Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Làm gì để giúp người nghèo?

| Đinh Tuấn Minh |

(Ghi chú nhân đọc  tiểu luận của Otto Graf Lambsdorff "Tự do: Biện pháp xoá đói giảm nghèo hữu hiệu nhất" do  bác Phạm Nguyên Trường dịch)

Biện pháp xoá đói giảm nghèo mà những người ủng hộ giải pháp thị trường thường thường mang tính trừu tượng, thành thử ra không hấp dẫn được người nghèo ủng hộ. Chẳng hạn những người ủng hộ thị trường thường nói:
- Tự do thương mại là biện pháp xoá đói giảm nghèo tốt nhất
- Giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội nên thị trường hoá, để tư nhân làm.
- Giáo dục nên phi tập trung hoá, là vấn đề của địa phương chứ không phải trung ương.
- ....

Những lý lẽ trên tuy đúng nhưng có vẻ quá xa vời.

Trong bài tiểu luận của Otto có nhắc đến hai giải pháp tôi cho là có vẻ tương đối gần gũi với người nghèo:  nâng mức sở hữu cho người nghèo và nâng mức độ bảo vệ quyền tư hữu cho người nghèo.

Giải pháp 1: tín dụng vi mô (microfinance) để giúp người nghèo tiết kiệm, qua đó cải thiện mức độ sở hữu của người nghèo. Khi người nghèo nâng cao được tiết kiệm và biết cách sử dụng tiền một cách hợp lý họ sẽ có thể tự thoát nghèo.

Giải pháp 2: nâng mức bảo vệ quyền tư hữu cho người nghèo. Trong tất cả các quốc gia, đặc biệt những nước đang phát triển ở mức thấp như Việt Nam, thì người nghèo mới là đối tượng bị xâm phạm quyền sở hữu nhiều nhất. Người giàu thường gắn với chính quyền để chèn ép, cưỡng đoạt tài sản của người nghèo. Do vậy, tư vấn, giáo dục cho người nghèo ý thức về quyền tư hữu cũng như thực thi các biện pháp công nhận quyền sở hữu các loại tài sản của người nghèo sẽ giúp họ thoát nghèo. Cụ thể ở Việt Nam, vấn đề sở hữu ruộng đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà v.v. cho người dân là biện pháp xoá đói giảm nghèo cho dân được tốt nhất.





Trích đoạn cuối bài luận của Otto



Người nghèo cần một cuộc cách mạng về pháp lí


Mặc dù mối liên hệ giữa chính sách kinh tế tự do và sự phát triển kinh tế cũng như xoá đói giảm nghèo đã được xác định bằng thực nghiệm nhưng khi tiếp xúc với những đau khổ của người nghèo thì đa số lại cho rằng những cuộc cải cách vĩ mô đó có tính cách quá trừu tượng và xa lạ với đời sống của những tầng lớp nghèo khó. Những cách suy nghĩ như thế chính là cản trở mang tính chính trị, ngăn cản việc thực thi những cuộc cải cách vì chúng không động viên người nghèo đứng về phía phong trào tự do.

Từ quan điểm đạo đức thì dù làm bất cứ việc gì – từ thiện hay thông qua trợ giúp của chính phủ, miễn là giúp được người nghèo – cũng đều đáng ca ngợi cả. Nhiều người nghèo cũng đòi hỏi như thế khi họ tham gia vào những quan hệ mang tính bảo trợ-chủ tớ. Nhưng đằng sau động cơ mang tính đạo đức này người ta lại thường lờ đi, không bàn xem là những biện pháp đó có loại bỏ được những nguyên nhân thật sự hay chúng chỉ làm giảm phần nào triệu chứng của căn bệnh đồng thời càng làm gia tăng sự phụ thuộc của người nghèo và đè nén sáng kiến của chính họ. Nhận thức được điều này, các tổ chức đang giúp đỡ việc xoá đói giảm nghèo sẽ phải coi việc quảng bá tư tưởng sáng kiến cá nhân là nhiệm vụ chính của mình. Như vậy là, cuối cùng người ta đã công nhận rằng người nghèo không phải là những người vô tích sự mà là những người với những tiềm năng bẩm sinh chưa được phát huy. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện một câu hỏi đơn giản sau: tại sao người nghèo lại cần các tổ chức bên ngoài, nhiều khi là các tổ chức ngoại quốc, động viên mới làm được những việc hiển nhiên, mà lại là làm cho chính mình nữa? Thời kì khi mà người châu Âu bắt đầu chinh phục con đường xoá đói nghèo làm gì đã có các tổ chức phi chính phủ!

Ta có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi loại đó trong hai tác phẩm tuyệt với của nhà kinh tế học Peru tên là Erando de Soto. Ông đã sử dụng ngay hệ thống kinh tế trong đó người nghèo đang sống làm xuất phát điểm cho công cuộc khảo cứu của mình. Ông chỉ ra rằng người nghèo không có điều kiện tiếp xúc với các công cụ và định chế pháp lí, tức là những phương tiện giúp gia tăng tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường hiện đại, trong đó có các tiêu chuẩn pháp lí nhằm bảo vệ và thực thi các hợp đồng, quyền tư hữu ổn định và được bảo đảm cũng tức là công cụ điều tiết thị trường đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả. Không những thế, họ lại phải chạm trán với một hệ thống tư pháp phức tạp và kém hiệu quả. Ngay cả nếu gặp được các quan toà độc lập và chuyên nghiệp thì vụ việc cũng kéo dài hàng năm. Các văn bản pháp qui của nhà nước thì vừa quá phức tạp vừa bao trùm lên mọi lĩnh vực thành ra mọi hoạt động kinh tế đều bị giấy tờ, dấu má cản trở. Người nghèo có thể có một chút vốn liếng, thí dụ như mảnh đất trong khu “xóm liều”, nhưng số vốn này lại không được đăng kí một cách hợp pháp.

De Soto và các cộng sự của ông đã làm một cuộc thí nghiệm: thực hiện tất cả các thủ tục, không đút lót cho ai, nhằm thành lập xưởng may với chỉ một công nhân. Phải mất gần một năm mới xong, kết luận rút ra là: không một doanh nghiệp nhỏ nào có thể tuân thủ được pháp luật. Đấy là một trong những lí do chính vì sao thị trường không chính thức lại phát đạt như thế.

Những qui định mang tính cấm đoán cũng có liên hệ đến sáng kiến của người nghèo: tại nhiều nước, sáng kiến, trong đó cho vay những khoản vốn nho nhỏ, là bất hợp pháp. Về lí thuyết thì đấy là nhằm bảo vệ người nghèo khỏi bị bóc lột. Nhưng trên thực tế thì họ lại bị cảnh sát và các quan chức bóc lột, phải mua chuộc những người này thì mới được hoạt động. Người nghèo, dù là người buôn bán nhỏ trên đường phố, người đạp xích lô hay lái xe, cũng đều phải trả tiền cho cảnh sát hay quan chức chính quyền cả.

Đấy là lí do giải thích vì sao phải có sự trợ giúp từ bên ngoài thì mới thoát được đói nghèo. Các tổ chức từ thiện ngoại quốc thường thuyết phục và áp lực chính phủ và bộ máy quan liêu để họ không ngăn cản sáng kiến cá nhân, ít nhất là trong một giới hạn nào đó. Đây là một trong những thành quả của các tổ chức nước ngoài, nhưng lại ít được công nhận nhất, nó giúp bảo vệ sáng kiến cá nhân trong các nước đang phát triển, không để cho bộ máy quan liêu của chính phủ bóp chết các sáng kiến đó ngay từ trong trứng nước.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là bảo vệ quyền tư hữu. Ở các nước phía Nam, quyền tư hữu thường được xác định không rõ ràng, hoặc không được bảo vệ hay khó chuyển giao. Hệ thống luật pháp về quyền tư hữu ở các nước này thường quá rắc rối, không phản ánh thực tế đời sống của người nghèo và được quản lí một cách cực kì kém hiệu quả. Nhiều người nghèo sống trong các “xóm liều”, không được công nhận về mặt pháp lí. Sự kém hiệu quả của thị trường sở hữu dẫn đến việc là càng ngày càng có nhiều người di cư vào thành phố không có đất ở và nhà ở. Vì vậy mà họ thường chiếm đất do chính phủ quản lí. Trong khi đó, chính phủ, tuy vẫn nắm quyền quản lí nhưng lại không biết phải làm gì và làm sao giữ được những khu đất đang nằm trong tay mình. Những cuộc lấn chiếm như thế thường do các “đầu nậu không chính thức”, tức là chủ nhân thật sự của những “xóm liều” thực hiện. Họ chính là những người đứng ra bảo vệ cho dân chúng sống trong các vùng đất bất hợp pháp đó. Người nghèo trong các “xóm liều” phải trả tiền thuê nhà cho đầu nậu, cho họ toàn quyền sử dụng tiếng nói của mình trong các cuộc bầu cử và tạo ra đám đông trong các buổi mít-tinh. Điều này, dĩ nhiên là có hại cho dân chủ và phát triển kinh tế, nhưng người nghèo không có lựa chọn nào khác.

Hậu quả kinh tế của tình hình nói trên là rất nghiêm trọng. Các loại tài sản như nhà ở, túp lều hay mảnh đất mà quyền sở hữu không rõ ràng hoặc không được công nhận không thể được chuyển hoá thành nguồn vốn. Chỉ cần người chủ sở hữu tài sản được xác nhận và được pháp luật bảo vệ, còn việc chuyển giao quyền sở hữu trở thành an toàn và hiệu quả thì tài sản ngay lập tức có thể trở thành nguồn thu nhập mới. Bằng cách đó, tài sản sẽ có một đời sống mới, đời sống ảo, dưới dạng nguồn vốn.  Người nghèo thường bị tước mất quyền này: họ có tài sản nhưng không tiếp cận được các phương tiện pháp lí có thể biến tài sản thành sở hữu, và bằng cách đó chuyển hoá thành đồng vốn. De Soto viết rằng tổng số vốn không được sử dụng, nói cách khác là vốn “chết”, trong các nước phía Nam là hơn một chục tỷ dollar Mĩ, mà phần lớn là vốn của người nghèo. Không một sự trợ giúp ngoại quốc nào có thể so sánh được với tiềm năng hình thành nguồn vốn lớn như thế. Hơn nữa, nếu làm được như thế, người nghèo sẽ có tài sản được đăng kí không phải là nhỏ.
Ở đây một lần nữa xin trở lại với ý tưởng ban đầu: giúp người nghèo tiếp cận với quyền sở hữu là cách xoá đói giảm nghèo tốt nhất. Hoá ra trong nhiều trường hợp việc này không hề tốn kém gì cả: chỉ cần công nhận về mặt pháp lí quyền sở hữu trên thực tế. Tất cả người nghèo trong các “xóm liều” đều biết ai là chủ túp lều nào. Nhà nước chỉ cần công nhận sự kiện đó và cung cấp cho các “sở hữu chủ mới” việc bảo vệ hữu hiệu về mặt pháp lí mà thôi. Theo De Soto, ban hành luật pháp phải được coi như là hành động xâm nhập thực tế. Trong quá trình đó ta sẽ thấy cần nhiều loại văn bản pháp qui khác nhau. Thí dụ, khu đất mà bộ lạc đã làm chủ hàng thế kỉ nay có thể đưa vào hệ thống quyền sở hữu mang tính hình thức nếu ta đăng kí nó dưới dạng sở hữu của hợp tác xã hay công ty cổ phần. Ở châu Âu đã có những trường hợp tương tự như thế, đấy là các tu viện, trong đó các thày tu hay các bà sơ đồng sở hữu mảnh đất tu viện và như vậy là họ trở thành những đối tác trên thương trường. Nếu bộ lạc muốn giữ gìn truyền thống canh tác tập thể thì văn bản pháp qui phải ghi nhận bộ lạc như người chủ sở hữu duy nhất.

Công nhận và bảo vệ quyền sở hữu của người nghèo không phải là nhiệm vụ thực tiễn mà là nhiệm vụ chính trị. Trong một thời gian dài, những người bảo vệ người nghèo đã ngoảnh mặt làm ngơ đối với quyền tư hữu của họ vì cho rằng đây là vấn đề của người giàu. Trong các nước phía Nam, đây là sai lầm chết người. Tại các nước này người giàu lại không cần bảo vệ quyền tư hữu bằng người nghèo. Trên thực tế, chính vì không được xác định và không được bảo vệ mà người giàu thường tấn công và phá hoại quyền sở hữu của người nghèo. Thí dụ ở Bangladesh là một minh chứng: muốn thoát nghèo, một phụ nữ vay tiền của ngân hàng Grameen. Sau một thời gian lao động miệt mài và dành dụm bà kiếm được một số vốn và định mở một xưởng cưa nhỏ. Một doanh nhân địa phương, kẻ cạnh tranh với bà nhưng có nhiều thế lực hơn cho bọn lâu la đến đe doạ buộc bà phải từ bỏ ý định. Biết rằng cảnh sát sẽ đứng về phía hắn, còn toà án thì kéo dài hàng năm, cuối cùng bà đành phải đầu hàng.

Ở các nước phía Nam, những câu chuyện như thế không phải là hiếm. Chỉ cần nói chuyện với một vài doanh nhân về việc chuyển địa điểm sản xuất hay xây dựng nhà máy mới là họ chẳng bao giờ dám xâm phạm vào lãnh thổ của kẻ khác. Xảy ra chuyện như thế là vì chính phủ không bảo vệ được pháp luật, chính quyền địa phương, sống dựa vào những cộng đồng sắc tộc hoặc tôn giáo thiểu số, đứng ra làm việc đó thay cho chính phủ. Những hiện tượng như thế là những cản trở nghiêm trọng trên con đường phát triển và tạo ra những rào cản không thể nào vượt qua được đối với hoạt động kinh tế của người nghèo. Trong những cuộc khảo cứu nhằm tìm hiểu thêm vấn đề vừa nêu, ngân hàng  Grameen đã lí giải được vì sao những người vay tiền của họ không tìm cách thoát ra khỏi cảnh “vắt mũi vừa đủ đút miệng” của họ. Câu trả lời: thiếu quyền sở hữu tài sản ổn định, mà rộng hơn là thiếu luật pháp, mà cụ thể là trong lĩnh vực kinh tế, tức là thiếu những điều luật giúp cho người nghèo chuyển từ nền kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức.

Không có các quyền tư hữu được ghi nhận một cách rõ ràng cũng là nguyên nhân của cảnh nghèo đói lan tràn khi người dân phải di cư khỏi những vùng đất họ đã sống nhiều đời để nhường chỗ cho các “dự án phát triển”, thí dụ như xây hồ chứa nước chẳng hạn. Ấn Độ hầu như đã xoá bỏ quyền sở hữu được hiến pháp bảo hộ, tức là bỏ điều luật nói rằng nhà nước phải đền bù 100% khi trưng dụng, nhằm hạ giá thành các dự án. Trong khi xoá bỏ điều luật thì người ta nói rằng đấy là để chống lại các đại điền chủ. Nhưng trên thực tế điều đó dẫn đến kết quả là hàng chục ngàn người nghèo đã bị mất hết nhà cửa mà không được đền bù thoả đáng vì không có quyền sở hữu một cách rõ ràng nên không thể đưa ra toà được. Bi kịch ở chỗ là đa số những người chống đối việc xây những con đập đó lại không nhận thức được vấn đề từ quan điểm về quyền sở hữu.

Thay đổi tình trạng nói trên là một tiến trình chính trị. Phải bảo đảm rằng trong quá trình chuyển sang hệ thống quyền sở hữu hữu hiệu hơn và ổn định hơn, người nghèo sẽ không bị những kẻ có quyền thế, thí dụ như chủ của các “xóm liều” chèn ép. Nguy cơ này dĩ nhiên là có, nếu việc điều tiết các tiến trình kinh tế vẫn cứ nằm trong tay các quan chức và những nhà kĩ trị phục vụ cho những thế lực có nhiều ảnh hưởng như hiện nay. Cần phải thực hiện một cuộc cách mạng theo hướng tự do hoá – và ở đây xin nhắc lại rằng chính cuộc cách mạng như thế đã xảy ra trong lịch sử châu Âu.

Như vậy là, nhiệm vụ của chúng ta không phải là phát minh ra những phương pháp phân chia tài sản mới và tốt hơn, có lợi cho người nghèo hơn. Mà là công nhận quyền tham gia của người nghèo vào đời sống kinh tế, là đưa ra những điều luật phù hợp và tạo ra những định chế giúp họ thoát khỏi khu vực kinh tế ngầm và trở thành những thành viên bình thường của nền kinh tế thị trường chính thức. Đấy chính là quyền bất khả xâm phạm mà họ đã bị tước đoạt từ quá lâu rồi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét