Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Càng siết quản lý vàng, nền kinh tế càng chịu thiệt

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 30.10.2012 - Trong tuần qua, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN), đã đưa ra một số thông tin về các chính sách mà NHNN có thể thực hiện nhằm quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong số các chính sách này đáng chú ý nhất các chính sách kéo dài thời hạn đóng trạng thái vàng, quan điểm của nhà nước về quản lý thị trường vàng, về huy động vàng trong dân, và khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc mua bán vàng.

Vàng là hàng hoá hay tiền tệ?

Dường như NHNN đang cố gắng xây dựng chính sách về vàng theo hướng coi vàng chỉ đơn thuần là hàng hoá thay vì là là một loại tiền tệ đặc biệt.

Câu hỏi với tín phiếu

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 22.10.2012 - Kể từ ngày 10.10.2012, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ bán tín phiếu trở lại cho các ngân hàng sau bốn tháng tạm ngưng. Khối lượng bán ra mới chỉ đạt khoảng 6.000 tỉ đồng sau bốn phiên đấu thầu, khá thấp so với các phiên hồi đầu năm. Kỳ hạn của tín phiếu đợt này cũng khá ngắn: 28, 56 và 91 ngày trong khi kỳ hạn dài nhất của đợt bán hồi đầu năm lên tới 182 ngày.


Lãi suất trúng thầu dao động trong khoảng 4,5 – 6,5%/năm, tương đương với mặt bằng lãi suất trong các phiên đấu thầu hồi cuối quý 2 nhưng khá thấp so với những phiên trong tháng 3 năm nay, khi đó lãi suất trúng thầu lên tới 12%/năm. Mức lãi suất trên cũng tương đương với lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng hiện nay.

Việc bán tín phiếu của NHNN không ngoài mục đích hút tiền khỏi hệ thống nhưng động thái này được cho là khá bất ngờ trong thời điểm hiện nay khi mà tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn rất chậm chạp, lãi suất huy động từ dân cư đang có xu hướng tăng dần.

Thâm hụt ngân sách tăng nhanh sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu kinh tế

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 15.10.2012 - Theo bộ Tài chính, tính đến tháng 9.2012, thâm hụt ngân sách nhà nước đã đạt mức 122.320 tỉ đồng, bằng 87,2% dự toán năm, một phần là do chi tiêu trong quý 3 tăng mạnh, trong khi thu ngân sách nhà nước lại tăng rất chậm so với cùng kỳ. Điều này khiến cho nguồn tiền khả dụng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế từ tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trở nên khó khăn hơn. Nếu không cải thiện được tình trạng này, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp.


Doanh nghiệp nhà nước: cần tách biệt chức năng đại diện quyền sở hữu

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 08.10.2012 - Trong tuần qua, Chính phủ đã quyết định chấm dứt việc thử nghiệm mô hình tập đoàn đối với hai tập đoàn lớn trong ngành xây dựng là tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD). Như vậy, sau hai năm rưỡi tồn tại dưới mô hình tập đoàn trực thuộc quản lý của Thủ tướng Chính phủ, hai đơn vị này đã được trả lại cho bộ quản lý ngành như trước đây, cụ thể là bộ Xây dựng.

Lúng túng về cơ chế đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước

Việc hai tập đoàn VNIC và HUD được chuyển về cho bộ quản lý ngành, phản ánh thực trạng lúng túng của Chính phủ trong việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo các quy định hiện hành, các quyền chủ sở hữu đối với DNNN do Chính phủ thống nhất quản lý. Tuỳ từng DNNN, Chính phủ có thể trực tiếp thực hiện quyền này hoặc giao về cho các bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, các tập đoàn và tổng công ty. Theo thống kê của ông Trần Tiến Cường thuộc viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến cuối năm 2011, Việt Nam có tới 101 đầu mối quản lý trực tiếp 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Với số lượng đầu mối quản lý lớn như vậy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN trở nên rất khó giám sát. Các quyết định về nhân sự, về phương hướng phát triển kinh doanh, về thụ hưởng quyền lợi từ kết quả hoạt động của DNNN trở nên khó ăn nhập với nhau. Hệ quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu này là khu vực DNNN luôn tìm kiếm đặc quyền đặc lợi từ Nhà nước, nhưng lại thể hiện các kết quả kinh doanh khá èo uột so với các khu vực kinh tế khác.

GDP vẫn tăng trưởng khá nhờ kiều hối và đầu tư công

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 01.10.2012 - Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn cao hơn nhiều so với GDP. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi trong chín tháng đầu năm nay. Tăng trưởng tín dụng trong chín tháng đầu năm 2012 chỉ ở mức 2,35% nhưng GDP chín tháng đầu năm lại tăng 4,73%. Trong đó, GDP quý 3 là 5,35%, cao hơn nhiều so với quý 1 (4%) và quý 2 (4,66%). Điều gì khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục cải thiện dù cho tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp?

Khu vực dịch vụ tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt

So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù GDP tăng trưởng thấp hơn nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt 5,97%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp (4,36%) và lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (2,48%). Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 là 0,53%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản lại thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,27% và tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn cùng kỳ 1,49%. So với công nghiệp, nông nghiệp thì lĩnh vực dịch vụ thường sử dụng ít vốn hơn và nhu cầu chất xám nhiều hơn. Vì vậy, tín dụng tăng trưởng thấp không tác động nhiều đến lĩnh vực dịch vụ này.

Lĩnh vực dịch vụ ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ trong GDP tiếp tục duy trì đà tăng qua các năm và đã vượt lĩnh vực công nghiệp từ năm 2011. Do vậy, nhờ vào tốc độ tăng trưởng tốt và tỷ trọng lớn nhất trong GDP của lĩnh vực này mà tốc độ tăng trưởng GDP trong chín tháng đầu năm 2012 vẫn khả quan.

Sốt thị trường vàng: những dấu hỏi về chính sách

| Nguyên Minh Cường |


GTT.VN 24.09.2012 - Trong suốt một tháng qua, thị trường vàng đã hoạt động mạnh trở lại sau gần một năm trầm lắng. Sau khi đạt mốc 45 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 2.2012, giá vàng bắt đầu đi xuống và chạy quanh mức 41 – 43 triệu đồng/lượng cho tới cuối tháng 7. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 8, giá vàng bắt đầu tăng mạnh và chạm mốc 47 triệu đồng/lượng từ giữa tháng 9 và đi ngang từ đó tới nay. Giá vàng trong nước đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng trong quãng thời gian chưa đầy một tháng trong khi giá vàng thế giới quy đổi chỉ tăng khoảng xấp xỉ 4 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng sôi động trở lại

Thị trường vàng trong nước trong thời gian qua đột nhiên trở nên sôi động theo xu hướng chung của thị trường vàng thế giới, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB, và BoJ đều tuyên bố đẩy mạnh bơm tiền nhằm thúc đẩy các nền kinh tế thoát khỏi trì trệ.

Tuy nhiên, khác với lần tăng giá vàng trên thế giới hồi đầu năm 2012, người mua trong nước đột ngột quan tâm tới vàng hơn. Nhiều ngân hàng tăng mua vàng vào để đảm bảo thanh khoản; còn cầu từ phía người dân phần lớn do những biến động tâm lý trước những bất ổn trên các thị trường tài chính.

Điều này làm cho giá vàng trong nước tăng mạnh hơn so với giá vàng thế giới. Khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới ngày càng bị doãng ra, có thời điểm lên tới hơn 3 triệu đồng lượng.

Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào?

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 21.09.2012 - Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của ngân hàng, tất cả người xem có thể dễ dàng nhận thấy được nợ xấu của ngân hàng là bao nhiêu trong phần thuyết minh của mục “Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng”. Nợ cho vay được phân loại làm năm nhóm theo quyết định 493/2005/QĐ – NHNN và đã được sửa đổi theo quyết định 18/2007/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng cao hơn rất nhiều so với con số này. Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói nợ xấu theo số liệu NHNN là đáng tin cậy nhất, với mức 8,6% tổng dư nợ tại thời điểm 31.3.2012. Trong khi đó, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, dù cập nhật đến 31.5.2012, chỉ ở mức 4,47%. Sự chênh lệch này đến từ đâu và có dừng lại ở đó hay cao hơn nhiều như báo cáo của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, của Fitch?

“Thủ thuật” hạch toán và đánh giá nợ

Trong những năm trước, để có thể đẩy mạnh được hoạt động tăng trưởng tín dụng và lách các quy định của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh hoạt động cho vay nhưng lại không hạch toán vào mục Cho vay với khách hàng. Thay vào đó, nhiều khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán lại “phình to ra” do các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đã lách các hoạt động cho vay vào các khoản mục này như mục Các tài sản có khác (trong đó có khoản phải thu, tài sản có khác), Chứng khoán đầu tư (trong đó có chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành), Uỷ thác đầu tư… Nhiều tài sản trong nhóm này có tính chất tương tự như tín dụng nhưng không được các NHTM trích dự phòng hay phân loại nhóm nợ do không có quy định cụ thể. Điều này đã làm giảm bớt các khoản nợ quá hạn và nợ xấu của các NHTM do các NHTM chỉ thực hiện phân loại nợ với các khoản cho vay trên mục Cho vay khách hàng.

Ngoài ra, để không phải điều chỉnh nhóm nợ với các khoản cho vay, nhiều NHTM có thể đã chuyển từ việc cho vay sang mua trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã phát hành thành công 850 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 17.8.2012. Số trái phiếu phát hành lần này để cơ cấu lại các khoản nợ ở các ngân hàng. Trong thương vụ này, BIDV và công ty chứng khoán BIDV thu xếp phát hành, còn đối tượng mua là các NHTM nơi HAG có các khoản nợ.

QE3 của Fed và nỗi lo nhập khẩu lạm phát

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN 17.09.2012 - Có nhiều dấu hiệu cho thấy CPI của tháng 9 sẽ ở mức cao hơn so với tháng 8. Và với đà tăng của giá dầu thô như hiện tại, khả năng giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng trong tương lai gần là điều có thể dự đoán trước.
Chỉ trong vòng hơn một tuần, cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều lần lượt công bố bơm thêm tiền với quy mô lớn vào nền kinh tế, để hỗ trợ nền kinh tế của từng khu vực vượt qua được giai đoạn trì trệ hiện nay. Ngày 6.9.2012, ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới giúp hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Ngày 13.9.2012, FED đã chính thức công bố chương trình nới lỏng định lượng QE3 với quy mô 40 tỉ USD/tháng, nhưng không giới hạn thời gian. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt bơm tiền tạo nguy cơ giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh. Liệu Việt Nam có đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ thế giới?

Giá vàng tăng mạnh là do ngân hàng tăng sức mua?

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 10.09.2012 - Trong tuần qua, giá vàng SJC đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm 2012 đến nay với mức giá bán ra vượt 46 triệu đồng/lượng. Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 45,90 và 46,25 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi là 2,46 triệu đồng/lượng. Dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho SJC gia công 1.723kg (gần 50.000 lượng vàng) nhưng thị trường vàng trong nước vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt.

Giá vàng thế giới gia tăng kích thích người dân giữ vàng

Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh từ đầu tháng 8.2012 đến nay. Trong tuần qua, giá vàng đã tăng gần 3% từ 1.690 USD/oz lên 1.740 USD/oz vào cuối tuần. Giá vàng thế giới tăng mạnh do các nhà đầu tư kỳ vọng vào ECB và Mỹ sẽ sớm bơm thêm tiền. Trong cuộc họp ngày 6.9.2012, chủ tịch ECB tuyên bố ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới nhằm hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên eurozone. Không chỉ có vậy, tình hình kinh tế Mỹ cũng đang tiếp tục có dấu hiệu trì trệ hơn khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm thực hiện gói QE3 để kích thích kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn. Số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 8.2012 chỉ có 96.000 việc làm, thấp hơn dự báo và thấp hơn so với số lượng 141.000 việc làm tháng 7.2012.