn chưa động chạm đến mấu chốt của sự yếu kém, trong việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại hai đơn vị này. Số lượng đầu mối quản lý các DNNN vẫn không thay đổi.

Cải cách DNNN theo hướng nào?

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện một số bước tiến hành tái cơ cấu khu vực DNNN. Cụ thể Chính phủ đã yêu cầu các DNNN, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhanh chóng lập đề án tái cơ cấu, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính. Các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015. Tính đến tháng 8.2012, đã có 53 tập đoàn, tổng công ty đệ trình đề án tái cơ cấu.

Đối với một số tập đoàn lớn như Petro Vietnam, Thủ tướng đã yêu cầu tập đoàn này không duy trì tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC), và Petro Vietnam cần có phương án xử lý cụ thể. Đồng thời, Petro Vietnam cũng phải xây dựng đề án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.

Tuy nhiên, việc yêu cầu các DNNN tự tiến hành tái cơ cấu vẫn chưa thực sự động chạm tới những vấn đề cốt lõi. Hiện tại, số lượng DNNN cũng như đầu mối quản lý khu vực này còn quá nhiều. Để có thể nâng cao hiệu quả, điều quan trọng là phải cải cách cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Cơ chế mới đại diện chủ sở hữu DNNN cần theo hướng tập trung và chuyên nghiệp. Các DNNN không nên được quản lý trực tiếp bởi các cơ quan hành chính như Chính phủ, bộ chuyên ngành, và UBND tỉnh. Thay vì đó, Việt Nam nên phát huy mô hình SCIC. Mô hình SCIC có ưu điểm là tách việc thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi các hoạt động xây dựng chính sách và thực thi pháp luật; đưa các chức năng đại diện chỉ quyền chủ sở hữu như về nhân sự, về phương án tổ chức kinh doanh, và thụ hưởng kết quả kinh doanh về một đầu mối.

Tất nhiên, với một số lượng lớn các DNNN như hiện tại thì có thể Nhà nước nên thành lập một vài công ty quản lý vốn giống như SCIC, để quản lý vốn nhà nước theo từng lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn SCIC1 đảm nhiệm quản lý vốn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng; SCIC2 đại diện chủ sở hữu trong lĩnh vực hàng hoá công như năng lượng, cung cấp nước, vận tải, thông tin; SCIC3 đại diện chủ sở hữu trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; SCIC4 đại diện chủ sở hữu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; SCIC 4 đại điện chủ sở hữu trong các lĩnh vực dân doanh như xây dựng và công nghiệp chế biến; v.v.

Sau một thời gian vận hành có hiệu quả, số DNNN được tinh giảm thì có thể tiến hành sáp nhập các công ty SCIC lại thành một công ty duy nhất như hiện nay.

Bằng việc đưa về một số đầu mối như vậy, và đặc biệt là tách ra khỏi các cơ quan hành chính, Chính phủ có thể xây dựng được lộ trình giảm số lượng và quy mô của khu vực DNNN, đẩy mạnh các hoạt động minh bạch thông tin, và cải cách hệ thống trách nhiệm và khuyến khích trong việc quản trị DNNN theo hướng người đại diện vốn chủ sở hữu là quản gia của Nhà nước, còn người điều hành DNNN được hưởng lợi ích theo cơ sở thị trường.

Lộ trình cải cách DNNN càng sớm được thực hiện thì nền kinh tế sẽ càng nhanh chóng được tái cơ cấu nhanh. Đây là động lực sớm đưa Việt Nam thoát ra khỏi giai đoạn kinh tế suy giảm để có thể bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét